Ngành TN&MT

Hành trình không ngừng nghỉ của người địa chất

Đan Chi 10/02/2024 - 12:20

(TN&MT) - Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 680/QĐ-TTg ngày 10/6/2023 phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện rõ quan điểm về tầm quan trọng và mức độ ưu tiên đối với lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Một trong những Quy hoạch ngành được phê duyệt sớm

Theo đánh giá của Lãnh đạo Bộ TN&MT, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những Quy hoạch ngành được phê duyệt sớm, bên cạnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương chủ trì và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Xây dựng thực hiện.

anh-2-cdcvn.jpg

Việc xây dựng Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một hành trình ý nghĩa, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà địa chất, góp phần hoạch định cho công tác quản lý, khai thác khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.

TS Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam

Lãnh đạo Bộ kỳ vọng, việc thực hiện Quy hoạch sẽ thu được những kết quả quan trọng, cung cấp những số liệu về tiềm năng, tài nguyên các loại khoáng sản, làm tiền đề cho việc thăm dò, khai thác, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nguyên liệu khoáng sản để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Một trong những điểm đáng chú ý là Quy hoạch đã thể hiện rõ quan điểm về tầm quan trọng và mức độ ưu tiên đối với lĩnh vực địa chất, khoáng sản được nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 1/4/2023).

Cụ thể, điều tra cơ bản địa chất phải đi trước một bước và phải được tiến hành trên toàn bộ phần đất liền và vùng biển, thềm lục địa Việt Nam. Điều tra, đánh giá đầy đủ các điều kiện địa chất, tiềm năng tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác. Thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra địa chất, khoáng sản phải được quản lý tập trung, thống nhất, cung cấp kịp thời, hiệu quả cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Cùng với đó, tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược quan trọng; điều tra tai biến địa chất; địa chất môi trường, di sản địa chất; điều tra địa chất đô thị; thống kê, kiểm kê và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất khoáng sản quốc gia. Tăng cường ứng dụng và chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản theo hướng tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia để đảm bảo tuân thủ kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường.

Nhà nước ưu tiên bố trí đủ ngân sách và có chính sách thu hút nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo nội dung đề án đã phê duyệt. Huy động các nguồn lực trong nước để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, trình độ công nghệ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Những giải pháp đột phá

Quy hoạch đã đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó, 3 giải pháp mang tính đột phá gồm giải pháp về cơ chế quản lý, tài chính cho các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; ứng dụng khoa học và công nghệ; giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực.

anh-1-cdcvn.jpg
Đoàn công tác Cục Địa chất Việt Nam kiểm tra điểm quặng đồng Kon Long mới phát hiện (Đề án đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản kim loại vùng Trung Trung Bộ)

Đề cập đến những giải pháp này, ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Trải qua gần 80 năm trưởng thành và phát triển, ngành Địa chất Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, song vẫn cần những giải pháp thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến có hiệu quả, độ tin cậy cao, nhất là trong điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, điều tra địa chất, khoáng sản biển, điều tra tai biến địa chất, lập bản đồ địa chất trầm tích trẻ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Không chỉ vậy, việc tăng cường đổi mới công nghệ, thiết bị, phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ cũng vô cùng quan trọng.

Một yếu tố quan trọng trong giải pháp Quy hoạch là điều chỉnh cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ, trả lương phù hợp, bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề cho lực lượng lao động chuyên môn ngành địa chất để họ yên tâm với nghề; tăng cường hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là vấn đề mà lãnh đạo Bộ TN&MT cũng như lãnh đạo Cục Địa chất Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan để trình thẩm quyền bổ sung trong thời gian tới.

Cục trưởng Trần Bình Trọng mong rằng, với những đóng góp thầm lặng trong nghề của các nhà địa chất, khi hoàn thành Quy hoạch sẽ mang lại kết quả đáng tự hào như: Hoàn thiện nền bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 quốc gia, làm cơ sở quan trọng phục vụ điều chỉnh, lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các địa phương.

Đồng thời, đánh giá đầy đủ chất lượng, quy mô các khoáng sản có tiềm năng lớn, khoáng sản chiến lược, quan trọng, khoáng sản có nhu cầu lớn ở nước ta, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhu cầu khoáng sản trong nước, dự trữ khoáng sản và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản, tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhu cầu thông tin địa chất khoáng sản cho các ngành, địa phương trong việc quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đặc biệt, các kết quả điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị các thành phố trực thuộc Trung ương là cơ sở quan trọng để quy hoạch không gian ngầm đô thị, phục vụ quy hoạch phát triển thành phố thông minh, hiện đại, tiên tiến.

Cuối cùng là kết quả điều tra di sản địa chất, công viên địa chất, ngoài giá trị khoa học, bảo tồn còn giúp cho các địa phương phát triển du lịch, kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Cục trưởng Trần Bình Trọng nhận định: “Việc xây dựng Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một hành trình ý nghĩa, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà địa chất, góp phần hoạch định cho công tác quản lý, khai thác khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Trong tương lai, Cục Địa chất Việt Nam sẽ tiếp tục hướng đến sự phát triển bền vững, hướng tới những mục tiêu phát huy tiềm năng của ngành Địa chất trên khắp dải chữ S thân yêu”.

Đan Chi