Gió xanh
.
“Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu/Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau”. Sinh thời nữ sỹ Xuân Quỳnh từng bối rối trước gió, còn nhà thơ Hữu Thỉnh thì quả quyết: “Gió chẳng phải là roi/mà quất núi phải mòn...”. Gió có trước thi ca, gió có trước tình yêu... bởi gió là không khí, gió là ô xy, gió bao hàm và là một phần quan trọng của sự sống. Gió khởi sinh và song hành với sự sống của nhân loại.
Trái đất của chúng ta đủ rộng để tạo ra những khác biệt giữa các vùng miền, để mặt trời dù có hào phóng bao nhiêu cũng chẳng bao giờ chia nắng gió đều cho mọi chỏm đầu, cho chim muông và cây cỏ.
Trái đất đủ lớn để cùng một thời điểm bên này là đêm, bên kia là ngày, bên này ánh sáng bên kia là bóng tối, bên này nóng, bên kia lạnh... sự khác biệt về nhiệt sinh ra khác biệt về áp suất không khí (khí áp), gió từ đó mà sinh ra. Gió như thiên sứ mang thông điệp dung hòa nóng - lạnh. Viết đến đây tôi chợt nhớ ai đó từng ví von “Mỗi con người là một thế giới”, vâng, thế giới chồng, thế giới vợ, khi giữa hai thế giới chồng - vợ có sự vênh về “nhiệt” sẽ có gió, thậm chí bão giông luồn qua, luồn qua để dung hòa, cũng có khi luồn qua để tàn phá sự mất cân bằng ấy.
Từ xa xưa, con người đã biết khai thác sức mạnh từ gió, từ “bão dông” ấy. Bão dông căng buồm chở ông Christopher Columbus phiêu du, khám phá châu Mỹ. Bão dông giục chàng Don Quijote “oánh” nhau với cối xay. Bão dông bồng bế bao nhiêu thế hệ tâm hồn trẻ thơ bay bổng cùng những cánh diều, bão dông nâng những chuyến bay, hóa xa thành gần, hóa chờ mong thành gặp gỡ... Nhờ gió cả đấy.
Gió từ biển cả, gió từ tán lá rừng sâu, gió từ miên man hoa cỏ, gió thì thầm xanh.
Thiên nhiên ban tặng nắng gió cho sự sống trên hành tinh này những thứ “miễn phí” ấy, dễ thường chẳng mấy ai nhận ra rằng ánh sáng và không khí nếu bỗng dưng chẳng còn thì sự sống cũng theo đó mà mất đi. Có phải vì ý nghĩ vũ trụ bao la, nắng gió vô tận nên loài người đã dùng nó tùy thích, chưa có một ý thức rõ ràng để gìn giữ nắng sạch, gió xanh?
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực của con người thì thiên nhiên không vì thế phong phú thêm mà “chạy theo”, trái lại xã hội càng phát triển thì môi trường sống càng bị hao tổn cái nguyên sinh của nó. Nắng không còn là nắng ban đầu khi tầng ozone bị rách, gió không còn sạch khi thổi qua những ống khói. Những nguồn năng lượng hóa thạch dần bị khai phá đến nguy cơ cạn kiệt. Cũng may, những năm gần đây, nhân loại đã biết giật mình, đã biết lo lắng: than đá, dầu mỏ, nước và cả không khí sạch liệu có vô tận không? Rõ ràng là không.
Chẳng cứ gì nhà khoa học, mà bất kỳ ai còn thở đều nhận ra điều đó sau một cơn ho vì sặc bụi khói. Xã hội càng phát triển càng tiêu tốn nhiều điện năng, điện được tạo ra từ nhiệt, từ sức nước. Nhưng, như đã nói ở trên, nhiệt điện, thủy điện sẽ ngày một tàn phá đến cạn kiện và nguy hại đến sự cân bằng sinh thái môi trường... Vì thế mà từ những năm 188x tại Scotland điện gió đã ra đời. Hiện tại, điện gió được ưu tiên đầu tư, phát triển trên khắp các quốc gia. Trên thế giới, đứng đầu là Đức và sau đó là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga là những quốc gia tận dụng năng lượng gió nhiều nhất trên thế giới.
Tuy suất đầu tư cho điện gió không rẻ, cao hơn suất đầu tư thủy điện, điện mặt trời... nhưng vì nguồn năng lượng tái tạo từ gió ít phá hoại môi sinh (rừng, sông, suối như thủy điện) hoặc ít thải ra chất thải rắn, hóa chất độc hại như các loại ắc quy than chì (điện mặt trời - áp mái) không thải các-bon ô xít làm hỏng tầng ozone như nhiệt điện, nên điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ đang là ưu tiên hàng đầu để bù đắp, thay thế cho việc đáp ứng phát triển điện năng.
Nước ta, với hơn 3.000km bờ biển và nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Một số vùng ở Việt Nam quanh năm dồi dào gió. Theo số liệu từ Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) cả nước có khoảng 2.600km2 có tốc độ gió trung bình trên 6m/s ở độ cao 80m so với mặt đất (điều kiện tiên quyết, lý tưởng để đầu tư điện gió)...
Tôi nhớ, khoảng năm 2009, khi trên đường từ Sài Gòn về miền Trung khi ngang qua Bình Thuận, những trụ điện gió đầu tiên ở Việt Nam tạo nên một sự tò mò thú vị cho bao người. Tò mò là bởi từ những cái chong chóng khổng lồ đặt cao tít trên kia, nghe gió rít như ngồi trên máy bay... lại sinh ra điện. Từ khi phát và hòa vào lưới điện quốc gia đến nay, dự án “Phong điện 1” ở Bình Thuận như viên gạch xanh đầu tiên cho nền năng lượng tái tạo nước nhà. Tính đến 2022, cả nước ta đã có 82 dự án năng lượng tái tạo được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, vì những bất cập chưa ngã ngũ mà một số dự án điện gió sau khi xây dựng xong đã đáp ứng kỹ thuật phát điện, vận hành thử, kiểm nghiệm, đảm bảo mọi yếu tố kỹ thuật nhưng vẫn chưa thể phát điện để hòa vào lưới điện quốc gia. Đấy là một sự lãng phí rất lớn. Xin nhớ cho, những turbine điện gió không phải là cối xay gió - người khổng lồ xấu xa trong mắt “hiệp sĩ” Don Quijote mấy trăm năm trước. Cớ sao những cánh quạt gió làm ra điện đã hoàn tất lại chẳng được “chém gió”?
Tôi may mắn được trải nghiệm cùng với điện gió, mỗi khi nhìn lên thấy cánh cong vun vút là lòng như đứa trẻ được quà, ngược lại khi cánh các turbine cứ chậm rãi ngác ngơ nhìn trời, hóng gió... thì lòng cũng ngược lại... như đứa trẻ đang ngậm kẹo mà vô tình rơi ra khỏi miệng. Làm điện gió, thành ra khi đi đâu thấy gió bạt cỏ cây là lại thầm nghĩ, thầm tiếc... giá như có thể gọi gió về cho cánh đồng điện gió.
Làm điện gió, dần rồi yêu gió, nhớ gió... Gió làm tôi nhớ gió, tôi nhớ gió... ấy là tôi nói thật, chẳng phải nhớ giăng nhớ gió như tuổi mười lăm mười bảy, nhớ cái mắt nhìn, nhớ cái tay run, nhớ cái mùi khăn áo, nhớ cái dồn dập hơi thở lạc nhịp... nhớ như tuổi ấy, gió trăng chỉ là mượn cớ. Gió trăng tuổi ấy như là dung môi, như là cái lặng yên vắt ngang cái nhúc nhích...
Tôi nhớ gió, bởi chúng tôi đang sống nhờ gió, chính xác là nhờ năng lượng từ gió, “chém gió” mà lấy tiền, mà vui, mà sống. Hẳn ai cũng biết “năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật này sang vật khác”. Mayer (1814 - 1878) - ông bác sỹ Tây đã phát minh ra định luật ấy. Tôi không chắc từ định luật này mà ngành năng lượng đã biến gió thành điện, biến nước thành điện, biến nắng thành điện... nhưng quả thực loài người tiến bộ đã tận dụng cái xung động của nước, của không khí để biến cái rung rinh thành cái lung linh ánh điện khắp hành tinh này. Trong ba nguồn năng lượng: nước (thủy điện), gió (phong điện, điện gió) và nắng (điện mặt trời) vì cân đong ưu nhược điểm của từng nguồn mà thế giới tiến bộ đang hướng đến nguồn năng lượng tái tạo ít nguy hại đến môi trường nhất. Ấy là điện gió.
Rồi mai đây, dọc bờ biển quê nhà và ngoài khơi xa, những “gã khổng lồ” sẽ dang tay để nghịch gió, nghịch mà không phá, nghịch mà tạo ra ánh sáng, nghịch mà tạo ra hơi ấm thầm thì cho bao bếp núc... không riêng gì tôi... mà sẽ rất nhiều người yêu gió, nhớ gió, đúng không?