Bay lên vùng đất “Chín Rồng”
(TN&MT) - Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất Chín Rồng đã từng ngủ yên thủ thế trước tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhưng hôm nay, cùng với những giải pháp lớn của Nhà nước thì những chủ trương xanh, chiến lược xanh, kiến giải xanh, mô hình xanh - những bước đi mới mẻ nhưng đầy hứa hẹn thắp lên hy vọng trong tương lai.
Đi tìm hình hài vùng châu thổ
Sông Mekong là con sông lớn nhất vùng Đông Nam Á cả về chiều dài sông chính, diện tích lưu vực và tổng lưu lượng dòng chảy. Sông Cửu Long bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng, nơi khởi đầu tiếp nhận những giọt nước tinh khiết từ các mũi băng tuyết của dãy núi cao nhất thế giới là dãy Himalaya và tiếp tục nhận các dòng chảy từ các vùng núi cao của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, băng mình qua vùng đất xứ Miến Điện, rồi đổ theo đường biên giới giữa Thái Lan và Lào theo hướng Bắc Nam, đến đây sông nhận nhiều nguồn nước nhất và xuôi dòng đến Cam Bốt, mùa lũ một phần nước sông chảy ngược vào Biển Hồ, rồi đổ xuống Nam Vang, sau đó sông tách ra thành hai dòng và đổi hướng theo chiều Tây Bắc - Đông Nam, rồi tiếp tục chảy vào biên giới Việt Nam với tên Sông Tiền và Sông Hậu.
Hai dòng sông tiếp tục tách thành chín nhánh sông nhỏ hơn khi vào địa phận Châu thổ sông Cửu Long rồi đổ ra biển. Dòng sông mang phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ thành hình tam giác mở rộng khi đổ vào Biển Đông. Dòng hải lưu ở Biển Đông tiếp tục mang những hạt phù sa bồi đắp cho vùng Bán đảo Cà Mau, những dải rừng ngập mặn đã bền bỉ giữ những hạt phù sa dần dần qua hàng trăm năm kiến tạo nên hình hài của vùng châu thổ Cửu Long như hiện nay.
Vùng đất phương Nam ban đầu là vùng đất ngập nước hoang vu nê địa, nhiều muỗi mòng, thú dữ như cọp, cá sấu, trăn, rắn,… đi lại khó khăn, có nhiều nơi ngập nước cả gần nửa năm trời và khô hạn hơn nửa năm tiếp theo. Với sức lực bền bỉ, người dân châu thổ đã biến vùng đất phương Nam này thành những cánh đồng lúa vàng, những vườn cây ăn trái xanh tươi, trù phú hay những ao vuông nuôi tôm cá sôi động. Về mặt cảnh quan, vùng châu thổ có những vùng đất có hệ sinh thái khác nhau, vùng ngập lũ, vùng nước ngọt, vùng nước lợ và vùng ven biển nước mặn. Châu thổ Cửu Long đã hình thành bốn miệt rõ nét từ nhiều thập kỷ trước: miệt vườn ven sông lớn, miệt ruộng sau những làng mạc thôn dã, miệt bưng ngập nước với những cánh rừng tràm mênh mông và miệt biển với các rừng cây mắm, cây đước, rừng bần, rừng dừa nước rất đặc trưng. Vùng châu thổ nổi tiếng với nhiều loài cá, cua, tôm, những sân chim hàng ngàn con chim rất đa dạng. Diện tích đất rừng ngập mặn vùng đồng bằng được ghi nhận là vùng đất rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam. Vùng biển tiếp giáp đồng bằng có diện tích biển xấp xỉ 360.000km2, gấp hơn 9 lần diện tích đất tự nhiên, với hơn 750km đường bờ và hàng chục đảo lớn nhỏ, vùng biển châu thổ là một ngư trường rộng lớn, giàu sản lượng hải sản và có nhiều tiềm năng khai thác dầu khí, năng lượng tái tạo như nắng, gió, thủy triều.
Một nền “văn minh sông nước”, văn minh nông nghiệp đặc thù
Với điều kiện thiên nhiên hài hòa hai mùa mưa nắng phân biệt, hàng chục thập kỷ trước, vùng đất này đã minh chứng tiềm năng của một vùng đồng bằng có năng suất sinh học cao hơn nhiều vùng đồng bằng khác ở Việt Nam và trên thế giới, đã cung cấp mỗi năm hơn 25 triệu tấn lúa gạo, hàng trăm tấn trái cây, rau màu, cung ứng nhiều sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm và nhiều loại thủy sản, hải sản khác nhau. Nguồn cung ứng lương thực và thực phẩm từ châu thổ Cửu Long có khả năng nuôi sống và cung cấp dinh dưỡng cho 80 - 100 triệu người, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đóng góp một phần cho thế giới. Với một vùng đất sản xuất nông ngư lớn nhất, hàng ngàn cây số sông rạch và kênh mương chằng chịt, tập quán sinh sống gần sông nước, đi lại buôn bán trên các mạng lưới sông ngòi, hình thành những tập tục văn hóa gắn với nguồn nước, vùng đồng bằng mặc nhiên hình thành một nền “văn minh sông nước” rất đặc thù, khác với nhiều nơi khác.
Với một nền nông nghiệp mạnh nhất và ổn định nhất Việt Nam về diện tích, năng suất và sản lượng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua nhiều thập kỷ đã chứng minh, như một mặc định chắc chắn, vai trò đóng góp cho lương thực và thực phẩm cho khoảng 2/3 dân số cả nước với hơn 55% sản lượng lúa, xuất khẩu từ 90 - 95% lượng gạo ra thế giới, 65 - 70% lượng trái cây và rau màu các loại, 75% sản lượng nuôi trồng thủy sản. Các nước trên thế giới, khi nói về nông nghiệp Việt Nam, từ sản xuất, kỹ thuật canh tác, sinh thái nông nghiệp đến kinh tế, chính sách và cả văn minh, văn hóa đều đặt trọng tâm vào vùng châu thổ hạ lưu cuối cùng của lưu vực sông Mekong này. Không thể có một vùng đồng bằng nào trên thế giới có thể so sánh năng suất sinh học có giá trị cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chỉ trong vòng 100 ngày, có thể tạo ra một khối lượng hơn 7 triệu tấn lương thực các loại với một giá thành sản xuất tương đối thấp, chủ yếu là sức lao động tại chỗ và nguồn tài nguyên đất - nước - thời tiết thuận lợi.
Những tổn thương đã trở thành thách thức
Tuy vậy, khoảng hai, ba thập niên gần đây, với đặc điểm là vùng đất ven biển thấp, chỉ cao hơn mực nước biển trung bình từ 1 - 2m, có nền địa chất yếu và rời rạc, Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn, cả từ nguyên nhân tự nhiên và từ yếu tố con người cùng tác động tạo nên những tổn thương về canh tác và môi trường. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là một vấn đề mang tính toàn cầu, tạo nên những thách thức lâu dài cho mọi lĩnh vực, ngành nghề và hệ sinh thái.
Song song với vấn nạn của hiện tượng nóng lên toàn cầu là những dấu hiệu suy giảm nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, đặc biệt nghiêm trọng nhất là những chỉ số cho thấy lượng phù sa, bao gồm cả cát di đáy và những chất rắn lơ lửng trong nước, đã mỗi năm một giảm. So với hai thập kỷ trước, vật liệu trầm tích trong nước sông đã giảm hơn một nửa, nguy cơ này còn tiếp tục gia tăng khi những con đập nước thủy điện to lớn vẫn tiếp tục được xây dựng không chỉ trên dòng chính, mà cả những dòng nhánh từ các quốc gia thượng nguồn, kể cả những dự án mới chuyển nước ra phía biển từ quốc gia lân cận vùng châu thổ. Nước mặn từ biển ngày một một tiến sâu hơn vào đất liền theo những đợt triều cường khiến nguồn cung nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất khan hiếm trong những tháng mùa khô. Như một giải pháp trước mắt, hàng ngàn dự án khai thác nước, cả số được cấp phép và cả không phép đang gia tăng hoạt động khai thác nguồn nước dưới đất khiến mực thủy cấp hạ thấp làm mặt đất tự nhiên sụt lún. Họa vô đơn chí, những vùng đất ven sông ven biển ngày một sụp lở trên diện rộng kèm theo hiện tượng lún sụt nền đất khiến nước mặn tiến vào hơn một nửa diện tích vùng châu thổ trong những tháng mùa khô. Mỗi năm, các tỉnh vùng châu thổ phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để chống đỡ tình trạng sạt lở ven bờ sông và xâm thực biển nhưng hiệu quả chỉ mang tính tạm thời trong giai đoạn ngắn.
Những kiến giải xanh, mô hình xanh
Các chính sánh cho phép và khuyến khích các thay đổi cơ cấu sản xuất từ chính quyền cùng những sáng tạo chuyển đổi hình thái sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người nông dân như là những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và chống đỡ theo hướng thích nghi với các thách thức tai họa từ thiên nhiên, con người. Sự kiện Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tích hợp phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở chiến lược cho các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển cấp tỉnh và kế hoạch hành động cụ thể cho những ưu tiên phát triển các trung tâm đầu mối kết nối sản xuất và chế biến về nông ngư và hệ thống logistic tương ứng với tăng cường hệ thống giao thông thuận lợi hơn. Cho dù những khó khăn còn đó nhưng vùng châu thổ vẫn vươn lên theo hướng tạo ra những kiến giải xanh, phát triển bền vững và thúc đẩy việc thực hành kinh tế tuần hoàn ở các ngành nghề khác nhau.
Đối với một quốc gia nông nghiệp đang phát triển như Việt Nam hay riêng biệt hơn ở vùng châu thổ Cửu Long, việc chuyển đổi từ một nền nông nghiệp cổ truyền tương đối ổn định lâu dài sang nền kinh tế nông nghiệp áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn vẫn chưa phổ biến. Thực tế, các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến hiện nay ở vùng đất có kinh nghiệm thích nghi này xuất phát từ sự sáng tạo của nông dân cho phù hợp với điều kiện biến động thời tiết, nguồn nước và các yếu tố khác liên quan đến thị trường, lao động, vốn đầu tư và điều kiện thay đổi tài nguyên, sinh thái. Hầu hết các mô hình mang tính đối phó trước mắt, phù hợp cho các mục tiêu ngắn và trung hạn. Sau đó, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ đã có những hỗ trợ căn cơ về mặt kỹ thuật hơn, hệ thống hơn nhằm có những giải pháp đối phó mang tính thích nghi lâu dài hơn.
Thực tế, người nông dân đây đó ở vùng châu thổ cũng đã tự chuyển đổi sang những hình thái sản xuất nông nghiệp theo hướng làm tăng giá trị nông sản (agricultural products value chains) qua từng khâu cung ứng ra thị trường. Nông dân và hợp tác xã nông nghiệp của họ có thể được sự hỗ trợ của chương trình “Mỗi xã - một sản phẩm” (One commune - one product, viết tắt là OCOP) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2020). Nông sản được chế biến thành những sản phẩm, dịch vụ phát triển dựa trên lợi thế so sánh của cộng đồng, có gia tăng giá trị và ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Sản phẩm được dán nhãn OCOP có thể đăng ký nhãn hiệu độc quyền, tăng thế cạnh tranh trên thị trường. Các thông tin thị trường, phản ánh người tiêu dùng, cộng thêm các yếu tố thời tiết, có thể cập nhật giúp người dân có những quyết định canh tác cho mỗi thời vụ của mình.
Nếu người nông dân tham gia hữu hiệu được quá trình làm tăng giá trị nông sản, sẽ là cơ hội không chỉ làm tăng thu nhập cho gia đình nông dân mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động trong cộng đồng, giảm các tệ nạn xã hội trong nông thôn, kể cả thúc đẩy phát triển làng nghề, bảo tồn văn hóa bản địa, hoạt động du lịch… Các hình thức canh tác nông nghiệp theo các định hướng thị trường (market oriented agricultural production) ngày một phổ biến. Ở các công ty lớn hơn, họ có thể kêu gọi người nông dân trồng lúa, nuôi cá, nuôi tôm, gom ruộng đất cùng làm chung nhưng vẫn sở hữu quyền sử dụng canh tác; áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới để sản xuất và bao tiêu sản phẩm, chế biến, đóng gói, dán nhãn, quảng bá và phân phối ở các chợ, siêu thị và xuất khẩu. Như vậy, người nông dân trở thành một cổ đông trong hoạt động sản xuất và tham gia các bước làm tăng giá trị, không lo ngại thiếu vốn, thiếu kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi. Cách thức tạo nên chuỗi sản xuất - chế biến - cung ứng này đang được một số tập đoàn lớn áp dụng và hoạt động khá ổn định như Vinamit, Vinamilk, Mỹ Lan…
Vùng đất Chín Rồng trỗi dậy
Hiện nay, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao ngày một phổ biến như là một hình thức làm gia tăng giá trị kinh tế. Đây là hình thức nông nghiệp áp dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất bằng cách gia tăng hàm lượng cơ giới hóa, tự động hóa các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ sinh học liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Trong các định hướng thích ứng với sự thay đổi, các mô hình canh tác mới đã được giới thiệu như sự hình thành phát triển nông nghiệp thông minh. Đây là một kiểu sản xuất theo xu hướng ứng dụng công nghệ cao (như cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa…); công nghệ sản xuất xanh thân thiện với môi trường, ít tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, ít tạo ra phát thải khí nhà kính. Đến với tiếp cận này, toàn bộ sản phẩm nông nghiệp được bảo quản sạch, chế biến theo tiêu chuẩn an toàn, gia tăng giá trị sản phẩm nông sản thông qua nhận diện chất lượng.
Sau này, với sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của kỹ thuật kết nối điện toán internet với công nghệ đám mây, ngày càng thuận tiện và đơn giản hơn qua điện thoại thông minh cầm tay (smart phone), khái niệm nông nghiệp công nghệ cao đổi tên thành nông nghiệp thông minh (SA). Mô hình nông nghiệp thông minh ngắn hạn có khả năng áp dụng cho sản xuất như hệ thống khí canh thương mại, cảm biến theo dõi cây trồng sử dụng năng lượng mặt trời, kết nối wifi và được kiểm soát bằng điện thoại thông minh. Hệ thống cảm biến dinh dưỡng đất thông minh, dinh dưỡng phục vụ cho bón phân hiện đại, tiết kiệm chi phí theo nhu cầu của cây và đất thay cho bón ước lượng trước đây. Khi có những tích hợp các thông số thay đổi thời tiết, khí hậu thì lại bổ sung tên gọi thành nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, gọi tắt là CSA (climate smart agriculture).
Với CSA, các chương trình điện toán được thiết kế cài đặt trong các bo mạch để giúp nông dân có những lựa chọn tối ưu một cách thông minh từ các phân tích điều kiện mưa, độ ẩm, bức xạ, nhiệt độ, ánh sáng theo các thông số đất đai, giai đoạn sinh trưởng và nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, vật nuôi để có những quyết định phù hợp với mức tưới, bón phân hợp lý.
Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất Chín Rồng đã từng ngủ yên thủ thế trước tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhưng hôm nay, cùng với những giải pháp lớn của Nhà nước thì những chủ trương xanh, chiến lược xanh, kiến giải xanh, mô hình xanh - những bước đi mới mẻ nhưng đầy hứa hẹn thắp lên hy vọng trong tương lai, một lần nữa, vùng châu thổ Cửu Long sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, tiên phong vươn lên trong sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống, trở thành vùng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, là vùng đạt mức Net-Zero sớm nhất nước.
Quá trình đi đến một nền sản xuất nông nghiệp thông minh, việc chuyển đổi lối canh tác theo tập quán cổ truyền sang hình thức nông nghiệp đa canh (poly-culture) theo kiểu thích ứng dựa vào hệ sinh thái (Ecosystem based Adaptation - EbA) (IUCN, 2014) là một bước đi cần được khuyến khích nhờ những đặc điểm chính là đặt trọng tâm vào con người, chủ yếu là người nông dân và cộng đồng quanh họ; chủ yếu dựa vào thiên nhiên mà thích ứng nên ít gây tổn thương cho tự nhiên, bảo vệ được môi trường, và khá an toàn khi đánh giá rủi ro của mô hình chuyển đổi so với những đầu tư khác. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh rằng, áp dụng EbA cho các hệ canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư hơn, dẫn đến hiệu quả cao hơn về tài chính khi xét trong thời đoạn dài và có thể tạo nên tính đa lợi ích khi các phụ phẩm của nông sản đều được tái sử dụng và đặc biệt, EbA được đánh giá là phương án lựa chọn không ít hối tiếc.
Chiến lược sản xuất ít đi nhưng lợi nhuận ròng tăng lên nhờ giảm đầu tư đầu vào, tăng các cải thiện chất lượng qua việc ứng dụng các tiến bộ sinh học, thực hành nông nghiệp tốt hơn, giảm chi phí đầu vào, tăng cường chế biến nông sản và quản lý tài nguyên hợp lý như là những bước đi, dù còn mới và là những bước thử nghiệm nhưng nhiều hứa hẹn để một lần nữa, vùng châu thổ Cửu Long thể hiện vai trò tiên phong trong vươn lên sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống qua những ứng dụng đa dạng hóa sản xuất, chế biến, tiếp thị thị trường qua xuất khẩu hàng chất lượng cao hơn và đặc biệt, vùng châu thổ đang tiến đến trở thành một vùng đất trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành vùng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, nhiều hứa hẹn là vùng đạt mức Net-Zero sớm nhất nước.