po-mu-1-.png
Xã hội

Lên Hát Lừu nghe Pơmu reo ca

Bút ký của: Việt Hùng - Thanh Ngà 09/02/2024 - 18:58

(TN&MT) - Trong thanh âm mùa xuân Hát Lừu, có tiếng rừng Pơmu reo ca. Bài ca về sự hồi sinh.

po-mu-1-.png

Trong thanh âm mùa xuân Hát Lừu, có tiếng rừng Pơmu reo ca. Bài ca về sự hồi sinh. Về những con người làm cho xanh lại hoang tàn. Về những cuộc đồng hành bền bỉ giữ màu xanh cho thế hệ mai sau…

1(2).png

Ban Quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu nằm trên địa bàn khu 4 của thị trấn. Theo kinh nghiệm của những người giữ rừng, cứ Ban Quản lý ở đâu là rừng ở đó. Thảo nào, đã nghe đâu đây mùi hương rất lạ. Phó Giám đốc Vườn Trạm Tấu Lại Văn Quang tủm tỉm cười: “Pơmu đấy, cách xa cả trăm mét vẫn cứ gọi là thơm”.

1.-cay-pomu-co-thu-tai-rung-puomu-hat-luu.jpg
Cây Pơmu cổ thụ tại rừng Pơmu Hát Lừu

Quả hiếm có loài cây nào giống Pơmu, thơm từ ngọn cho đến gốc, thơm vào trong thơm bong cả ra ngoài, không chỉ thơm mà gỗ của nó còn chịu lực rất tốt, bền bỉ hàng trăm năm với nắng mưa. Thế nên mới có chuyện rằng, có gia đình từng chia tài sản thừa kế cho con cháu bằng những tấm gỗ Pơmu lợp nhà từ đời ông đời cha của họ. Cũng vì thế nên Pơmu trở thành loài cây được săn lùng.

Những năm 1990, trên địa bàn Trạm Tấu đã từng có rừng Pơmu lâu năm. Cũng những năm ấy, Trạm Tấu trở thành đại bản doanh khai thác Pơmu. Rừng như một công trường còn suối trở thành đường giao thông vận chuyển gỗ, dọc hai bên suối cũng hình thành các chợ gỗ, Pơmu bị khai thác sống và mua tươi ngay trên chính mảnh đất nó vừa bị hạ gục.

Thời ấy, cái gì cũng từ gỗ Pơmu, giường, tủ, bàn thờ, tràng hạt, cột kèo mái nhà cho đến chiếc đóm nhóm lửa cũng từ Pơmu. Từ rừng vào bản cho đến những con đường vận chuyển gỗ, đâu đâu cũng xộc lên thứ mùi thơm đau đớn.

Đau nhất là những người làm nghề giữ rừng - những cán bộ Lâm trường Trạm Tấu (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu) như Giám đốc Nguyễn Tiến Nhung, những người lâu năm gắn bó với rừng như ông Lò Văn Ổn… Nỗi đau mất rừng cùng với nỗi hoang mang về sự bất định của tương lai nếu con người tận diệt sự sống hiện tại của thiên nhiên.

2(2).png

Lại Văn Quang đã đến với Lâm trường Trạm Tấu trong thời điểm ấy.

Trong những buổi đi tuần tra ở những cánh rừng khu vực các xã Hát Lừu, Bản Mù, Bản Công của Trạm Tấu, anh đã chứng kiến hàng loạt cây Pơmu được cấp phép khai thác xuất khẩu và phục vụ người dân bản địa làm nhà, có những cây to hàng chục người ôm không hết bị đốn hạ. Nếu cứ đà khai thác như vậy thì chẳng mấy chốc cây Pơmu chỉ còn tên trong Sách đỏ thực vật rừng Việt Nam mà thôi. Từ những nỗi lo lắng đó, khi xây dựng kế hoạch phát triển rừng cho giai đoạn 1995 - 2000, họ đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng xây dựng dự án trồng bảo tồn cây gỗ quý Pơmu.

Lại Văn Quang đã cùng anh em Lâm trường tìm đến những cánh rừng già xa heo hút, nơi những gốc Pơmu cổ thụ vẫn chưa bị sờ đến để tìm nguồn giống cây con, lựa chọn những cây Pơmu con đủ tiêu chuẩn đem về hồ, ươm trong vườn ươm từ 6 - 8 tháng. Rồi khi cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn, họ lại đi tìm đất, tìm người tâm huyết để trồng.

ong-lai-van-quang-dan-lanh-dao-quy-bao-ve-va-phat-trien-rung-tham-quan-vuon-cay-giong-po-mu.jpg
Ông Lại Văn Quang dẫn lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tham quan vườn cây giống Pơ mu

Thời ấy, gieo vào đầu người dân tư duy trồng cây khó vô cùng. Trong các chuyến đi tìm cây, các anh vừa kết hợp tuyên truyền vận động bà con trồng cùng, thế nhưng, Lại Văn Quang vẫn nhớ như in lần đầu đặt chân đến thôn Lừu 1, xã Hát Lừu, họ đều nhận được cái lắc đầu và lời từ chối: “Cây Pơmu ở rừng già có nhiều, cần gì phải trồng”...

May mắn sao lúc đó anh em đã gặp được Cựu chiến binh Lò Văn Ổn. Những năm kháng chiến nếm mật nằm gai được rừng che chở luôn ghi dấu trong ký ức của ông, vì vậy, khi được cán bộ đề đạt nguyện vọng thì ngay lập tức ông vui vẻ nhận lời. Ở đây, ông được người dân quý trọng nghe theo. Điều này cũng thắp lên trong lòng những cán bộ Lâm trường hy vọng dần dà người dân Hát Lừu sẽ trồng rừng theo ông Ổn.

Và điều mong ước đó đã thành sự thật. Năm tháng trôi qua, dưới bàn tay của ông Ổn cùng các con, cháu của ông và bà con nhân dân thôn Lừu 1 âm thầm chăm sóc, bảo vệ thành một cánh rừng xanh ngắt màu xanh đặc trưng của loài cây Pơmu. Màu xanh cứ loang rộng dần ra. Cánh rừng ngay trên đầu bản trở thành lá chắn khổng lồ che chắn những cơn gió Lào khắc nghiệt, giữ nguồn sinh thủy, quanh năm mang dòng nước mát lành cho bản làng.

Nói về người cũ, giọng Lại Văn Quang chợt xa xôi: “Năm 2016, những cây Pơmu đầu tiên được trồng bắt đầu bói quả, lúc đó ông Ổn vẫn còn khỏe. Hôm đó đi thăm rừng, tự dưng tôi thấy ông mang theo cái ớp (cái giỏ người Thái đan bằng cây mây để đựng đồ đi rừng). Lúc về, ông gọi tôi vào, giọng rất hồi hộp: “Cháu Quang ơi, cây Pơmu bác cháu mình trồng đã có quả rồi này, cháu mang quả về gieo xem có cho cây không nhé”. Nói thật là giây phút ấy tôi xúc động trào nước mắt. Cho đến bây giờ ông đã đi xa nhưng trong lòng tôi vẫn luôn nhớ thương và biết ơn ông”.

Hạt Pơmu từ những cây Pơmu đầu tiên không những đã cho cây mà từ đó, mỗi năm, mỗi cây Pơmu ở đó lại cho thêm quả, dưới bàn tay ươm trồng của Lại Văn Quang và những người cán bộ Lâm trường, trên 20 nghìn quả mỗi năm là trên 20 nghìn cây tiêu chuẩn ra đời. Sự nỗ lực của những con người chung tư tưởng lớn đã hồi sinh những cánh rừng Pơmu, cánh rừng Pơmu bản địa hơn 20ha của Hát Lừu cũng hình thành trong chuỗi rừng ấy.

3.png

Giờ đây rừng đã vui trở lại rồi, rừng Pơmu Hát Lừu hàng bao năm không bị xâm phạm. Hát Lừu không có hương ước bảo vệ rừng nhưng những quy định giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu, Kiểm lâm, chính quyền địa phương, Tổ nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng và người dân không khác gì hương ước. Ai đó có ý muốn hạ một cái cây trong rừng để làm nhà (chưa nói đấy là cây Pơmu) thì phải “vác” đơn đi xin sự đồng thuận khắp nơi. Đi đến đâu cũng nhận được sự giải thích tuyên truyền, đi hết nửa đường thì chùn chân chả buồn đi nữa.

Rừng không vui sao được khi có những người như cán bộ Quang - người có hơn nửa cuộc đời ăn ở với rừng. Bàn chân ông không biết đã đi bao nhiêu triệu bước trên cánh rừng này, con mắt không biết đã bao đêm không ngủ với rừng, đôi tay không biết đã ươm bao nhiêu hạt giống, bao nhiêu hom cây, để từ rừng mẹ Pơmu, Pơmu con đi khắp nơi gieo màu xanh trên những cánh rừng có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tương tự. Cán bộ Quang cả đời vì rừng nên bà con tin, nói bà con nghe. Cán bộ không phải già làng mà như già làng, như người có uy tín của bản vậy. “Cán bộ bảo trồng cây giữ rừng hôm nay đừng nghĩ đến hôm nay mà phải nghĩ là mình trồng cho đời cháu đời con mình mai sau” - người dân ở đây đều nói thế.

2.-ban-ke-hoach-phoi-hop-bao-ve-rung.jpg
Các cán bộ Hạt Kiểm lâm bàn kế hoạch bảo vệ rừng

Rừng vui vì có nhiều những cán bộ Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ trách nhiệm với rừng, như Phó Hạt trưởng Nguyễn Duy Sơn. Sơn chia sẻ: Công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ngành địa phương, đặc biệt với cây Pơmu - loài cây bản địa gỗ lớn quý hiếm nên được huyện quan tâm giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ nghiên cứu nhân giống bảo tồn. Trong công tác bảo vệ, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ban quản lý rừng cộng đồng thôn tổ chức tuần tra nghiêm ngặt đối với những diện tích rừng này. Ngoài ra kết hợp tuyên truyền vận động bà con nhân dân. Bên cạnh đó, những năm qua, nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con được hưởng lợi rất nhiều từ rừng, qua đó rừng được bảo vệ phát triển tốt, đặc biệt là với cây Pơmu quý hiếm.

Tinh thần bảo vệ rừng đã lan tỏa một cách tự nhiên khắp Hát Lừu và trở thành việc nghiễm nhiên. Phạm Thế Tài - nhân viên Ban Quản lý rừng có vợ là giáo viên cấp 2 kể, tuần nào lên lớp, vợ Tài cũng nhắc các em học sinh ý thức bảo vệ rừng, “vì rừng cho bố mẹ mình thu nhập, cho mọi người sức khỏe, ở cạnh rừng thấy người khỏe ra. Khi nhiều nơi người ta không có rừng thì mình có hẳn cánh rừng Pơmu, hơn thế, Yên Bái là địa phương hiện có độ che phủ rừng cao nhất nước. Mình phải tự hào về điều đó”.

Rừng Pơmu đã vui lại từ lâu rồi. Người dân Hát Lừu nghe lời cán bộ không phá rừng đâu. Mỗi người dân là một tai mắt của rừng. Gặp Hà Thị Tiên ở bìa rừng, Tiên bảo: “Mình vừa chăn trâu vừa trông rừng. Rừng này là rừng cấm đấy, rừng này trồng cây Pơmu đấy. Mình đi thế này mà thấy kẻ gian phá rừng là mình phải báo ngay cho Tổ trưởng thôi”.

5.-di-bat-sau-cho-cay(1).jpg
Những người dân đi chăm sóc cây rừng

Thế nên Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Hát 2 xã Hát Lừu Lò Văn Lăm lúc nào cũng có cái điện thoại cầm theo “để nghe luôn cho kịp”. Tổ trưởng hồ hởi bảo: “Chi hội cao tuổi chúng tôi nhận khoán bảo vệ rừng ở thôn Hát 2. Hội viên có 45 người, phân ra 1 ngày 2 người đi coi rừng quanh năm, nhất là mùa khô, mùa măng và các dịp tết thế này, anh em được đi bảo vệ rừng anh em rất quý, tất cả hội viên làm tốt lắm. Việc này giúp rừng xanh bao phủ nước khe suối, rừng tốt lên thì có nước tưới tiêu làm nương làm rẫy nên được lợi từ rừng rất nhiều. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là Ban Quản lý rừng phòng hộ và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Yên Bái mỗi năm cho chúng tôi tiền, mỗi năm ăn Tết một lần, từ già đến trẻ rất vui”.

4.png

Những ngày giáp Tết, thị trấn Trạm Tấu bỗng có ngày xôn xao lạ. Đàn ông tranh thủ đi rừng sớm hơn, phụ nữ cũng thu vén việc nhà, mau mau đi hội.

Nói đi hội thực ra là bà con đi nhận tiền công khoán trông rừng. Tết gần đến nơi rồi, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Yên Bái cũng muốn nhanh nhanh phát tiền cho bà con sắm cái Tết tươm tươm, thế nên vì lý do gì chưa thanh toán được thì Quỹ cũng nhất định giải quyết trước cho bà con một khoản.

Gia đình nhiều thì 9 triệu, gia đình ít người tham gia bảo vệ rừng thì 5 - 6 triệu. Thế là ấm rồi. Có tiền mình sẽ làm gì? Ô mình đi chợ, mình đi chợ sắm Tết thôi. Mua cái váy cái áo mới đi chơi Tết, mua cái tivi Tết xem Gặp nhau cuối năm, gần sát Tết thì mua đồ về cúng... Giờ mình đi chợ kịp không? Kịp chứ, chợ ở kia.

Phiên chợ họp “đột ngột” đúng vào ngày Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Yên Bái về phát tiền cho bà con. Mai phát tiền là nay tư thương địa phương đã xôn xao hàng họ. Chợ được tổ chức họp ở trên một khoảnh đất trống, có khi họp ven đường hoặc trong sân một nhà dân, miễn cứ có tiền là có chợ.

voi-do-che-phu-dat-63-yen-bai-la-dia-phuong-duoc-me-thien-nhien-uu-dai-nguon-vang-xanh-vo-cung-quy-gia.-rung-da-va-dang-dong-vai-tro-quan-trong-trong-qua-trinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-t.png

Ngày hội phát tiền đi chợ sắm Tết không chỉ có Quỹ với người dân mà còn có đại diện Ban Quản lý, có chính quyền huyện Trạm tấu, đại diện xã Hát Lừu,… Nhiều lắm. Cán bộ có mặt để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho dân, hỗ trợ dân, cũng là chứng kiến cái vui của đồng bào khi nhận thành quả lao động của mình. Hễ cứ có phiên chợ ấy coi như Tết đã về, râm ran rạo rực từ đó đến sang Giêng. Nhưng vui là vui thế thôi chứ không ai quên tuần rừng đâu nhé. Ba mươi Tết hay mùng Một cũng giống nhau thôi, ai cũng phải lo giữ cái rừng Pơmu, không giữ rừng thì lấy đâu ra Tết,

Những lần chứng kiến niềm vui của đồng bào, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Yên Bái Tô Xuân Quý không khỏi trầm tư. Với ông, số tiền chi trả cho bà con chưa thấm vào đâu so với công sức họ bỏ ra. Và vì còn ít ỏi nên có những người dân chưa thực sự tha thiết mà còn rời quê hương đi làm ăn xa, trong khi rừng đang rất cần những người bản địa hiểu rừng, gắn bó bền vững với rừng.

Đó còn là những băn khoăn làm sao để mở rộng chính sách dịch vụ môi trường rừng, làm sao hạn chế được những bất cập trong phân bổ chính sách để nơi có rừng và người thực sự giữ rừng được hưởng thành quả của mình, làm sao để người dân sống được với rừng, có sống được với rừng thì mới mong giữ chân họ lại vì rừng…

Đó còn là khát khao đưa việc trồng rừng trở thành phong tục, nếp sinh hoạt thường xuyên. Dẫn câu chuyện của các nước trên thế giới, Giám đốc Tô Xuân Quý chia sẻ: “Nếu cứ mỗi học sinh khi vào trường, ra trường trồng một cây xanh, mỗi đứa trẻ ra đời, bố mẹ chào mừng con bằng việc trồng 10 cây xanh thì chúng ta không chỉ có rừng ở trong rừng mà còn có rừng ngay bên cạnh, chúng ta không chỉ có một rừng Pơmu mà sẽ có nhiều rừng Pơmu, nhiều những cánh rừng khác nữa”.

Tết này Quỹ đã kịp trao tiền để bà con Hát Lừu sắm Tết sớm. Bà con Hát Lừu vui thì rừng cũng vui. Bà con vào rừng hát ca thì Pơmu cũng hát ca theo. Tổ trưởng Lăm bảo thế. Tổ trưởng nói ông sẽ sống với rừng cho đến lúc nào rừng không chấp nhận ông nữa thì thôi. Nhưng biết lúc nào rừng mới từ chối con người nếu con người cứ yêu rừng như thế.

Bút ký của: Việt Hùng - Thanh Ngà