Xã hội

Sáng và xanh từ góc nhìn kinh tế

TS Lê Xuân Nghĩa 08/02/2024 - 22:41

(TN&MT) - Bức tranh kinh tế Việt Nam 2023 đã được hoàn thiện với những gam màu sáng, đặt kỳ vọng sẽ là động lực đưa Việt Nam vượt qua thách thức, tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh bền vững.

Kinh tế Việt Nam 2023 - những gam màu sáng

Bước sang năm 2023, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã thực sự chấm dứt. Kinh tế thế giới có dấu hiệu vượt qua đáy và đang bắt đầu những bước phục hồi chậm. Tăng trưởng kinh tế đạt 2,9%, tuy nhiên, từ Quý III/2023, chỉ số sản xuất và tiêu dùng mới thực sự ghi nhận phục hồi. Lạm phát thế giới giảm khá nhanh, lạm phát của Mỹ và châu Âu về mức 3%, lạm phát Trung Quốc 0,6% (thiểu phát). Giá cả hàng hóa cơ bản như nhiên liệu, lương thực và vật liệu khá ổn định mặc dầu xung đột ở một số khu vực vẫn còn và gia tăng.

Có thể thấy đối mặt với rất nhiều biến động nhưng kinh tế thế giới đã chống chịu khá tốt với những rủi ro về xung đột địa chính trị, ngay cả thị trường chứng khoán toàn cầu cũng vẫn tăng và không có dấu hiệu hoảng loạn.

Bên cạnh đó, giá vàng thế giới tăng cũng có thể là một dấu hiệu tốt cho thấy lãi suất của Mỹ, châu Âu có thể giảm mạnh. Mặt khác, đồng USD giảm giá khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đồng thời giảm, là cơ hội cho đầu tư, tiêu dùng và sản xuất phục hồi tốt hơn.

9.jpg

Trong bối cảnh đó, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia phục hồi mạnh mẽ, 1 trong nhóm 20 nước có nền kinh tế ổn định nhất, thể hiện ý chí, bản lĩnh, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam. Trong năm 2023, thể chế tiếp tục được hoàn thiện, khơi thông hành lang pháp lý cho phát triển, kinh tế vĩ mô giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công tăng cao so với năm 2022, xuất khẩu phục hồi trở lại…

Sau 2 quý I và II tăng trưởng chậm, bắt đầu từ quý III năm 2023, kinh tế Việt Nam bắt đầu lấy lại đà phục hồi khá hơn. Xuất khẩu mặc dù giảm nhưng tốc độ giảm chậm lại, đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu tăng nhẹ kể cả hàng công nghiệp chế biến. Tổng doanh số hàng hóa dịch vụ tăng 9,6%. Tuy không cao như năm 2022 (20%) nhưng số liệu phục hồi đã tốt hơn từ Quý III/2023.

Mặc dù giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng thấp (2,9%) nhưng vốn đăng ký đầu tư tăng cao 14,8% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, chỉ số đầu tư vào Việt Nam tăng cho thấy lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường Việt Nam khá cao, là một trong những yếu tố kích cầu để kinh tế Việt Nam phát triển.

Việt Nam cũng đã lấy lại vị trí trong xuất khẩu nông nghiệp, biểu hiện là tăng trưởng từ xuất khẩu rau quả đã tạo ra thặng dư thương mại tới 8,5 tỷ USD và là khu vực kinh tế nội địa duy nhất có thặng dư thương mại.

Đặc biệt, đầu tư công có mức tăng trưởng ấn tượng, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trước mắt và lâu dài. Có thể khẳng định, đây là thành công lớn trong công tác điều hành của Chính phủ Việt Nam.

Tạo đà cho 2024 phát triển

Năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, tăng trưởng 2024 được dự báo có thể chậm lại hoặc đi ngang, trong đó, chủ yếu là kinh tế Mỹ dự báo giảm nhẹ, kinh tế các khu vực khác như châu Âu, Nhật và Trung Quốc có thể phục hồi tốt hơn. Tăng trưởng toàn cầu dự báo có thể ở mức 2,7% - 2,9%.

Thị trường hàng hóa toàn cầu sẽ phục hồi nhẹ, thị trường việc làm và cầu tiêu dùng đang tăng khá tốt bắt đầu từ cuối năm 2023 và tiếp tục tăng trong năm 2024. Thị trường tài chính toàn cầu dự báo sẽ tăng trong năm 2024 do lãi suất toàn cầu giảm, đầu tư tăng và luân chuyển tiền tệ phục hồi tốt hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, với những thách thức do xung đột địa chính trị và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn, thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi…, tuy nhiên, những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023, những động lực cho tăng trưởng hiện nay sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

cac-khu-che-xuat-khu-cong-nghiep-o-tphcm-tung-buoc-chuyen-sang-mo-hinh-sinh-thai-anh.-hoang-hung.png

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam vào khoảng 5,5 - 6,0%. Trong bối cảnh hiện nay, đây được cho là mức tăng khá cao và ấn tượng. Nguyên nhân của tăng trưởng xuất phát từ việc đầu tư công dự báo tiếp tục tăng và phát huy tác dụng tích cực giúp phục hồi ngành xây dựng, hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị mới và giảm thiểu chi phí vận tải, kho vận trên cả nước.

Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng rất nhanh trong năm 2023 sẽ phát huy tác dụng trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Các dự án đầu tư mới được định hướng theo xu thế kinh tế xanh sẽ tạo ra khả năng phát triển bền vững trong dài hạn, có thể tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản….

Nông nghiệp tiếp tục là cái neo quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Việc mở rộng xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc là chiến lược quan trọng. Quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đang rất thuận lợi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tập trung khai thác hiệu quả thị trường lớn này trên nền tảng các chuẩn mực về chất lượng công nghệ và môi trường ngày càng khắt khe.

Đầu tư khu vực tư nhân nội địa năm 2023 giảm mạnh do cầu tiêu dùng quốc tế và trong nước yếu, lãi suất cho vay cao, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đình trệ và đóng băng. Tuy nhiên, theo dự báo, trong năm 2024, đầu tư tư nhân nội địa có thể được phục hồi nhờ lãi suất cho vay xuống thấp và đơn hàng xuất khẩu tăng dần; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2024 và kỳ vọng sẽ phục hồi khả quan trong năm 2025.

Tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Khi doanh nghiệp khó khăn sẽ kéo theo việc làm thu hẹp, sản xuất đình trệ, thu nhập giảm mạnh, tiêu dùng vì thế sẽ rơi vào cầm chừng, suy giảm, là nguyên nhân làm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Thực tế cho thấy một số nước như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang dùng chính sách tài khóa tăng tài trợ trực tiếp cho người dân và các doanh nghiệp nhỏ nhằm kích thích tiêu dùng (Thái Lan tài trợ cho dân nghèo 16 tỷ USD; Mỹ tài trợ mua xe ô tô điện, sản xuất Chíp, Doanh nghiệp khởi nghiệp…). Điều này sẽ là một gợi ý cho Việt Nam trong việc cần nghiên cứu tài trợ cho các dự án như xe điện, ô tô bus điện, tài trợ đào tạo nghề, phát triển các trung tâm nghiên cứu đào tạo và ứng dụng công nghệ chip, tài trợ các dự án kinh tế tuần hoàn, tài trợ phát triển nhà giá rẻ, nhà ở xã hội…

Xanh để vượt qua thách thức

Bên cạnh bức tranh kinh tế tươi sáng năm 2023 và những dự báo kỳ vọng 2024, từ bối cảnh thế giới và thực tiễn kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều thách thức khó khăn bên cạnh thuận lợi. Trong đó, có những khó khăn mang tính xu thế mà bắt buộc chúng ta phải đối mặt, triển khai. Nhiều khó khăn đã được cảnh báo, dự báo sớm.

Chỉ tính từ tháng 10/2023, sau 4 tháng triển khai báo cáo phát thải khí nhà kính, các mặt hàng phát thải lớn như xi măng, thép, nhôm, phân bón, gỗ buộc phải báo cáo phát thải khí nhà kính nếu muốn xuất khẩu vào châu Âu. Từ năm 2026, tất cả các mặt hàng xuất khẩu vào châu Âu sẽ phải báo cáo tương tự. Đây là một chính sách khá khắc nghiệt đối với hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặt doanh nghiệp trước sự lựa chọn: hoặc là xanh hoặc là phá sản. Điều này ngay lúc này đã khiến nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư và ngân hàng không dám tài trợ.

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp cần xác định phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa. Chính phủ, các bộ liên quan và doanh nghiệp cũng cần khẩn trương phối hợp tìm giải pháp, đặc biệt là thực hiện các chính sách và giải pháp kỹ thuật để vượt qua thách thức lớn này.

TS Lê Xuân Nghĩa