Xã hội

Bồng bềnh Pù Luông

Bút ký của Nguyễn Văn Dũng 08/02/2024 - 22:39

(TN&MT) - Nằm trên cung đường tới Pù Luông, Son - Bá - Mười là 3 bản vùng cao thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước.

thumbnail_anh-3.jpg
pl25.jpg

Nơi đây khá biệt lập với bên ngoài nên đến nay còn lưu giữ nhiều tập tục của người Thái cổ và nhà sàn truyền thống mang nhiều nét đặc thù của dân địa phương. Vượt qua những con dốc cao và khúc khuỷu, du khách dừng chân ở Son - Bá - Mười sẽ được tận hưởng nhịp sống thanh bình giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Về nơi mây trắng, lúa vàng

Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa, nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 130km về phía Tây Bắc. Đặt chân đến Pù Luông, bạn sẽ phải choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây.

Rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái. Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, Pù Luông là nơi bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm có trong Sách đỏ của Việt Nam và là nơi phát triển du lịch cộng đồng...

thumbnail_anh-1.jpg

Đến với Pù Luông, du khách được khám phá, thăm các làng bản và tìm hiểu phong tục, tập quán của người Thái, người Mường giản dị, mộc mạc ở những nơi như: Chợ phiên phố Đoàn, bản Kho Mường, bản Đôn... Cung đường chính quanh khu Pù Luông có độ dài khoảng hơn 20km nhưng chắc chắn sẽ làm du khách mãn nhãn. Khi thì có những dãy núi đá vôi chạy tít tắp tận chân trời, khi thì cảnh sắc như trong truyện cổ tích với rừng xanh và tiếng chim hót líu lo chào mời. Sự bao la rộng lớn của ruộng, vẻ đại ngàn của núi rừng khiến người ta có cảm giác choáng ngợp và như bé lại!

Hành trình được yêu thích nhất khi tới Pù Luông là đi bộ xuyên qua vùng lõi Khu bảo tồn, cắm trại ngủ qua đêm ở bản Đôn, tận hưởng vẻ đẹp thanh bình của dòng suối Chăm chảy giữa thung lũng, hoặc chinh phục đỉnh Pù Luông cao trên 1.700m để thu vào tầm mắt trọn vẹn một thung lũng xanh tươi trù phú, như một bức tranh thiên nhiên đậm màu lá. Ở đó, từng mảng xanh nối tiếp nhau chạy dài như không có điểm kết thúc. Đứng tại đây, hít một hơi căng lồng ngực, cảm giác như cơ thể được tiếp thêm năng lượng sống. Về với Pù Luông là về với sự thanh thản đến kỳ lạ!

Nơi du khách không thể nào quên

Pù Luông mùa nào cũng đẹp. Nếu muốn ngắm vẻ trù phú, thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang nhuộm màu vàng óng, hãy thăm Pù Luông vào giữa tháng 5 và tháng 6 hoặc giữa tháng 9 và tháng 10. Nhưng du khách cũng có thể tham quan vào giữa tháng 3 và giữa tháng 8 để ngắm những cánh đồng và khu ruộng bậc thang khoác một lớp áo xanh mướt, phủ kín những thửa ruộng chìm trong mây phủ. Ngoài ra, nếu muốn săn mây ở Pù Luông thì nên đến vào những tháng cuối năm, thời điểm này, những lớp mây trắng bồng bềnh dày đặc bao quanh sườn núi, tạo nên một khung cảnh huyền ảo.

Đặc biệt, những “bộ lọc” tự nhiên khổng lồ đem đến cho Pù Luông nguồn nước suối trong vắt, mát lành, sạch sẽ, tinh khiết nơi thượng nguồn, vừa điều hòa khí hậu, vừa tạo nên nhiều cảnh sắc nên thơ. Điển hình như thác Hiêu (xã Cổ Lũng), suối Hua Mường (bản Kho Mường, xã Thành Sơn), suối Chàm (xã Lũng Cao), thác Muốn (xã Điền Quang), hồ Duồng Cốc (xã Điền Hạ)…

thumbnail_anh-8.jpg

Bên cạnh đó, ẩm thực cũng chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc thu hút du khách đến với Pù Luông. Một trong những món ăn nhất định phải thưởng thức khi đến Pù Luông chính là vịt Cổ Lũng (thường gọi là vịt suối). Đây là giống vịt đặc trưng của xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc và mềm. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá nên thịt có vị thơm ngon, từng thớ thịt đều mềm và ngọt đọng lại trên đầu lưỡi. Chính vì thế, vịt Cổ Lũng còn gọi là vịt “Tiến vua”, đủ để thấy sự quý hiếm và thơm ngon của món ăn này.

Đặc biệt hơn khi vịt được chế biến với nhiều loại cây rừng địa phương, trong đó phải kể đến món vịt om măng rừng. Măng của núi rừng Tây Bắc được xem là đặc sản vì giòn, ngọt; kết hợp với thịt vịt mềm, thơm, tạo nên món ăn rất đặc sắc của người dân tộc Thái ở vùng Pù Luông.

Với diện tích hơn 17.600ha cùng hệ động thực vật phong phú, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước, Thanh Hóa gây ấn tượng với du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng rậm nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang, những đám mây huyền ảo, bồng bềnh như tiên cảnh cùng với cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc miền núi.

Pù Luông còn gần với các điểm du lịch nổi tiếng như Bản Lác (Mai Châu) cách 40km từ trung tâm Pù Luông, suối Cá Thần (Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cách 30km, rừng Cúc Phương (Ninh Bình) cách 70km, Di sản văn hóa Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) cách 90km, cách Mộc Châu khoảng 80km...

Pù Luông đang trở thành một điểm du lịch độc đáo thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Do ở gần nguồn cung cấp thủy sản dồi dào là sông Đà và các sông suối phụ lưu, cá sông, cá suối là thực phẩm chính của đồng bào nơi đây. Sản phẩm cá được người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ; món “pa-giảng” là cá hun khói, Pa pỉnh tộp (cá suối nướng lật úp) là món ăn cổ truyền, rất được trân trọng trong cộng đồng người Thái.

Món cá nướng (người dân địa phương gọi là Pỉnh tộp), thường làm bằng cá to như: chép, trôi, trắm... nhưng đặc trưng là mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ; tẩm ớt tươi nướng, nghiền nát mắc khén, để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá nướng chín vô cùng hấp dẫn bởi hương thơm của cá hòa quyện cùng vị cay của ớt, vị nồng nàn của mắc khén sẽ khiến vị giác thăng hoa.

Một món ăn lạ miệng nhưng dễ gây nghiện cho thực khách chính là món măng đắng Pù Luông. Măng có vị đắng được trồng nhiều ở vùng núi cao Tây Bắc. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở đây, măng đắng có thể thu hoạch quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa mưa, măng đầu mùa bao giờ vị cũng sẽ đậm hơn.

Măng đắng được chế biến làm nhiều món khác nhau như ngâm ớt, xào... nhưng ngon nhất phải kể đến măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khén. Măng lúc đầu ăn có vị đắng bùi, ai mới ăn sẽ cảm thấy hơi khó ăn, nhưng càng nhai lâu sẽ càng cảm nhận được vị ngọt bùi của măng. Bên cạnh đó, măng đắng còn là một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe nên được người dân rất ưa chuộng.

Bên cạnh đồ ăn, Pù Luông còn có rượu cần cay nồng, đậm tình người xứ Thanh. Rượu “nguyên bản” dùng men tự chế từ các loại lá, vỏ, rễ cây thuốc ủ với gạo nếp, nếp cẩm và nước suối. Để có rượu ngon không chỉ cần thời gian ủ, mà tùy vào từng vùng sẽ có các bí quyết riêng trong việc chọn lá và cách ủ để rượu có được mùi thơm, độ cay, vị thanh ngọt và đậm đà. Có lẽ vì thế nên rượu Pù Luông luôn có hương vị rất riêng, không lẫn với bất kỳ loại rượu nào khác. Rượu cần Pù Luông chắc chắn là thức uống không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Thái ở Pù Luông, bởi đó không chỉ đơn thuần là thứ đồ uống mà còn là thứ gắn kết con người nơi đây, tạo nên những bản tình ca về tình người giữa núi rừng xứ Thanh.

anh-7.jpg

Còn nhớ, trong những lần đi công tác Bá Thước, anh Ngọ Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện luôn trăn trở phải làm sao đưa Pù Luông trở lại giá trị vùng đất vốn có, để Pù Luông trở thành những Sa Pa, Đà Lạt thứ 2. Bởi Pù Luông hiện tại đang phát triển manh mún, chưa có quy hoạch chung cho cả vùng, UBND huyện đã nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để quy hoạch Pù Luông nhưng chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được.

Chia tay Pù Luông trong những ngày giáp Xuân Giáp Thìn, những đám mây trắng bồng bềnh men sườn núi, người dân đang chuẩn bị những cành đào rừng xuống núi để kịp phiên chợ sớm. Chúng tôi cầu chúc cho những trăn trở, mong muốn của anh Hải trở thành hiện thực, để Pù Luông trở thành điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhưng vẫn giữ được nét riêng vốn có của một Pù Luông bồng bềnh mây trắng.

Bút ký của Nguyễn Văn Dũng