Người Việt lạc quan trong lòng chiến sự
Đôi khi chúng ta có khả năng sống một cách lạc quan chỉ bằng cách chia sẻ những gì đã diễn ra trong cuộc sống thì những kiều bào đang sống tại Ukraine rất cần đồng bào mình ở quê hương hòa cùng câu chuyện với họ như một lời động viên và chia sẻ những gì họ đã và đang phải trải qua trong cuộc xung đột này.
Chúng tôi đến Odessa vào những ngày thành phố cảng đang bị máy bay UAV oanh tạc nhiều nhất và cũng là thời khắc đón chào năm mới 2024. Thời tiết hôm ấy thật đẹp, nắng như thủy tinh và ấm áp hơn rất nhiều so với những ngày sương giá và tuyết rơi trước đó, mặc dù đi đến đâu cũng nghe tiếng máy bay rít lên trên bầu trời và tiếng bom nổ bì bùm.
Trong trận vòng loại giải bóng bàn Odessa mở rộng diễn ra dưới tầng hầm của làng Stariskogo, (nơi những tòa chung cư có đến 90% là người Việt Nam sống) vẫn náo nhiệt, gây cấn. Tất cả các vận động viên thi đấu lẫn cổ động viên như hòa mình vào trận bóng bàn mà quên đi những tiếng báo động vẫn rít lên từng hồi ở bên ngoài cửa sổ.
Anh Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Odessa đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện của người Việt ở đây, vui có, buồn có, có cả những mất mát, nhưng tất cả đều đoàn kết một lòng sẻ chia, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Anh Hùng chính là người đã chọn cách ở lại để trông coi nhà cửa, quán xá, kho bãi, cửa hàng kinh doanh… cho bà con đi lánh nạn.
Chúng tôi đi sâu hơn nữa vào gần khu chiến sự vì ở đây vẫn còn người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn đang cư trú. Thời tiết ở miền quê Odessa lạnh chẳng sâu mà cũng không có nắng, chính vì vậy hàng cây hai bên đường cũng bớt xác xơ hơn. Con đường dẫn chúng tôi đi sâu vào một cảng biển trên bờ Biển Đen. Ở đây có rất nhiều các kho khổng lồ chứa ngũ cốc, đây là nơi tập trung toàn bộ ngũ cốc của cả đất nước Ukraine trước khi đưa lên tầu để chở đi xuất khẩu. Trên bến cảng bầu trời hôm nay lại trong xanh và tĩnh lặng đến đáng ngờ, những đàn chim thiên nga tranh thủ lúc yên tĩnh bơi lội tung tăng cho thỏa thích.
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà của ông Trịnh Xuân Diện - người bị bệnh đã lâu có hoàn cảnh khó khăn - một ngôi nhà cấp bốn cũ có màu sơn xanh lơ, hơi bừa bộn với tứ bề lỉnh kỉnh đồ đạc. Ông ở đó cùng với người vợ Ukraine. Ông bị bệnh tiểu đường nên có nước da mai mái nhưng nụ cười thì luôn thường trực trên môi, sự vui vẻ trong câu chuyện của ông khiến chúng tôi quên rằng mình đang đi thăm một người đàn ông bị bệnh, ông kể rất nhiều về chuyện của ngày xưa.
Ông rưng rưng xúc động kể về quá khứ, ông vốn là bộ đội cụ Hồ với nhiều năm lăn lộn ở chiến trường. Ông Diện luôn miệng nhắc mình là người Việt Nam và trong tim vẫn luôn có Đảng. Chia tay chúng tôi trong bịn rịn, ông nói, ông rất nhớ Việt Nam, nhớ về quê hương Hà Tĩnh, nơi ông đã ra đi và khó có dịp để trở về… Nhưng ông lại mỉm cười bảo: Cuộc sống là cách chúng ta biết chấp nhận những gì thuộc về hiện tại.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến chợ Km số 7 của Odessa, chợ lớn đến mức nếu muốn đi thăm được hết chợ thì phải đi bằng ô tô, nó rộng lớn mênh mông và sầm uất, nó còn có thể được ghi vào sách kỷ lục Guinness với những gian hàng bằng container dài dằng dặc nối tiếp nhau.
Nhưng cho dù rộng lớn đến thế thì từng dãy các gian hàng dài ở chợ lại được sắp xếp vô cùng thoáng đãng, sạch sẽ và ngăn nắp, cả khu chợ hầu như không có một cọng rác thải hay một bãi nước đọng nào.
Trong thời Xô - Viết vừa tan rã, chợ Km số 7 là nơi tập trung rất nhiều người nhập cư trái phép với những băng nhóm tội phạm nổi tiếng Đông Âu. Có nhiều triệu phú người Việt Nam lập nghiệp và đi lên từ khu chợ này.
Trước xung đột, chợ có rất đông người Việt buôn bán, cả thành phố cảng Odessa có lúc lên tới hơn 3.000 người Việt Nam. Nhưng bây giờ người Việt ở lại không nhiều. Hiện tại chỉ còn lại hơn 600 người, trong có có 150 trẻ em.
Khi được hỏi tại sao đã chạy được sang tận Đức, Pháp, Bỉ... rồi mà các anh chị còn quay trở lại trong lúc xung đột chưa kết thúc thì ai cũng trả lời, họ đã quen cuộc sống ở đây, làm ăn dễ và con người thì thân thiện...
Bà con kiều bào ở Ukraine không vì chiến tranh mà không có cái Tết ấm áp, các hoạt động đón Tết trong cộng đồng vẫn được diễn ra đầy đủ và vui vẻ như tổ chức gặp mặt đầu xuân trong cộng đồng người Việt, thăm hỏi chúc tết nhau trong dịp đầu xuân năm mới. Sự lạc quan của bà con toát lên trong từng ánh mắt, nụ cười.
Kiều bào ở Ukraine xác định sẽ sống chung với xung đột, tuy thời điểm này buôn bán có kém đi nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ vì nhà cửa tài sản của cả một đời tích cóp vẫn đang còn ở đây.
Một mùa xuân nữa lại đến, trong thời khắc giao thừa, bà con kiều bào ở Ukraine lại nâng ly cùng nhau chúc cho cuộc xung đột này sớm kết thúc, để cuộc sống của người dân ở đây được trở lại bình an như cũ.