VNSTEEL nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon
Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) đã phối hợp với chuyên gia tập huấn “Thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính, dấu chân carbon, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới” tại các đơn vị sản xuất thép trong hệ thống Tổng công ty.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất thép, ngoài các quy định trong nước, các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Châu Âu tới đây sẽ phải báo cáo phát thải khí nhà kính theo sản lượng xuất khẩu trong khuôn khổ cơ chế CBAM (Chính sách chống rò rỉ carbon xuyên biên giới). Nằm trong khuôn khổ chương trình INVEST toàn cầu do tổ chức Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID tài trợ, Dự án nghiên cứu “Cơ chế báo cáo dấu chân carbon và dán nhãn carbon tự nguyện cho một số sản phẩm công nghiệp” phối hợp cùng một số cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Trung tâm Trọng tài Thương mại đã được triển khai...
Theo đó, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp về việc triển khai các nội dung liên quan của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và báo cáo CBAM, các chuyên gia của Dự án nêu trên đã tổ chức buổi làm việc và trao đổi, hướng dẫn về các nội dung liên quan, với toàn bộ kinh phí thực hiện do Dự án tài trợ, dưới hình thức đào tạo, tập huấn và hỗ trợ trực tiếp báo cáo phát thải theo quy định CBAM. Đối với các đơn vị thuộc hệ thống của Tổng công ty Thép, các chuyên gia tư vấn đã thí điểm hỗ trợ trực tiếp đối với 03 Công ty trong hệ thống của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) là: Công ty Tôn Phương Nam, Công ty TNHH Thép Vina Kyoei, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên trong các ngày 8/1/2024 (tổ chức tại Tôn Phương Nam, cùng khối các đơn vị sản xuất thép dẹt tham dự như Tấm lá Phú Mỹ, Tấm lá Thống Nhất); ngày 9/1/2024 (tổ chức tại Công ty Thép Vinakyoei, cùng khối các đơn vị thép dài tham dự như Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL, Thép Vicasa, Thép Thủ Đức, Thép Nhà Bè) và ngày 23/1/2024 (tổ chức tại Công ty cổn phần Gang thép Thái Nguyên cùng với các đơn vị như Natsteelvina, Vinausteel, RedstarCera cùng tham dự).
Tại chương trình tập huấn, các chuyên gia tư cấn đã cập nhật các thông tin, văn bản pháp lý liên quan đến biến đổi khí hậu, về phát thải, kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon ở Việt Nam. Cụ thể, ngày 27/12/2023 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cho các lĩnh vực thuộc nhóm ngành công thương như thép, năng lượng, khai thác than… Theo đó, Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính ngành công thương như thép, năng lượng, khai thác than. Thông tư số 38/2023/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2024. Khi các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định mới. Đây sẽ là Thông tư hướng dẫn chi tiết nhất về việc kiểm kê khí nhà kính cho các ngành thép, năng lượng, nhiệt điện, khai thác than của Ngành công thương sau Nghị định 06/2022 và Quyết định 01/2022 về danh mục các đơn vị phải thực hiện kiểm kê Khí nhà kính.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong hệ thống được các chuyên gia hướng cung cấp các thông tin liên quan cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới, thị trường carbon, các quy định quốc tế, quy tắc kiểm kê và các quy tắc báo cáo và số liệu cần cung cấp theo CBAM. Tham dự chương trình lần này có các lãnh đạo chủ chốt, các chuyên gia kỹ thuật liên quan của các đơn vị. Các vấn đề nói trên cũng rất được lãnh đạo các đơn vị tham dự quan tâm, nhất là đối với các đơn vị đang triển khai xuất khẩu đi Châu Âu như Tôn Phương Nam, nhằm mục đích vì sự phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các giải pháp năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng doanh nghiệp đã thực hiện.
Ngày 23/1/2024, Chương trình làm việc đã kết thúc tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Các cán bộ của các đơn vị đã tham gia chương trình rất nghiêm túc, trong đó đã đưa ra các ý kiến đóng góp, các đề xuất, kiến nghị hết sức thẳng thắn, nhằm triển khai thực hiện tốt các quy định của nhà nước, của quốc tế liên quan đến báo cáo phát thải khí nhà kính, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới. Điều này cũng xuất phát từ mong muốn góp phần vào sự phát triển chung của Tổng công ty thép Việt Nam.