Bình Thuận thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
(TN&MT) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW), tỉnh Bình Thuận đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Sở TN&MT Bình Thuận, để thực hiện tốt Nghị quyết 24-NQ/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và ban hành Chương trình hành động, Quyết định, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ từ cấp tỉnh đến cơ sở; các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cũng đã cụ thể hóa thực hiện đạt một số kết quả quan trọng bước đầu về chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
“Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cùng quyết định đến sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, là cơ sở, tiền đề cho hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây không những là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân địa phương. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo với sự tham gia, giám sát của toàn xã hội”.
Ông Trần Nguyên Lộc - Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận
Tỉnh Bình Thuận đã thường xuyên cập nhật thông tin để kịp thời điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch ứng phó với BĐKH và tổ chức thực hiện có kết quả; tiến hành đánh giá tác động của BĐKH trong từng lĩnh vực, từng ngành, địa phương để điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp. Trong đó, đã tổ chức đánh giá tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh để rà soát quy hoạch, kế hoạch khai thác và quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh Bình Thuận còn tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và sử dụng đất lúa linh hoạt, hiệu quả; rà soát, thu hồi những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cho thuê đất nhưng chậm triển khai mà không có lý do chính đáng; thực hiện phân công, phân cấp mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường; quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên nước.
Tỉnh Bình Thuận cũng quan tâm hơn đến việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của các dự án; không chấp thuận đầu tư các dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế; kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường kiểm tra, kiểm soát môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kịp thời xử lý nghiêm minh các trường hợp gây ô nhiễm môi trường.
Song song đó, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh và đã bố trí vốn ngân sách cho các dự án xử lý chất thải và nước thải y tế trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2015, bố trí tổng số vốn là 28.899 triệu đồng; giai đoạn 2016 - 2020, bố trí tổng số vốn là 68.801 triệu đồng; giai đoạn 2021 - 2023, bố trí tổng số vốn là 1.131 triệu đồng.
Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận cũng đã bảo đảm cân đối quỹ đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh giữ và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất chuyên trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hiện tại, tỉnh Bình Thuận đã lập, phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cấp huyện. Trong đó, tỉnh Bình Thuận xác định nhiệm vụ cân đối quỹ đất ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm.
Thực hiện Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, các chỉ tiêu đề ra về cơ bản cũng đã đạt được như: 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; trên 65% số xã đạt tiêu chí môi trường theo tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5% - Kế hoạch trên 98%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 65%...
Xác định các nhiệm vụ trọng tâm
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Thuận cho biết: Để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Khí tượng thủy văn và Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Địa chất và Khoáng sản ngay sau khi được ban hành… trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Bình Thuận sẽ tập trung triển khai tốt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm căn cứ triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục chủ động, tích cực trong công tác ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ quan tâm đến việc đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên, khuyến khích ứng dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, viễn thám, công nghệ thông tin và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tiếp tục hợp tác với các đối tác phát triển và các nguồn tài trợ quốc tế để huy động các nguồn lực, tiếp nhận công nghệ tiên tiến về ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các Chiến lược Quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2030 về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh; quản lý hiệu quả tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; quản lý tổng hợp chất thải rắn, giảm thiểu rác thải nhựa...; triển khai thực hiện lồng ghép công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển tổng thể của tỉnh Bình Thuận.
Tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH; tiếp tục thực hiện Kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia về giảm phát thải nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng (REDD+), bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 theo Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; đồng thời, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường, đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản làm cơ sở để quản lý, sử dụng hiệu quả trong công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tập trung phổ biến, quán triệt quan điểm, nhận thức về yêu cầu của công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các Quyết định phát triển; đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng và là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia ứng phó với BĐKH; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.