Doanh nghiệp - doanh nhân

PV GAS: Tiếp nối hành trình năng lượng xanh

Hồ Ngọc 06/02/2024 - 14:37

(TN&MT) - Việc nhập khẩu, kinh doanh LNG trong năm 2023 sẽ là khởi đầu mới nhiều triển vọng cho Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), xác lập vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG, đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS -đơn vị chủ đạo của ngành công nghiệp khí Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS cũng như Petrovietnam trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng.

1. LNG - Hành trình năng lượng xanh: Ước mơ của nhiều thế hệ lãnh đạo PV GAS sau hơn một thập kỷ đã được hiện thực hóa vào tháng 7/2023, khi chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến. Để chuẩn bị cho chuyến tàu này, cách đây hơn 10 năm, PV GAS đã đưa người đi đào tạo ở Nhật Bản, Hàn Quốc… Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng các quy chế - quy trình vận hành - kinh doanh LNG; xây dựng nhân lực quản lý điều hành hoạt động vận hành - kinh doanh; chuẩn bị nguồn vốn, ký kết các hợp đồng khung mua bán LNG với nhiều nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới...

pv-gas-2-.jpg

Năm 2023, PV GAS trở thành Doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG tại Việt Nam. PV GAS thuộc “Top 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023” (Bảng xếp hạng VIX50 2023); Lần thứ 11 liên tiếp nhận Vinh danh của Forbes “Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2023” - Top 4 Công ty đạt doanh thu và lợi nhuận tốt nhất; Top 50 doanh nghiệp dẫn đầu Bảng xếp hạng PROFIT500 - “Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023”. Đặc biệt, PV GAS thuộc Top 6 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được Tổng cục Thuế công bố; Được Fitch Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới công bố xếp hạng tín nhiệm quốc tế lần đầu ở mức 'BB'.

PV GAS cũng bắt tay vào xây dựng công trình LNG “lịch sử” đầu tiên, lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam. Sau 4 năm xây dựng, ngày 29/10/2023 Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động với sức chứa 180.000m3, công suất tối đa 171 tấn/ giờ. Việc chính thức đưa vào vận hành Kho LNG Thị Vải đánh dấu một bước phát triển mới của ngành công nghiệp khí Việt Nam, hòa cùng xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Cũng từ đây, LNG trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo và là động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của PV GAS.

PV GAS đã đặt ra mục tiêu trở thành nhà cung cấp LNG số 1 tại thị trường Việt Nam, bao gồm dịch vụ quản lý, kinh doanh và khai thác hạ tầng LNG. Để đạt được mục tiêu này, PV GAS đang tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng lõi với hệ thống kho cảng LNG trung tâm trải dài các vùng miền. Trong đó, kho cảng LNG Thị Vải sẽ được nâng cấp lên 3 triệu tấn/năm để cung cấp cho khu vực miền Nam; khu vực Nam Trung Bộ sẽ đầu tư dự án kho LNG tại Sơn Mỹ 3,6 - 9 triệu tấn; đối với khu vực Trung Bộ, Bắc Bộ, PV GAS đang có kế hoạch đầu tư Kho cảng LNG phía Bắc với công suất từ 3 - 6 triệu tấn/năm.

Với sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng, chuỗi dự án kho cảng LNG này được kỳ vọng sẽ giúp PV GAS chứng tỏ năng lực đáp ứng thị trường, giúp Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường khu vực và thế giới.

2. Việc phát triển sản phẩm LNG rất phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch điện VIII.

pv-gas-1-.jpg

Theo mục tiêu Nghị quyết đưa ra là đến năm 2030 đủ năng lực nhập khẩu khoảng 8 tỷ m3 khí LNG và 15 tỷ m3 vào năm 2045. Quy hoạch điện VIII cũng cơ cấu các nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện; trong đó điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW, chiếm 14,9%.

Tuy nhiên, với tình hình triển khai các dự án hiện tại và trong bối cảnh còn chưa có các cơ chế chính sách phù hợp, việc đồng hành thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 55-NQ/TW và Quy hoạch Điện VIII đặt ra cho điện khí LNG trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là một thách thức lớn.

Năm 2023 vừa qua, rất nhiều dự án điện khí LNG được đăng ký nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất kho LNG 1 MMTPA Thị Vải của PV GAS đã hoàn thành và sẵn sàng cấp khí phục vụ sản xuất điện. Thế nhưng, ngay cả khi có thể đi vào vận hành thương mại, kho LNG 1 MMTPA Thị Vải vẫn chưa thể cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện trong khu vực do vướng mắc về cơ chế, chính sách ở tất cả các khâu: nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa, phân phối, cung cấp LNG và tiêu thụ điện sản xuất từ LNG.

Hơn bao giờ hết, PV GAS mong muốn có cơ sở pháp lý vững vàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG, đảm bảo phát triển kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia trên lộ trình chuyển dịch năng lượng xanh của Chính phủ. Cần có cơ chế chuyển ngang bao tiêu khối lượng khí và giá khí LNG tái hóa cùng với các quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền phê duyệt nguyên tắc xác định giá LNG nhập khẩu, cước phí vận chuyển khí, tồn trữ, phân phối LNG... để có cơ sở ký kết hợp đồng mua bán khí LNG tái hóa với các nhà máy điện. Bên cạnh đó, để các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi kịp vận hành theo Quy hoạch điện VIII, các cơ chế vướng mắc liên quan tới các luật, như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn, cần cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, tháo gỡ.

Những băn khoăn, vướng mắc, những nỗi lo lắng còn canh cánh trong lòng của lãnh đạo PV GAS có lẽ sẽ được giải quyết ở năm 2024. Bởi mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ gỡ vướng cho các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi để kịp vận hành trước 2030.

3. Trải qua một hành trình không ngừng nghỉ, mang trọng trách chủ đạo của ngành Công nghiệp khí, góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, PV GAS đã tạo nên sự khác biệt của năm 2023 khi chính thức ghi tên Việt Nam - PV GAS vào bản đồ kinh doanh LNG toàn cầu, tham gia vào “chuỗi giá trị LNG” của thế giới.

Trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và cùng với chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bên cạnh LNG, PV GAS đã và đang triển khai chương trình chuyển dịch năng lượng với những định hướng chính như: Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất; phát triển các dự án nhập khẩu LNG theo hình thức các “LNG Hub” kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí; cung cấp khí làm nguyên liệu cho các dự án hóa dầu, tham gia đầu tư các dư án sản xuất hóa dầu - chuyển khí từ dạng nhiên liệu đốt sang nguyên liệu sản xuất sản phẩm giúp giảm phát thải CO2; nghiên cứu tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh Green H2, Green NH3 trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng hiện hữu và đầu tư các hạ tầng mới;…

Dù khó khăn nhưng PV GAS vẫn bước tiếp hành trình năng lượng xanh; kiên định với mục tiêu “Phát triển Tổng công ty lớn mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất nhập khẩu - tồn trữ - dịch vụ - kinh doanh khí và sản phẩm khí, tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn; tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo, dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hội nhập quốc tế”.

Hồ Ngọc