Biển đảo

Sức sống Trường Sa

Bút ký của Hoàng Thị Hạnh 06/02/2024 14:36

(TN&MT) - Sức sống Trường Sa ngời trên cát bỏng, trên mặn mòi sóng gió, trên vất vả gian lao.

nam-nghin-dong.png

Sức sống Trường Sa ngời trên cát bỏng, trên mặn mòi sóng gió, trên vất vả gian lao. Chúng tôi mang sức sống Trường Sa về đất liền, tiếp tục nói với cả thế giới rằng Trường Sa, Hoàng Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc trường tồn vĩnh viễn với thời gian.

1.png

Tháng Tư năm 2023, tôi tham gia Đoàn Công tác số 6 đi thăm Trường Sa. Đoàn do Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà - Phó Tư lệnh Hải quân làm Trưởng đoàn cùng 234 thành viên đến từ các cơ quan, đơn vị của Thành phố Hà Nội và một số cơ quan Trung ương. Con tàu KN490 bắt đầu hành trình ra đảo. Những gương mặt háo hức mong đợi hướng về khơi xa.

Tàu càng xa bờ, nước càng xanh rồi xanh thẫm. Đất liền lùi xa dần, cuối cùng chỉ còn một vệt chân trời thăm thẳm. Được Trưởng đoàn quán triệt: “Bước chân xuống tàu là chiến sỹ”, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận, thích nghi với cuộc sống của bộ đội.

Đêm đầu tiên trên tàu, từng tốp cùng nhau lên boong ngắm sao trời. Cả một bầu trời dàn dạt các vì sao không tên. Tôi cứ miên man nghĩ ngày xa xưa cha ông mình chỉ có những con thuyền gỗ bé nhỏ mà đến được những hòn đảo trên quần đảo này khai phá, xác định chủ quyền cho cháu con mai sau. Họ biết rất rõ trong những chuyến đi như thế có thể phải đổi cả mạng sống của mình. Có lẽ chỉ có lòng yêu nước mới làm nên điều kỳ diệu ấy.

Sau 30 giờ rời đất liền, chúng tôi đón bình minh trên biển và sẵn sàng cập đảo đầu tiên. Mặt trời nhô lên mặt nước rất nhanh, nhuộm hồng cả một vùng mênh mang. Những đám mây đủ sắc màu như đứng im ở mãi cuối trời, đi mãi mà không đến gần được. Những con sóng to, những con sóng nhỏ vỗ quanh thân tàu khi thì rượt đuổi, lúc thì ôm choàng tàu, rơi xuống thành những ngôi sao nắng.

2.png

Nơi đầu tiên đoàn đến công tác là đảo Song Tử Tây. Đây là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện Đảo Trường Sa và cũng là xã đảo xa nhất của nước ta nằm ở phía Bắc Biển Đông. Nhìn từ xa, đảo mang dáng hình một thành phố nhỏ, thanh bình giữa đại dương. Những trảng cát vàng, những hàng cây xanh lá, viền quanh đảo là màu xanh biển cả. Cuối năm 2021, cơn bão số 9 đã từng quét qua Song Tử Tây làm 90% cây xanh ở đảo bị gãy, đổ. Thế mà hôm nay đảo xanh như chưa từng có bão đi qua. Những hàng cây vững chãi, chạy dài tỏa bóng chở che, làm dịu đi sức nóng như muốn thiêu đốt vạn vật. Khắp nơi trên đảo, chúng tôi gặp nhiều cây xanh với những tên gọi vừa quen vừa lạ: Phong ba, bão táp, nhàu, tra, bàng vuông... Hàng cây phong ba nhiều lá bị cháy nắng nhưng chồi non vẫn nảy nụ, những chiếc lá hiếm hoi sót lại dù chỉ còn một nửa vẫn xanh đến khát khao. Từ các hàng cây, từ những con đường cát bỏng, các chiến sỹ hải quân và nhân dân trên đảo đi như chạy đến chào đón Đoàn. Mọi người, tay bắt mặt mừng kể chuyện đảo, hỏi thăm đất liền tíu tít.

24b.jpg
Tác giả bên mầm xanh hồi sinh kỳ diệu tại Trường Sa tháng 4/2023

Bất chợt tôi nhìn thấy trên đường vào chùa có một cây dáng huyền, thân bạc phếch hầu như không còn vỏ. Từ gốc cây đến ngọn bị cụt chỉ còn lại những mảnh vỏ bám vào thân bạc nổi lên những thớ gỗ đầy mắt xù xì. Thật kỳ lạ, từ cái vỏ cây ấy đã bật chồi xanh, kết thành từng chùm lá xanh bạc vươn lên trời. Tại gốc cây, cạnh nhiều nhánh rễ bị xé nát, xơ xớp thớ gỗ đã khô lại, chồi non mọc lên, thách thức nắng lửa. Chúng tôi sững sờ dừng lại, xúc động và tất cả bật lên thành tiếng: Sức sống Trường Sa. Tôi run run chạm tay vào thân cây mẹ, vuốt nhẹ những chiếc lá, nghẹn ngào cảm phục. Anh lính trẻ đi cùng chụp ảnh cho chúng tôi rồi nhẹ nhàng bảo: “Đây là cây phong ba cô ạ. Chúng cháu cảm phục cây ở đây lắm, nhất là cây này. Cây bị cơn bão cuối năm 2021 quật đổ, trốc rễ phơi trên cát. Chúng cháu đã trồng lại và hy vọng. Và cây đã sống lại mãnh liệt hơn nhiều”.

Từ giờ phút ấy trở đi, suốt hải trình, cụm từ “Sức sống Trường Sa” lúc nào cũng hiện hữu. Sức sống mãnh liệt trên mảnh đất này toát lên ngay trong sự bình dị và trầm tĩnh của các sư thầy dưới những mái chùa; trong những gương mặt đầy nắng gió ngời ngời niềm tin, ý chí sắt son với Tổ quốc của các chiến sỹ Hải quân, trong những đôi mắt trẻ thơ nô đùa dưới tán bàng vuông; trong những ngọn cỏ bên lối đi đang đan vào nhau đợi mưa để làm nên những chân trời.

3.png

Trường Sa hiện có 3 trường tiểu học: Ở thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn. Lan lan hòa vào sóng biển, tiếng trẻ đồng thanh khúc đồng dao: “Nu na nu nống/ Con cháu Tiên Rồng/ Chúng ta phải nhớ/ Ở trên Biển Đông/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Có hai quần đảo/ Là nhà của ta”.

Thầy Nguyễn Hữu Phú, thầy Nguyễn Bá Ngọc nắm tay chúng tôi nồng ấm và xúc động. Ngoài học bổng và quà cho học sinh, các anh chị trong Câu lạc bộ Trường Sa trao tận tay hai thầy giáo tấm chăn của một bà má ở Tiền Giang tự tay khâu từ một tấm vải gửi đến những người con xa nhà. Tôi nhận ra đôi mắt thầy Phú nhòa lệ. Chỉ trước đó thôi, thầy đã gác tình riêng, giấu buồn thương để tiếp Đoàn. Trước khi vào lớp học, vô tình tôi kịp nhận ra một người trong đoàn trao cho thầy Phú một túi đựng trái cây, hộp bánh và nén nhang. Hai người nắm chặt tay nhau và im lặng thật sâu dù là khoảnh khắc. Thầy Phú trở vào nhà rồi quay lại công việc, đôi mắt đỏ, bâng khuâng, đượm buồn, trống vắng. Tìm hiểu, tôi được biết, mẹ anh vừa mất cách đó hơn một tuần ở thành phố Khánh Hòa. Dặm thẳm trùng khơi anh không thể về chịu tang mẹ. Túi hoa quả được gửi từ đất liền để anh thắp hương tưởng nhớ mẹ, khi vì nhiệm vụ chưa thể trở về. Sự hy sinh thầm lặng ấy cứ theo tôi đi suốt cả những ngày sau đó, nói với tôi rằng sự hy sinh ấy đã góp phần bồi đắp thành đồng Tổ quốc nơi đảo xa.

4.png

Chúng tôi cập đảo Trường Sa Lớn, trung tâm huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa, điểm đến thứ ba của hải trình. Tại đây, Đoàn Công tác tham dự Lễ chào cờ và màn diễu binh của các chiến sỹ trên đảo. Đường băng nóng bỏng, lúc 14 giờ đã tập trung đầy đủ quân dân trên đảo. Giữa biển trời mênh mông, dáng hình các chiến sỹ với làn da sạm nắng gió, áo sũng mồ hôi, nghiêm trang đội ngũ cùng tiếng hát Quốc ca hào hùng của cả Đoàn Công tác vang lên trầm hùng trong gió. Lời hát như khúc hòa ca hào hùng của cha ông ngàn xưa vọng lại. Sau Lễ chào cờ, trong không khí trang nghiêm, Trung úy Tôn Chí Quân bước lên phía trước đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những tiếng “Xin thề” chắc nịch âm vang một ý chí. Khi chiến sỹ đọc đến lời thề thứ 6: “... Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai”, tiếng nức nở, nghẹn ngào dù đã kiềm nén hết sức của một vài đại biểu nữ đã bật lên bên tôi. Nhiều người mắt đỏ hoe, tôi để mặc nước mắt rơi hòa với mồ hôi mặn. Không biết tự lúc nào, chúng tôi quên cả nắng, nóng, bỏ khăn mũ dầm dãi nắng lửa cùng quân dân trên đảo. Giây phút thiêng liêng, tự hào đặt tay lên ngực, chào cờ Tổ quốc giữa Biển Đông, tôi hiểu vì sao lớp lớp các thế hệ những người con đất Việt đã và sẽ luôn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Sau Lễ chào cờ, chụp ảnh lưu niệm tại cột cờ chủ quyền, thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ và làm lễ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sa, đặt hoa tượng đài Trần Hưng Đạo, Đoàn làm việc với Chỉ huy và lãnh đạo huyện đảo về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của huyện đảo. Báo cáo của lãnh đạo huyện cho thấy trong những năm qua, đời sống nhân dân và cán bộ, chiến sỹ trên các xã đảo ngày càng đầy đủ hơn. Những con đường bê tông sạch đẹp rợp bóng mát của cây xanh; trường học, nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ, các hộ dân; bệnh xá, Trung tâm Y tế, chùa, trạm khí tượng thủy văn, nhà khách Thủ đô, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời, truyền hình vệ tinh được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo. Dù thế, đảo cũng còn nhiều vất vả, khó khăn, thiếu thốn do quá xa với đất liền.

24c.jpg
Tác giả trong chuyến thăm Trường Sa

Sau cuộc giao lưu văn nghệ tưng bừng vui, Đoàn phải bịn rịn chia tay với đảo khi bóng đêm bao trùm. Bước chân lên tàu mà lòng còn ở lại. Các thành viên trên tàu đồng thanh gửi tình thương mến về đảo: “Cả nước vì Trường Sa” đồng thời từ đảo nhỏ cũng vọng vang trở lại: “Trường Sa vì Tổ quốc”. Những tiếng hô đồng thanh liên tiếp trao đi, đổi lại nghẹn ngào. Dường như đó không còn là khẩu hiệu mà trở thành tiếng nói từ trái tim. Tôi thấy tim mình nghẹn lại một cảm giác thân thương ruột thịt dâng trào, nhất là nhìn bóng dáng của trẻ em và những người dân đan xen cùng bộ đội đang giơ tay vẫy chào. Cảm xúc ấy chỉ có thể là tình yêu Tổ quốc, bởi “trong mỗi người đều có một phần máu thịt ở Trường Sa”. Còi tàu âm vang thay lời tạm biệt mà chúng tôi vẫn đứng bên mạn tàu hướng về đảo. Tàu vời xa rồi, đảo chỉ còn một vệt sáng mờ xa, dường như tôi vẫn nghe trong gió lời nhắn gửi: “Chúc bình yên! Chúng tôi yêu đất liền”... những lời thân thương ấy cứ bồng bềnh cùng chúng tôi trong đêm đại dương.

Điểm cuối cùng trong hải trình để về đất liền ngày 26/4, Đoàn đến thăm chiến sỹ nhà giàn DK1/8 Quế Đường (DK1 - cụm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật ở vòng ngoài cùng, xa nhất so với phía gần đất liền). Được biết, nhà giàn DK1/8 đã 4 năm nay chưa một lần đón được đoàn công tác nào từ đất liền đến thăm vì vị trí nhà giàn đứng chân là nơi luôn phải hứng chịu sóng ngầm, gió lớn. Biết được điều này nên chúng tôi mong chờ giây phút bước chân lên thăm các chiến sỹ đến cháy bỏng. Một cơ số quà dành cho các chiến sỹ được chuẩn bị sẵn. Bánh chưng, đậu đỗ, rau xanh, các loại quả, nhu yếu phẩm, quần áo và nhiều thứ khác được đóng gọn gàng, nâng niu, chăm chút với biết bao tình thương mến. Hừng đông trên biển thật bình yên, cả vùng mênh mang trời, nước. Những trảng mây hồng cùng mặt trời nhô lên trên biển. Cùng lúc nhìn thấy mặt trời cũng là lúc nhà giàn DK1/8 hiện ra, bé nhỏ, hiên ngang chắn ngang dòng hải lưu cuộn sóng; sừng sững cột mốc chủ quyền thiêng liêng giữa biển khơi. Đó thực sự là cột mốc sống ở thềm lục địa Tổ quốc. Những người lính Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân với bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, kiên cường trong hoàn cảnh giông gió bất thường từ nhiều phía.

Nhà giàn gần lại, đã thấy những người lính Hải quân chuẩn bị đón Đoàn. Mọi người hồi hộp dõi theo chiếc xuồng máy đầu tiên chở theo các chiến sỹ Hải quân tiến đến chân nhà giàn tiếp cận mục tiêu. Bất chợt sóng dâng cao như muốn nhấn chìm chiếc xuồng bé nhỏ, tròng trành lách sóng. Tất cả chúng tôi nín thở, lo lắng, mong chờ khoảnh khắc xuồng tiếp cận nhà giàn thành công nhưng xuồng bị sóng đánh bật ra. Ngay sau đó, xuồng lại lách sóng tiếp cận nhà giàn.

Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà - Phó Tư lệnh Hải quân trầm tĩnh, đăm đắm theo dõi đồng đội. Sau một hồi thử thách với sóng và gió, tiếng đồng chí liên lạc qua bộ đàm nuối tiếc khó khăn: “Báo cáo Thủ trưởng! Tiếp cận nhà giàn thất bại”. Thấu hiểu ý nghĩa của việc tiếp cận nhà giàn và tình cảm với chiến sỹ, ông đã ra lệnh thuyền tiếp cận lần thứ hai và đích thân xuống xuồng thị sát cùng chiến sỹ. Nhưng rồi xuồng tiền trạm cũng đành trở lại một lần nữa. Chuẩn đô đốc phát lệnh: “Các đại biểu cởi áo phao, lên đài chỉ huy giao lưu với nhà giàn DK1/8 bằng bộ đàm”. Tất cả lặng đi, chấp hành mệnh lệnh. Chúng tôi lên boong tàu lòng nặng trĩu tiếc nuối. Không thể tin đi hàng vạn dặm đến đây mà không trực tiếp gặp gỡ nhà giàn dù cùng ở trên mặt nước, dưới trời xanh.

“Nhà giàn chào Thủ trưởng và đất liền! Đất liền chào anh em! Nhà giàn nghe rõ không? Anh em khỏe cả không?” Những tiếng chào hỏi liên tục phát đi thân thương, gần gũi. Chỉ một khoảng không gian thôi, nhìn thấy nhau mà không tới được. Chỉ muốn nhào đến nhưng không thể đến. Những người chiến sỹ bằng da, bằng thịt ấy, có người bằng tuổi em, tuổi con của mình, gần gũi thân thương biết bao. Không đến được nhà giàn, giấc mơ không thành; buồn thương nào tả cho hết. Anh em trên nhà giàn đã quá lâu không được nắm tay người từ đất liền. Chỉ nghĩ thế thôi mà lòng chùng lại, thổn thức.

Báo cáo từ nhà giàn cho biết, anh em khỏe, luôn vững vàng ý chí, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù nhớ đất liền nhưng đã và sẽ tiếp tục vượt lên vì nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc giao cho. Vang trên đại dương lời người chiến sỹ rành rọt: “Chiến sĩ Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển ngoài khơi xa, chúng tôi luôn làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm mỗi nhà giàn là một pháo đài vững chắc, với tinh thần quyết tâm còn người còn nhà giàn...”. Mười lời thề của người chiến sỹ vang lên hào hùng át tiếng gầm gào sóng cả. Trong Đoàn Công tác, những tiếng sụt sịt lan từ phụ nữ sang cánh mày râu. Mắt ai cũng đỏ hoe, không rời nhà giàn bé nhỏ, tìm kiếm những khuôn mặt thân thương như muốn thu vào tâm tưởng giây phút thiêng liêng này. Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà thay mặt đoàn công tác ân cần thăm hỏi, ghi nhận sự hy sinh cao cả của những người chiến sỹ và giao nhiệm vụ tiếp tục vững tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Nhà giàn nhận lệnh, hứa với Thủ trưởng và đất liền quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng dù có phải hy sinh. Các em gái nhỏ bật khóc nức nở. Tôi cũng để mặc nước mắt chan hòa rơi.

Giây phút chia tay kẻ ở người đi quá đỗi dùng dằng. Từ nhà giàn, các chiến sỹ đồng thanh qua bộ đàm: “Nhà giàn cảm ơn Thủ trưởng và Đoàn Công tác. Nhà giàn nhớ đất liền, nhà giàn nhớ đất liền, nhà giàn nhớ đất liền,...” Cả tàu cũng đồng thanh át tiếng gió và sóng: “Tổ quốc yêu nhà giàn, nhà giàn trong trái tim Tổ quốc”...

Theo mệnh lệnh, tàu KN490 đi một vòng quanh nhà giàn, vẫy tay chào tạm biệt; cùng với những lời nhắn gửi qua gió, với bao ân tình đến người chiến sỹ. Mọi người vừa khóc vừa hát, vừa vẫy tay chào. Tiếng hát thay tiếng lòng. Các chiến sỹ bồng súng chạy theo huớng tàu quay, vẫy tay, phất cao cờ Tổ quốc. Tàu cất một hồi còi dài gửi lại lời thương yêu với lính nhà giàn. Âm thanh lan xa, quấn quít mãi không thôi. Tàu đã đi xa mà trên nhà giàn, những người lính vẫn đứng đó dõi theo, cờ sao vẫn tung bay.

“Nhà giàn chông chênh giữa biển khơi đầy gió/ anh vững vàng tay súng giữa trời mây/ Chúng tôi đứng đây mắt nhòa trong nắng đỏ/ Hát về anh người chiến sỹ biên cương...”. Nhiều bài thơ thay tiếng lòng đã được viết ngay trên boong tàu gửi cho người chiến sỹ. Hai tiếng Tổ quốc và đồng bào thiêng liêng hơn bao giờ hết trong giờ phút ấy. Đến Trường Sa mới hiểu tận cùng lòng yêu nước - Câu nói của ai đó đúng hơn bao giờ hết trong khoảnh khắc này.

Hôm nay, ngồi đây, chắp nối bộn bề những điều trông thấy ở Trường Sa mà lòng tôi vẫn còn thổn thức. Những nơi đã đi qua, những nơi chưa kịp đến, từ đảo nổi đến đảo chìm, ở đâu cũng mang dáng đứng trang nghiêm, thanh bình, thơ mộng với những người con trung hiếu sẵn sàng xả thân vì biển đảo quê hương. Sức sống Trường Sa vẫn ngời trên cát bỏng, trên mặn mòi sóng gió, trên vất vả gian lao và tỏa nắng những nụ cười lạc quan, tin yêu cuộc sống. Chúng tôi mang sức sống Trường Sa về đất liền, tiếp tục nói với cả thế giới rằng Trường Sa, Hoàng Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc trường tồn vĩnh viễn với thời gian. Lời hứa với người nằm lại cuối chân trời như giục giã mỗi người hãy làm việc nhiều hơn, xứng đáng với những hy sinh trời biển của bao thế hệ đã nằm lại nơi chân trời thẳm xa.

Bút ký của Hoàng Thị Hạnh