Doanh nghiệp - doanh nhân

PVFCCo: Vững vàng sứ mệnh vì nông nghiệp Việt

Kông Nguyên 06/02/2024 - 14:35

(TN&MT) - Dù đối diện với vô vàn khó khăn trong năm 2023 vừa qua, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) vẫn đặt nhiệm vụ ưu tiên số 1 là đảm bảo đầy đủ và kịp thời nguồn cung phân bón chất lượng cao cho nông dân trên toàn quốc, giữ vững thị trường trong nước, từ đó góp phần vào thành công chung của nông nghiệp nước nhà.

Một năm thành công của ngành nông nghiệp

Năm 2023 là năm thành công rực rỡ của nông nghiệp nước ta khi giá và lượng xuất khẩu nhiều loại nông sản như gạo, sầu riêng, cà phê, hạt điều, rau củ quả… đều tăng mạnh. Nổi bật nhất trong đó là ngành lúa gạo. Trong năm qua nông dân trúng mùa, sản lượng lúa đạt 44 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000 ha. Việt Nam đã tận dụng triệt để cơ hội giá gạo xuất khẩu lập đỉnh, nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới, xuất khẩu sản lượng cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn, đưa kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 5 tỷ USD, tăng hơn 36% so với năm 2022.

2-1-.jpg
PVFCCo chiếm 40% thị phần cả nước về sản phẩm phân đạm

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực khác cũng tăng mạnh. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chãi cho nền kinh tế, cho ổn định chính trị - xã hội của đất nước, khi nhiều khu vực khác của nền kinh tế như công nghiệp, dịch vụ gặp vô vàn khó khăn.

Người nông dân vô cùng phấn khởi khi đạt mức thu nhập cao nhất trong nhiều năm trở lại đây nhờ hưởng lợi kép: giá phân bón giảm mạnh so với năm trước, đồng thời giá nông sản xuất khẩu tăng cao.

Dân gian có câu “lúa tốt vì phân”, tất nhiên lúa chỉ là hình ảnh đại diện cho các loại cây trồng. Với mọi loại cây trồng, phân bón là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, quyết định sự phát triển, sức khỏe của cây và năng suất, chất lượng nông sản. Chi phí cho phân bón cũng là chi phí lớn nhất trong trồng trọt.

Nếu như năm 2021 - 2022 giá phân bón tăng đột biến lên mức cao chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch Covid-19, của bất ổn chính trị thế giới, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, thì năm 2023 giá phân bón đã giảm tới 50 - 70%, trở về mức trước đại dịch Covid-19, thậm chí còn thấp hơn. Điều này giúp nông dân tiết giảm đáng kể chi phí chăm bón cây trồng, nhờ đó gia tăng thu nhập của mình.

Trong thành công đó của ngành nông nghiệp có sự đóng góp âm thầm nhưng không nhỏ của các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là ngành phân bón.

20 năm vì nông nghiệp nước nhà

Trái với sắc màu tươi sáng của ngành nông nghiệp, năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành phân bón. Tồn kho cao ngất ngưởng do sức mua của năm 2022 rất yếu vì giá quá cao. Từ đầu năm 2023 giá phân bón liên tục giảm khiến việc tiêu thụ càng khó khăn hơn do cả đại lý và nông dân đều có tâm lý chờ giá giảm nữa mới mua. Tiêu thụ khó khăn, cộng thêm giá giảm tới 50 - 70% khiến doanh thu giảm sâu, kéo theo lợi nhuận giảm tới 90%, thậm chí nhiều doanh nghiệp năm trước đạt lợi nhuận kỷ lục thì năm nay thua lỗ nặng nề.

2-2-.jpg
Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Nếu đơn thuần hoạt động theo cơ chế thị trường thì giải pháp thường thấy trong hoàn cảnh tương tự sẽ là thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng cung ứng ra thị trường để giải phóng hàng tồn kho, giảm lỗ, tạo khan hiếm và đẩy giá lên. Tuy nhiên doanh nghiệp không thể chỉ hoạt động theo cơ chế thị trường mà còn có những sứ mệnh thiêng liêng phải thực hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Lấy ví dụ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - thường được gọi tắt là Đạm Phú Mỹ), đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón hàng đầu Việt Nam, chiếm 40% thị phần cả nước về phân đạm.

Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ cách đây hơn 20 năm là dự án cấp quốc gia, với sứ mệnh mang tính sống còn đối với ngành nông nghiệp - cung cấp phân đạm sản xuất trong nước cho nông dân, giảm sự lệ thuộc vào hàng nhập khẩu, qua đó đẩy nhanh sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và nông nghiệp nói chung, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.

20 năm qua Đạm Phú Mỹ đã kiên trì thực hiện nhiệm vụ chính trị đó trong mọi hoàn cảnh, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu nông sản. Kể cả những lúc vô cùng khó khăn như năm 2023 vừa qua, PVFCCo vẫn đặt nhiệm vụ ưu tiên số 1 là đảm bảo nguồn cung phân bón đủ và kịp thời cho nông dân trên toàn quốc, giữ vững thị trường trong nước, góp phần vào thành công chung của nông nghiệp nước nhà.

Vào tháng 3/2023, PVFCCo kỷ niệm 20 năm thành lập. Tổng kết lại, trong 20 năm đó PVFCCo đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh chính trị của mình khi cung ứng cho ngành nông nghiệp hàng chục triệu tấn phân bón chất lượng cao với giá cả hợp lý, góp phần giữ ổn định thị trường trong nước. Đồng thời nhờ quản trị hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVFCCo đã nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước và mang lại hiệu quả cao cho các nhà đầu tư - một kết quả hiếm thấy trong các dự án đầu tư kể công lẫn tư từ trước tới nay ở Việt Nam.

Trong năm 2023 có một cột mốc đáng nhớ với PVFCCo khi Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho ra tấn Ure thứ 15 triệu. Nếu tính từ thời điểm PVFCCo nhận bàn giao nhà máy ngày 21/9/2004 và theo công suất thiết kế là 740 nghìn tấn/năm thì Nhà máy đã đạt mốc sản lượng 15 triệu tấn sớm hơn 1 năm. Nghĩa là Nhà máy đã liên tục hoạt động ổn định không chỉ bằng mà còn vượt công suất thiết kế trong suốt 20 năm liền.

Về mặt công nghệ - kỹ thuật, đây thực sự là một kỳ tích. Cũng chính vì thế mà vào tháng 8/2023, hãng Haldor Topsoe (Đan Mạch) đã trao chứng nhận “Vận hành xuất sắc”, công nhận Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những nhà máy sử dụng công nghệ của họ hoạt động tốt nhất trên thế giới. Đây không phải lần đầu, mà là lần thứ 3 Nhà máy Đạm Phú Mỹ được trao chứng nhận ý nghĩa này.

Có thể thấy, tấn Ure thứ 15 triệu không chỉ là một cột mốc sản lượng đơn thuần trên con đường phát triển của PVFCCo và Nhà máy Đạm Phú Mỹ, mà chính là sự khẳng định mạnh mẽ về năng lực và nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư, cán bộ nhân viên đã duy trì Nhà máy hoạt động ổn định, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp Việt.

Một năm khó khăn đã qua đi, năm 2024 và các năm tới được dự báo sẽ tiếp tục đầy những bất trắc, khó khăn, thách thức. Đây là điều bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đương đầu, nhất là trong thời đại hiện nay được mô tả bằng thuật ngữ “VUCA” (Volatility - Biến động; Uncertainty - Bất trắc; Complexity - Phức tạp; Ambiguity - Mơ hồ). Khó người khó ta, hoàn cảnh chung càng khó khăn thì càng có điều kiện đối với những ai có bản lĩnh để bứt phá vượt lên phía trước. Để làm được điều này, PVFCCo sẽ tiếp tục không ngừng hoàn thiện và làm mới mình, trong đó chú trọng nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm mới bám sát xu hướng nông nghiệp xanh trên thế giới và các định hướng phát triển tại Việt Nam. Qua đó, PVFCCo vinh dự tiếp tục được đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.

Kông Nguyên