Doanh nghiệp - doanh nhân

Khoa học công nghệ phải đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất

Mai Anh 31/01/2024 - 22:46

Đó là nhận định của Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng tại kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 2020 - 2022 của Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn.

6ccfb953-eb1c-477a-9b8a-e3cd07d1f22a2024013018033220240131093653.jpg
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc, ông Lê Xuân Huyên cho biết, Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2022 diễn ra trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển năng lượng mạnh mẽ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Do đó, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học có vai trò đặc biệt quan trọng với Tập đoàn, giúp tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, góp phần định hướng phát triển cho Tập đoàn.

l128255420240130180351.jpg
Ông Lê Xuân Huyên – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn phát biểu

Trong nhiệm kỳ này, các đơn vị thuộc Tập đoàn đã có 6 giải thưởng trong đó có 3 giải thưởng Hồ Chí Minh và 3 giải thưởng Nhà nước. Ông Lê Xuân Huyên khẳng định, để đạt được những thành tích đó là nhờ sự nỗ lực của các đơn vị cùng với sự hỗ trợ của Hội đồng Khoa học Công nghệ. Bên cạnh đó, các tiểu ban cũng có những tư vấn rõ ràng cho các đề tài nghiên cứu.

l128258820240130180448.jpg
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Tại lễ tổng kết, ông Lê Xuân Huyên đã gửi lời cảm ơn đến hội đồng khoa học các đơn vị đã tạo nên thành công trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời đã khắc phục những khó khăn và nêu cao vai trò của khoa học với sự phát triển của Tập đoàn. Ông Lê Xuân Huyên mong muốn, từ những thành tích đã đạt được, trong nhiệm kỳ mới, mỗi tiểu ban sẽ trở thành mũi nhọn trong vấn đề khoa học nghiên cứu chuyên sâu của mình, có tư vấn thường xuyên để định hướng phát triển, giải quyết khó khăn vướng mắc đối với các dự án và chiến lược của Tập đoàn.

l128256220240130180545.jpg
Ông Lê Hồng Thái - Trưởng Ban Công nghệ An toàn Môi trường phát biểu tại lễ tổng kết

Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng KHCN Tập đoàn, ông Lê Hồng Thái - Trưởng Ban Công nghệ An toàn Môi trường Tập đoàn cho biết, nhiệm kỳ vừa qua Hội đồng và các Tiểu ban luôn chủ động lựa chọn những nội dung, chuyên đề nóng có tính thời sự để trao đổi, thảo luận tại các kỳ họp, các báo cáo, chuyên đề được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều thông tin và có hàm lượng khoa học cao.

Việc trao đổi thảo luận tại các kỳ họp Tiểu ban luôn sôi nổi và có nhiều ý kiến đóng góp. Nội dung các báo cáo tại mỗi kỳ họp đa dạng, đề cập tới tất cả các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, từ công tác quản lý đến các lĩnh vực chuyên môn thăm dò khai thác dầu khí, hóa - chế biến dầu khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí, kinh tế tài chính, an toàn sức khỏe môi trường trong hoạt động dầu khí… nhờ đó đã kịp thời bổ sung thông tin và đưa ra những giải pháp khoa học hữu ích nhằm tư vấn cho lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị.

Theo ông Lê Hồng Thái, trong nhiệm kỳ 2020 – 2022, Hội đồng và các Tiểu ban luôn chủ động trong sinh hoạt chuyên môn, thu xếp tổ chức các kỳ họp vào khoảng thời gian hợp lý/an toàn theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Các Tiểu ban đều tổ chức ít nhất 01 kỳ họp/năm, có 3/4 Tiểu ban đã tổ chức 4 kỳ họp trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số hoạt động của Hội đồng và các Tiểu ban vẫn gặp một số khó khăn.

l128257020240130180640.jpg
Ông Nguyễn Hữu Lương – Chuyên gia cao cấp Viện Dầu khí Việt Nam phát biểu

Trình bày về tiềm năng phát triển hydrogen tại Việt Nam và cơ hội tích hợp hydrogen sạch vào lĩnh vực chế biến dầu khí, ông Nguyễn Hữu Lương – Chuyên gia cao cấp Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, phát triển hydrogen là một trong những xu hướng chuyển dịch năng lượng, góp phần quan trọng đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tại Việt Nam chưa hình thành chuỗi giá trị đầy đủ của hydrogen ở quy mô lớn. Tuy nhiên, Việt Nam có tiềm năng tốt để phát triển hydrogen sạch, đặc biệt là hydrogen xanh, trong các lĩnh vực lọc dầu, phân bón, điện, GTVT, thép & xi măng;….

Ông Nguyễn Hữu Lương nhận định, Petrovietnam hoàn toàn có thể tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để phát triển sản xuất hydrogen xanh; đồng thời xem xét đầu tư mới để đảm bảo nguồn cung hydrogen sạch cho các hoạt động nội bộ hoặc xuất khẩu. Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng cần xem xét phát triển các giải pháp khử carbon khác mà Tập đoàn có lợi thế như ĐGNK, CCUS,… để xanh hóa chuỗi hoạt động của mình.

l128259820240130180810.jpg
Ông Nguyễn Trung Khương – Ban chiến lược Petrovietnam phát biểu

Về xu hướng chuyển dịch năng lượng và định hướng phát triển cho Petrovietnam, ông Nguyễn Trung Khương – Ban chiến lược Petrovietnam cho biết, chuyển dịch năng lượng là yêu cầu, xu hướng tất yếu của kinh tế xanh và phát triển bền vững trên toàn thế giới. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch năng lượng chung đó thông qua việc giảm tỷ trọng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng NLTT. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050 tại COP26.

Trong xu thế chuyển dịch năng lượng, ông Nguyễn Trung Khương đánh giá, Petrovietnam có rất nhiều thế mạnh như: có năng lực kinh nghiệm quản lý, vận hành và hạ tầng năng lượng quy mô lớn, có tiềm lực tài chính, lợi nhuận tích lũy cao từ hoạt động dầu khí. Ngoài ra, Petrovietnam còn có cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh năng lượng sạch mới như: CCUS, Nhiên liệu carbon thấp (hydro, nhiên liệu gốc hydro, NLSH..), ĐGNK, Địa nhiệt, Phân phối nhiên liệu carbon thấp và dịch vụ sạc pin…

l128260020240130181004.jpg
Bà Đỗ Thị Thu Phương – Phó Ban Công nghệ và An toàn môi trường Tập đoàn

Trình bày về thích ứng với biến đổi khí hậu và hành trình hướng đến mục tiêu NetZero của Petrovietnam, bà Đỗ Thị Thu Phương – Phó Ban Công nghệ và An toàn môi trường Tập đoàn cho biết, Tập đoàn đã xây dựng Kế hoạch hành động, giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng chuyển dịch thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng.

Theo đó, Petrovietnam đã thực hiện các giải pháp cắt giảm khí nhà kính từ hoạt động sản xuất kinh doanh: tiết kiệm năng lượng, cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý…

Bà Đỗ Thị Thu Phương cũng đã đề xuất các giải pháp giảm phát thải, chuyển dịch năng lượng cho từng lĩnh vực như: khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, lọc hóa dầu, dịch vụ dầu khí.

a-nh-ma-n-hi-nh-2024-01-30-luc-13194220240130181028.png

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Khoa học Công nghệ, các tiểu ban và cá nhân các nhà khoa học tham gia hoạt động khoa học của Tập đoàn.

Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, lạc hậu công nghệ sẽ khiến Tập đoàn tốn nhiều chi phí, do đó Petrovietnam bắt buộc phải phát triển các sản phẩm mới. Khoa học công nghệ phải đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất, cần có sản phẩm dịch vụ cụ thể theo xu hướng năng lượng mới và Petrovietnam cần đem đến giá trị phù hợp với mô hình kinh doanh mới chính là thời gian và sự tiện dụng. Để làm được điều đó, ban lãnh đạo Tập đoàn cũng như đội ngũ làm khoa học cần xem xét lại mô hình quản trị, con người, hệ thống quy định nội bộ, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học.

Mai Anh