Biến đổi khí hậu

Xây dựng ngành hàng thanh long xanh, bền vững

Khánh Ly 29/01/2024 - 16:43

(TN&MT) - Tại tỉnh Bình Thuận, trong 2 năm qua, đã có khoảng 8.640 lượt ha thanh long, tương đương 23.300 tấn thanh long được theo dõi phát thải các-bon. Thành công trong việc sản xuất và xuất khẩu thanh long có trách nhiệm với môi trường đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ bền vững.

Đây là chia sẻ của ông Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại Hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29/1, tại Hà Nội.

z5116840185375_f48605f05487e08b3c29dabb69273b5b.jpg
Người mua có thể truy xuất nguồn gốc và lượng phát thải các-bon trong quá trình sản xuất từ mã QR dán trên quả thanh long Bình Thuận

Ông Dũng cho biết, giai đoạn 2021-2023, Bình Thuận được Bộ NN& PTNT; UNDP Việt Nam hỗ trợ tham gia Chương trình thí điểm thu hút sự tham gia của các nông dân từ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long.

Sau khi có đánh giá chuyên sâu về chuỗi cung ứng, sử dụng công nghệ giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch ban đầu để phục hồi xanh sau COVID-19, đồng thời, tiếp tục chuyển chuỗi cung ứng thanh long sang các hoạt động với mục tiêu bền vững. Cụ thể, tỉnh đã triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; sản xuất và chế biến được áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc và mã QR để cung cấp thông tin về nguồn gốc, chất lượng và trách nhiệm môi trường của sản phẩm; sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng; tập huấn, đào tạo nông dân chuyển đổi thực hành sản xuất canh tác theo hướng bền vững và phát thải cạc bon thấp.

z5116843501382_af2369943a8e2426cef155920ee27b35.jpg
Các đại biểu tìm hiểu thông tin trên quả thanh long

Qua dự án, đã có trên 80.000 bóng đèn LED 9W tiết kiệm năng lượng được chuyển đổi với 100% hộ thành viên tại các HTX chuyển đổi từ bóng đèn Compact sang sử dụng đèn Led 9w, tiết kiệm được hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng khí thải; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng; đẩy mạnh công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng xanh qua lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ đóng gói sản phẩm và phục vụ tưới.

Đặc biệt, dự án đã giới thiệu một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cung cấp thông tin cập nhật về nguồn gốc và chứng nhận chất lượng sản phẩm, cũng như truy xuất lượng khí thải các bon trên mỗi quả thanh long. Từ 50 ha ban đầu, hệ thống đã được áp dụng cho 269 ha trang trại đạt chứng nhận Global G.A.P, giúp sản phẩm thanh long Bình Thuận đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường quốc tế.

Đại diện Bộ NN&PTNT, ông Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế cho biết, những kết quả, bài học kinh nghiệm từ dự án đã kịp thời cung cấp thông tin để Bộ xem xét, sử dụng trong quá trình tổ chức, chỉ đạo sản xuất và xây dựng quy trình kỹ thuật cho thanh long; đồng thời là cơ sở để có thể xem xét nhân rộng mô hình hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các chuỗi nông sản khác. Quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng thanh long của Bình Thuận cũng là cơ hội để nông dân và cộng đồng được trao quyền để áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam: Nông dân và hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nông nghiệp thích ứng với khí hậu và phát triển kinh doanh xanh. Dựa trên kinh nghiệm ở Bình Thuận, UNDP sẵn sàng hợp tác với Bộ NN&PTNT để đưa ra Đề án quốc gia về chuyển đổi ngành thanh long bền vững và phát thải ít các bon. Kế hoạch này sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất bền vững và phát thải các bon thấp, áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn và tận dụng các cơ chế tài chính bền vững để nhân rộng các mô hình ra cả nước.

z5116989643491_575085e0b9758bdddbf74c727124affc.jpg
Quang cảnh hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, chuyên gia UNDP đã cùng chia sẻ về những hoạt động cụ thể xây dựng chuỗi thanh long xanh BÌnh Thuận trong thời gian qua, cũng như kinh nghiệm thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia đầu tư. Các đại biểu cũng thảo luận về các khó khăn, thách thức của ngành hàng thanh long nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung. Để giải quyết các thách thức, giải pháp trọng tâm chính là chuyển đổi chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng xanh, cac-bon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình chuyển đổi số... Điều này sẽ giúp nông sản Việt vượt qua các rào cản thương mại liên quan đến môi trường, giảm phát thải và đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay.

Khánh Ly