Xã hội

Nâng cao nhận thức tái chế phế liệu nhựa tại Việt Nam

Viết Dũng - Thu Thủy 25/01/2024 - 16:56

Ngày 25/1, tại Hà Nội, Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tổ chức sự kiện Đối thoại chính sách với chủ đề “Phế liệu nhựa nhập khẩu”. Sự kiện được tài trợ bởi Mạng lưới Break Free From Plastics (BFFP) và Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN).

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc nhập khẩu rác thải nhựa. Mặc dù đã có các nỗ lực cố gắng giảm thiểu việc sử dụng nhựa và xử lý rác thải nhựa nội địa, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ và tái chế nhựa vẫn còn lớn và ngày càng tăng cao. Điều này đã dẫn đến việc Việt Nam trở thành một trong những điểm đến chính cho việc nhập khẩu rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển.

Sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu rác thải nhựa đã gây ra nhiều hậu quả xấu, bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nơi chúng được xử lý. Một số lượng lớn rác thải nhựa nhập khẩu thường chứa các thành phần không rõ nguồn gốc và lẫn nhiều tạp chất, điều này làm gia tăng khó khăn trong việc quản lý và xử lý chúng một cách hiệu quả.

z5104458288939_30922cf14db6088c8b512897d650dd12.jpg
Bà Quách Thị Xuân – Trưởng Đại diện tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, bà Quách Thị Xuân – Trưởng Đại diện tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN) cho biết: “Việc tái chế giúp nhựa được lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế nhưng mặt khác thì quá trình tái chế cũng tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc xử lý phế liệu nhựa nhập khẩu có thể dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường do phế liệu nhựa có chứa các hóa chất độc hại, đồng thời tạo ra áp lực lớn đối với quá trình để có thể đảm bảo tái chế và xử lý chúng một cách an toàn và hiệu quả. Thông thường chỉ 60% phế liệu nhựa nhập về có thể được tái chế, 40% còn lại bị thải ra ngoài môi trường, tạo nên các núi rác nhựa khổng lồ quanh làng nghề tái chế.

Tại Tọa đàm, Ban Tổ chức đã công chiếu phim tài liệu “Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu” do đạo diễn - NSƯT Nguyễn Tài Văn thực hiện. Phóng sự đã đưa một bức tranh toàn cảnh về việc nhập khẩu phế liệu nhựa tại Việt Nam, phản ánh một “đường đi” vô cùng nhức nhối đối với rác thải nhựa nhập khẩu. Từ những chuyến nhập khẩu phế liệu ở các nước “đổ” vào Việt Nam và len lỏi vào các công đoạn sản xuất đồ dùng tái chế cho người dân sử dụng, lại đến với những bãi rác, tiếp tục trở thành rác thải nhựa. “Đường đi” này là một vòng tròn khép kín, gây nên bao hậu quả đối với môi trường, sức khoẻ của con người.

Chia sẻ về lý do thực hiện phim tài liệu, Đạo diễn Nguyễn Tài Văn bày tỏ, điều ám ảnh nhất đối với ekip thực hiện chính là số liệu người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Hiện nay, chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư theo GLOBOCAN. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185.

“Đó là những ám ảnh về góc độ khoa học mà tôi may mắn làm việc trong lĩnh vực này nên có điều kiện tìm hiểu sâu sắc, vì vậy mà tôi mong muốn làm nhiều chương trình để tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến những thông điệp, những thông tin khoa học để người dân hiểu được mối nguy hại tiềm ẩn trong môi trường xung quanh họ mà họ không hề hay biết. Chỉ khi nó phát bệnh thì chúng ta mới tìm cách chạy chữa thì đã muộn” – Đạo diễn Nguyễn Tài Văn chia sẻ thêm.

alo.jpg
Tọa đàm “Phế liệu nhựa nhập khẩu”

Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù việc nhập khẩu phế liệu nhựa có thể mang lại lợi ích ngắn hạn về nguyên liệu sản xuất và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng việc này cũng tiềm ẩn những vấn đề lớn về môi trường, sức khỏe và an toàn thực phẩm. Do vậy, chúng ta cần cách tiếp cận thông minh và bền vững hơn trong việc nhập khẩu và tái chế phế liệu nhựa, đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quá trình nhập khẩu này. Hi vọng trong thời gian tớ có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan: Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, sẽ đảm bảo việc nhập khẩu phế liệu nhựa được giảm dần và được thay thế bởi phế liệu nhựa trong nước. Đây sẽ là một bước quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin về vấn đề tái chế phế liệu nhựa, đồng thời khuyến khích hành động bền vững để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Viết Dũng - Thu Thủy