Để thị trường bất động sản phục hồi: Doanh nghiệp cần thay đổi
(TN&MT) - Trong thời gian qua, Trung ương và địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS). Do đó, doanh nghiệp BĐS cũng cần phải chia sẻ khó khăn, tái cấu trúc sản phẩm, giảm giá thành mạnh hơn nữa, tiệm cận với khả năng của người mua... để thúc đẩy thị trường BĐS sớm phục hồi.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo số liệu khảo sát từ các công ty nghiên cứu thị trường, trong quý 4/2023, có khoảng 7.000 sản phẩm lần đầu tiên ra mắt thị trường. Tỷ lệ hấp thụ cải thiện với số lượng giao dịch khoảng 5.700 sản phẩm, tương đương với quý 3/2023, duy trì đà tăng trưởng khá so với 2 quý đầu năm. Càng về cuối năm 2023, nguồn cung được cải thiện về chất và lượng. Trong quý 4/2023, nhiều chương trình mở bán quy mô lớn của các nhà phát triển dự án vốn vắng bóng trên thị trường BĐS trước đó, đã xuất hiện trở lại và thu hút nhà đầu tư.
Khu vực phía Nam, với thị trường trọng điểm TP.HCM và các tỉnh lân cận: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... được đánh giá khởi sắc nhất khi nhiều chủ đầu tư khởi công, tái khởi động dự án, đi theo các công trình giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng. Các giao dịch được ghi nhận cải thiện khá rõ rệt so với các quý trước đó. Trong năm 2023, những diễn biến của thị trường BĐS cho thấy các chính sách tháo gỡ của Trung ương, địa phương đã phát huy tác dụng, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp và đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Đặc biệt, sáng 18/1 vừa qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến của chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua sẽ đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mai Viết Vĩnh - Chủ tịch Mai Việt Land cho rằng, từ cuối năm 2023, nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên thị trường BĐS đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, thị trường bắt đầu tốt lên trong quý 3 và quý 4, đặc biệt là ở phân khúc căn hộ. Vùng đáy của thị trường BĐS rơi vào năm 2023, đến năm 2024, thị trường đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh. Hiện tại, nguồn lực tài chính đã bắt đầu rót vào thị trường BĐS có khởi sắc, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đã được chú trọng nhưng do tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư quá thấp nên chưa thể ổn định trong thời gian ngắn.
Doanh nghiệp phải thay đổi
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, Trung ương và địa phương đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Vì vậy, doanh nghiệp BĐS cũng cần phải chung tay chia sẻ. Đặc biệt, doanh nghiệp BĐS cùng giảm giá thành mạnh hơn nữa, tiệm cận với khả năng của người mua, bởi hơn 1 thập kỷ qua, giá nhà đất đã liên tục tăng cao, bỏ xa thu nhập của người dân. Nếu không, đây sẽ là một thách thức không nhỏ trong năm 2024.
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), các doanh nghiệp BĐS - chủ thể có trách nhiệm trực tiếp cần có ngay hành động cụ thể, thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, không giữ giá cao. Đồng thời, tăng cường chiết khấu, chính sách khuyến mãi, hậu mãi, kích cầu tiêu dùng trên thị trường BĐS để tạo dòng tiền và thanh khoản. Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân, giá vừa túi tiền, phù hợp với thu nhập của người dân, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS hồi phục nhanh, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Kinh tế cho rằng, nhằm vượt qua tình trạng khó khăn chung của thị trường, ngành BĐS và đặc biệt là doanh nghiệp BĐS sẽ buộc phải tái cấu trúc. Sắp tới, doanh nghiệp nào cũng phải dựa trên nguồn vốn tự có và chọn phân khúc họ có thực lực và chỉ cần làm 3 - 4 dự án theo thế mạnh của mình. Nếu doanh nghiệp BĐS lựa chọn phân khúc nào thì cố gắng làm tốt phân khúc đó, từ việc xin cấp phép tới việc chuẩn bị, đầu tư ban đầu phải chuẩn chỉ, đúng quy định của pháp luật, để ngành BĐS từng bước hòa nhập cùng nền kinh tế đang dần ổn định, lành mạnh hơn.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định, trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp BĐS cần thể hiện quyết tâm hơn trong việc cơ cấu lại các phân khúc, chấp nhận giảm giá bán và đa dạng hóa nguồn vốn để giảm bớt rủi ro; huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; đồng thời, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải; tập trung đầu tư hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá bình dân để tăng dần tính thanh khoản.