Biến đổi khí hậu

Quảng Trị thích ứng biến đổi khí hậu: Giảm mức độ dễ bị tổn thương

Thanh Tùng 25/01/2024 - 10:04

(TN&MT) - Ngày 6/9/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 2019/QĐ-UBND về kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được ban hành với mục tiêu giúp Quảng Trị chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH, đóng góp tích cực vào mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.

Khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường

Quảng Trị là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa hai miền Bắc - Nam, có địa hình chiều ngang hẹp, ngắn, dốc, có bờ biển dài 75km, hệ thống sông ngòi khá dày đặc (mật độ trung bình 0,8 - 1,0 km/km2) và khí hậu phức tạp. Với đặc điểm như vậy, Quảng Trị là một trong những tỉnh thường chịu các loại hình thiên tai với tần suất và mức độ lớn so với các địa phương khác của cả nước. Các loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất là bão (trung bình chịu tác động trực tiếp của khoảng 2 cơn/năm),lũ lụt, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét và sạt lún đất đất.

7c.jpg
Bộ đội Biên phòng Quảng Trị ứng cứu người dân trong trận lũ lớn năm 2020

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy, các hiện tượng khí hậu cực đoan diễn ra phức tạp, khó lường, không theo quy luật như trước đây, với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn. Điều đó dẫn đến thiên tai ngày càng mạnh hơn về cường độ và tần suất xuất hiện, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng 23 đợt thiên tai gồm 11 đợt không khí lạnh, 8 đợt nắng nóng, 3 đợt mưa dông lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh, 1 đợt mưa lớn đã làm 2 người chết, 2 người bị thương; ước thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 76,4 tỉ đồng.

Các tác động BĐKH ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống nhân dân. Điển hình như tình trạng nhiệt độ tăng cao, hạn hán khiến một số nguồn nước sông, hồ, nước ngầm cung cấp nước thô cho mụ̣c đích sinh hoạt dẫn đến khan hiếm, trữ lượng suy giảm dẫn đến vào một số tháng trong năm, tình trạng thiếu nước diễn ra ở nhiều nơi như thành phố Đông Hà, thị trấn Hồ Xá, thị trấn Bến Quan. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều trận lũ, lụt và mưa lớn bất thường dẫn đến tình trạng ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp trên địa bàn tỉnh (huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị) và gây sụ̣t lún, sạt lở đất nghiêm trọng tại các khu vực miền núi, ven sông trên địa bàn tỉnh.

Không những vậy, theo số liệu quan trắc xâm nhập mặn, độ mặn có sự biến động lớn theo thời gian trên cả hai hệ thống sông Thạch Hãn và Bến Hải, quá trình xâm nhập mặn có sự tăng dần theo thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 và giảm dần từ cuối tháng 8. Hiện tượng này đã tác động lớn đến quá trình sử dụ̣ng nước phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, đặc biệt, đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước phục vụ nông nghiệp và quá trình nuôi trồng thủy sản khu vực hạ lưu các sông.

Giữ rừng, chú trọng năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh trên, ngày 28/4/2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch hành động số 1870/KH-UBND về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua hơn 3 năm triển khai, công tác ứng phó với BĐKH của tỉnh đã đạt được những kết của quan trọng. Tuy nhiên, tình hình BĐKH, tác động và công tác ứng phó với BĐKH hiện nay trên thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Do đó, Kế hoạch ứng phó BĐKH này cần được cập nhật và ngày 6/9/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 2019/QĐ-UBND về kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể như với vấn đề thích ứng với BĐKH, đến năm 2030 sẽ kiểm soát được tình trạng suy thoái tài nguyên nước, tài nguyên đất; tỷ lệ che phủ của rừng duy trì ở mức 49%; tỷ lệ dân số ở thành thị được sử dụng nước sạch là 99%; tỷ lệ dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 98%. Đối với vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí nhà kính theo kịch bản phát triển thông thường trên địa bàn tỉnh giảm ít nhất là 32% (có điều kiện) so với năm 2022. Đến năm 2050, nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm phát thải để thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của quốc gia.

Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, nhằm chủ động thích ứng BĐKH, UBND tỉnh Quảng Trị xác định cần quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên hiện có, đẩy mạnh trồng mới rừng tập trung theo hướng trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, có luân kỳ khai thác dài. Hàng năm, duy trì tỷ lệ che phủ của rừng xấp xỉ 49%, trồng rừng tập trung 7.000 - 8.000ha; năng suất bình quân rừng trồng đạt từ 23 - 25m3/ha/năm. Đồng thời, quản lý bền vững tài nguyên rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư, khu tái định cư ven biển và đảo Cồn Cỏ trên cơ sở phân vùng rủi ro thiên tai và kịch bản BĐKH. Ưu tiên xây dựng các công trình xanh và phát triển cây xanh đô thị, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, phòng chống ngập lụt do mưa lớn, lũ, cho các đô thị như thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị. Nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông tại các khu vực có rủi ro thiên tại cao và dễ bị tổn thương do BĐKH tại các huyện miền núi Hướng Hóa và Đắkrông; phát triển, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, hệ thống giao thông kết nối liên vùng...

Thanh Tùng