Môi trường

Ứng dụng hệ thống tuần hoàn vật liệu thông minh

Hoàng Ngân 24/01/2024 - 19:54

Ngày 24/1, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Tái tạo môi trường và Tuần hoàn vật liệu, Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức Chương trình “Giới thiệu ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”.

img_9869.jpg
Ông Akira Hiroi – Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết: Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việt Nam đang nỗ lực để đạt mục tiêu này trên cơ sở chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Để từng bước chuyển đổi, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, quy định, liên quan đến mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường tái chế, tái sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Ông Ko Matsuura - Phòng Tài nguyên, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết: Bộ Môi trường Nhật Bản và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về môi trường từ năm 2013 và triển khai nhiều hoạt động liên quan đến quản lý chất thải, đối thoại chính sách về môi trường; cuộc họp uỷ ban hỗn hợp về chất thải và 3R. Kết quả nổi bật của sự hợp tác này là dự án nhà máy biến chất thải thành năng lượng ở Bắc Ninh được khánh thành và đi vào hoạt động trong tháng 1/2024.

“Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực trong quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý chất thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tôi tin rằng với kinh nghiệm, công nghệ, chuyên môn, Nhật Bản sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý chất thải được tốt hơn ở Việt Nam”, ông Ko Matsuura nhấn mạnh.

img_9880.jpg
Ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường

Theo ông Akira Hiroi – Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, chất thải hiện đang là vấn đề quan trọng nhất được cộng đồng quốc tế quan tâm. Hiện lượng chất thải phát sinh của Việt Nam ngày càng tăng trong khi công tác xử lý chất thải chưa phù hợp. Trong bối cảnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, cùng với đó là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT cho thấy Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi từ nền sản xuất tuyến tính sử dụng nhiều tài nguyên sang nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng tài nguyên bền vững.

Tại Chương trình, các chuyên gia đến từ Công ty Nippon Koei, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), Viện Chiến lược, Chính sách, Tài nguyên và Môi trường đã trình bày các tham luận về: Xây dung Chính sách quốc gia về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam dựa trên Luật Bảo vệ môi trường 2020; Xu hướng toàn cầu về kinh tế tuần hoàn và hiệu quả tài nguyên; giới thiệu Hệ thống tuần hoàn vật liệu thông minh và kết quả khảo sát tại Việt Nam.

img_9873.jpg
Quang cảnh chương trình giới thiệu ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Chia sẻ về hệ thống tuần hoàn vật liệu thông minh, đại diện Công ty Nippon Koei cho biết, hệ thống có chức năng truy xuất nguồn gốc chất thải và vật liệu có giá trị từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý; tình trạng sau khi xử lý (thải bỏ/tái chế) và báo cáo về việc quản lý chất thải của từng nhà vận hành. Hệ thống này còn tính toán được phát thải khí nhà kính từ việc xử lý chất thải.

Hệ thống này giúp công ty phát sinh chất thải có thể quản lý dữ liệu liên quan đến phát sinh và tái chế chất thải, dễ dàng phân tích tình trạng tuần hoàn của vật liệu và báo cáo cho đơn vị liên quan. Đối với công ty xử lý chất thải có thể biết được lượng chất thải tiếp nhận, dễ dàng chia sẻ tình trạng xử lý chất thải với khách hàng và báo cáo cho cơ quan chức năng. Trong khu công nghiệp, khi các doanh nghiệp sử dụng hệ thống này có thể biết được tình trạng lưu thông chất thải trong toàn khu công nghiệp (từ tiếp nhận, xử lý đến tái chế). Điều này làm tăng giá trị doanh nghiệp và thu hút các công ty có nhận thức cao về môi trường.

Hoàng Ngân