Trong nước

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh làm việc với tỉnh Điện Biên

Khương Trung 23/01/2024 - 14:28

Sáng 23/1, Đoàn Công tác theo Quyết định số 853/QĐ-TTg của Chính phủ do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Điện Biên.

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Phạm Tân Tuyến, Chánh Văn phòng Bộ; Đặng Ngọc Điệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính; Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai; Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường; Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Khoáng sản Việt Nam; Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước; Nguyễn Tiến Duy, Phó Chánh Văn phòng Ban Cán sự, Thư ký Bộ trưởng.

small_20240123-bo-truong-lam-viec-voi-tinh-dien-bien-1.jpg
Đoàn Công tác theo Quyết định số 853/QĐ-TTg của Chính phủ do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Điện Biên vào sáng 23/1

Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Điện biên có đồng chí: Trần Quốc Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ; Mùa A Sơn, Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ; Lê Thành Đô, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên; cùng các đồng chí lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc, sở, ngành tỉnh Điện Biên.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn đã khái quát chung tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản, các vấn đề xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

small_20240123-bo-truong-lam-viec-voi-tinh-dien-bien-7.jpg
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn đã khái quát chung tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản, các vấn đề xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo đó, trong bối cảnh có nhiều khó, thách thức, thời tiết diễn biến bất thường, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2023 đã có nhiều kết quả, tín hiệu tích cực với 14/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch, một số kết quả nổi bật như:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,1%, đạt cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và đạt khá cao so bình quân chung của cả nước, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Công tác tài nguyên và môi trường cũng có nhiều đóng góp quan trọng, là nền tảng để địa phương đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, toàn tỉnh hiện có 48 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt 14,4 tiêu chí/xã. Lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

small_20240123-bo-truong-lam-viec-voi-tinh-dien-bien-2.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc sáng ngày 23/1

Các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đã hoàn thành dự án Nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đưa vào khai thác trở lại từ ngày 02/12/2023. Đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch,... tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy tăng trưởng khu vực dịch vụ, nổi bật là: tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 28,93%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 26,45%, kim ngạch xuất khẩu tăng 33,76% so với năm 2022. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06 được tập trung thực hiện, đạt kết quả khá. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo và đạt được nhiều kết quả quan trọng; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả, kịp thời; Công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện.

Chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được duy trì, phát huy và mở rộng. Trong năm đã tham gia nhiều hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước, thành lập nhiều đoàn công tác tham gia các hoạt động đối ngoại ở nước ngoài

Bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tỉnh, trong đó có một số nguyên nhân chủ quan như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ tại một số địa phương, đơn vị có lúc, có việc chưa sâu sát, quyết liệt; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị và các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ tham mưu phức tạp còn thiếu tính chủ động; công tác kiểm tra, đôn đốc nắm tiến độ của một số cơ quan, đơn vị địa phương để chủ động xử lý hoặc tham mưu đề xuất xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong trong thực hiện nhiệm vụ chưa thường xuyên, kịp thời,...

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Điện Biên trân trọng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong tổ chức tập huấn phổ biến, quán triệt, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua để đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng quy định.

Hỗ trợ việc tập huấn Luật Tài nguyên nước năm 2023 để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đối với các cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương. Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước cho phù hợp với thực tế và sự thay đổi của các pháp luật khác hiện hành.

Tỉnh Điện Biên cũng kiến nghị hỗ trợ địa phương rà soát các văn bản luật và dưới luật liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, hỗ trợ đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính… để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất cao để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác có hiệu quả hơn tài nguyên.

Trước những kiến nghị của địa phương, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chia sẻ, đóng góp các ý kiến xây dựng về các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, kế hoạch tài chính, môi trường… để Điện Biên có căn cứ bám sát theo các định hướng, chính sách pháp luật của nhà nước, thực hiện các mục tiêu, chương trình mà tỉnh đã đặt ra.

small_20240123-bo-truong-lam-viec-voi-tinh-dien-bien-3.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả mà Điện Biên đạt được, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế đạt 7,1%

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả mà Điện Biên đạt được, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế đạt 7,1%, trong đó GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 42,68 triệu đồng/người/năm, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2022, đạt 93,67% kế hoạch.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, với một tỉnh có đường biên giới giáp hai quốc gia, thì nhiệm vụ quan trọng nhất của Điện Biên là tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia, công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước sinh thuỷ… Là địa phương khu vực miền núi phía Bắc có sân bay, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng Điện Biên tiếp tục đầu tư, nâng cấp để có thể mở được đường bay quốc tế để từ đó đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước, phát triển được du lịch gắn với lịch sử, bản sắc văn hoá địa phương; phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hoá, y tế một cách chắc chắn, bài bản để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Với những kiến nghị của địa phương, trong thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định sẽ hỗ trợ Điện Biên để đạt được những mục tiêu đề ra. Ngoài ra, với các ý kiến vượt thẩm quyền của Bộ, Đoàn công tác sẽ báo cáo Chính phủ giao cho các Bộ, ngành tháo gỡ cho tỉnh.

small_20240123-bo-truong-lam-viec-voi-tinh-dien-bien-5.jpg
Trong thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định sẽ hỗ trợ Điện Biên để đạt được những mục tiêu đề ra.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Điện Biên tập trung xây dựng bảng giá đất để cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) vừa mới được thông qua sẽ giúp cho việc quản lý trong lĩnh vực đất đai được tốt hơn; chủ động rà soát để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân đối với những thửa đất của hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ trước 1/7/2014 không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai…

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, là địa phương có 3 lưu vực sông lớn chảy qua (sông Hồng, sông Mê Công, sông Mã), Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần quan tâm công tác bảo vệ, sử dụng nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước; chú trọng công tác bảo vệ rừng để có thể thu lợi từ bán tín chỉ carbon rừng… Công tác bảo vệ môi trường cũng cần phải chú trọng hơn nữa, gắn với trách nhiệm của địa phương khi Luật BVMT đã phân cấp, phân quyền tới địa phương nhiều hơn.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh quan tâm hơn nữa về nhân lực, cơ sở vật chất cho sở TN&MT Điện Biên để công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường đạt được kết quả cao nhất.

small_20240123-bo-truong-lam-viec-voi-tinh-dien-bien-6.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tiếp thu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô cho biết, Quyết định số 853/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn đã hỗ trợ cho địa phương rất nhiều, trong đó có những kết quả đã được ghi nhận của tỉnh Điện Biên. Từ quyết định này đã có trên 50% kiến nghị của địa phương đã được các bộ, ngành trung ương tháo gỡ, các nội dung còn lại đang được tiếp tục xem xét triển khai.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô mong muốn Bộ TN&MT nói riêng cũng như Chính phủ nói chung tiếp tục hỗ trợ cho Điện Biên trong các công tác quản lý về tài nguyên môi trường cũng như các vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là sớm tổ chức các buổi tập huấn về việc tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật, trong đó có hai luật Đất đai (sửa đổi) và luật Tài nguyên nước (sửa đổi) luật khi ban hành sớm đi vào cuộc sống.

Các đại biểu Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp các ý kiến xây dựng về các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, kế hoạch tài chính, môi trường… để Điện Biên có căn cứ bám sát theo các định hướng, chính sách pháp luật của nhà nước, thực hiện các mục tiêu, chương trình mà tỉnh đã đặt ra.

small_vt-khtc.jpg
small_cvp.jpg
small_ct-khoang-san.jpg
small_ct-cuc-nuoc.jpg
vt-dd.jpg
small_vt-moi-truong.jpg

Khương Trung