Phú Yên: Cần kiểm tra làm rõ điểm khai thác cát lậu cực lớn giữa trung tâm TP. Tuy Hòa
Tổ chức khai thác cát lậu với số lượng cực lớn ngay giữa lòng thành phố Tuy Hòa trong nhiều năm, mỗi ngày hàng chục chuyến xe vận chuyển cát đi tiêu thụ ngang nhiên chạy qua trước trụ sở cơ quan Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên nhưng cơ quan này không hay biết, chính quyền TP. Tuy Hòa thì bất ngờ khi được phóng viên Báo TN&MT cung cấp thông tin.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo TN&MT, nhiều năm qua, tại khu vực phía sau Trung tâm khai thác vận chuyển của Bưu điện tỉnh Phú Yên trên đại lộ Hùng Vương, đoạn qua xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa có một số đối tượng tổ chức khai thác cát đồi trái phép với số lượng cực lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo TN&MT, tại đây các đối tượng bố trí nhiều máy đào, xe ben, xe xúc lật, xe sàng cát để gia công chọn lọc cát đồi chở đi tiêu thụ. Khu vực đầu tiên bị khai thác có diện tích khoảng 6000m2, độ cao trung bình từ 4- 5m, khu vực thứ hai có diện tích 600m2, độ cao trung bình từ 3- 4m. Theo ước tính khối lượng cát được khai thác và vận chuyển ra khỏi khu vực này có thể đã lên đến hàng chục ngàn m3, với số lượng cát lậu được vận chuyển trót lọt ra thị trường, số tiền thu lời bất chính có thể lên đến nhiều tỷ đồng???
Điều đáng nói cách điểm khai thác cát trái phép này chỉ 800 m về phía tây là trụ sở của Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên, được biết Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Yên, có nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Để nắm rõ hơn thông tin về vụ việc này, ngày 10/1/2024 phóng viên Báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa và bà Bùi Thị Mỹ Linh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Tuy Hòa. Sau khi được phóng viên cung cấp thông tin cùng hình ảnh vụ việc, ông Nguyễn Quốc Thắng đã chỉ đạo kiểm tra. Chiều cùng ngày bà Bùi Thị Mỹ Linh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thông tin bãi khai thác cát nằm ngoài khu vực được cấp phép và xin ý kiến ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế môi trường, Tài nguyên môi trường… để kiểm tra ngay, thông tin về việc lập đoàn sẽ hoàn toàn được giữ bí mật để các đối tượng trên không tẩu tán tang vật cùng các phương tiện vi phạm đi nơi khác, đồng thời khi tiến hành kiểm tra đột xuất sẽ làm việc được với các cá nhân trực tiếp khai thác.
Có dấu hiệu bao che bảo kê ???
Từ lúc phóng viên cung cấp thông tin vụ việc trên đến nay đã hơn 10 ngày, phóng viên liên hệ lại bà Bùi Thị Mỹ Linh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Tuy Hòa thì được bà Linh cho biết khu vực này liên quan đến đất đai, khoáng sản nên thành phố đang tiến hành báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến chỉ đạo mới tiến hành thanh tra. Quy trình bắt “cát tặc” của địa phương như vậy có đúng quy định không ???
Khi được phóng viên đặt câu hỏi “Liệu cơ quan quản lý thành phố Tuy Hòa có đủ thẩm quyền để tiến hành kiểm tra xác minh ngay các hành vi phạm tội quả tang hay không, khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì được yêu cầu cơ quan công an tiến hành điều tra làm rõ hay không”? thì bà Linh trả lời chỗ này rất phức tạp nhưng sẽ cho kiểm tra sớm.
Thấy rõ sự lơ là của cơ quan chuyên môn, phóng viên đã liên hệ trực tiếp ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa, khi được đặt câu hỏi về việc “nếu để lộ thông tin các đối tượng vi phạm sẽ tẩu tán phương tiện, tang vật đi khỏi hiện trường thì sao”; thì ông Thắng trả lời “chủ yếu để nó khắc phục gọn gọn là được chứ banh ra là mệt…?” và việc phóng viên phản ánh số lượng cát bị khai thác nhiều như vậy thì ông chưa nắm được cụ thể vì mới về phụ trách.
Liệu việc kiểm tra “cát tặc” có cần phải xin ý kiến rườm rà như vậy hay không? Chức năng nhiệm vụ của cơ quan trực tiếp quản lý khoáng sản thành phố Tuy Hòa là gì? Chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Tuy Hòa có được thực hiện nghiêm túc hay không? Tại sao kéo dài việc kiểm tra khu vực trên và việc thông tin thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất đã không còn được giữ bí mật nữa thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đối với các phương tiện, tang vật vi phạm trên.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Rất mong UBND tỉnh Phú Yên cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Theo nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, tại điểm b, khoản 5, điều 37 quy định rõ : phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có vi phạm.
Ngoài ra, Điều 227, Điều 238 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ :
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
+ Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Có tổ chức;
...