Môi trường

Đắk Lắk: Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán 2024

Phạm Hoài 19/01/2024 - 20:10

(TN&MT) - Thông thường vào giai đoạn giáp Tết tình trạng phá rừng để lấn chiếm đất và lấy lâm sản thường diễn ra khá phức tạp ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Trước thức trạng đó, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), phát triển rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh.

333.jpg
Đắk Lắk chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, doanh nghiệp và người dân địa phương về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và phát triển rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tập trung tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, vùng giáp ranh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp các chủ rừng, các cơ sở chế biến, mộc dân dụng, các lò than, các tụ điểm mua bán lâm sản, động vật hoang dã, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố... tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình/dự án cấp thiết, trọng điểm, các công trình/dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; kiên quyết đình chỉ đối với các dự án có sai phạm; đồng thời, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.

UBND các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 102 Luật Lâm nghiệp; thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị và chính quyền cấp xã thực hiện các giải pháp quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR nhằm tăng cường kỷ cương trong việc thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu ngành NN&PTNT tỉnh và các ngành có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện những nội dung phối hợp theo các văn bản của Chính phủ và UBND tỉnh; chuẩn bị các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR, không để xảy ra cháy lớn; thường xuyên kiểm tra, điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Còn đối với các đơn vị chủ rừng thì củng cố, tăng cường lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và bảo đảm các điều kiện để hoạt động có hiệu quả; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra bảo vệ diện tích rừng, đất rừng hiện có, đặc biệt là những điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như “trồng lại rừng”, “khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng” để phục hồi lại rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Phạm Hoài