Môi trường

Điện Biên: Hiệu quả trong xử lý rác thải sinh hoạt

Trần Hương 18/01/2024 - 07:50

(TN&MT) - Xử lý rác thải sinh hoạt luôn là bài toán khó, nếu không thực hiện tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân. Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

Hơn 389 tấn là tổng khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên mỗi ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh trên 85 tấn, khu vực nông thôn phát sinh khoảng 304 tấn. Nguồn phát sinh rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu dân cư; các cơ quan, trường học; khu du lịch, khu thương mại, khách sạn, cơ sở lưu trú; cơ sở y tế; khu vực công cộng như chợ, công viên, bến xe,...

6a.jpg
Khu xử lý rác thải huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Ông Cao Minh Chính - Phó phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và chất thải rắn sinh hoạt đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, tỉnh Điện Biên chưa có phương án tái chế, tái sử dụng các nguồn phế liệu từ rác thải sinh hoạt và dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất thải rắn song thực tế, tỉnh vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn trong công tác này.

Hiện nay, toàn tỉnh có 9 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động. Trong đó 4 cơ sở xử lý rác thải bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp tại huyện Điện Biên, thị xã Mường Lay, huyện Mường Chà và huyện Mường Ảng; 5 cơ sở xử lý theo hình thức bãi chôn lấp, trong đó có 3 cơ sở chôn lấp rác hợp vệ sinh đáp ứng các quy định (thị trấn Điện Biên Đông, thị trấn Tuần Giáo, huyện Mường Nhé). Riêng Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên xử lý 80 - 100 tấn rác thải sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và rác thu gom của huyện Điện Biên. Toàn bộ rác thải khi đưa về được xử lý triệt để tại nhà máy.

Ông Nguyễn Ngọc Đức - Quản đốc Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên, cho biết: Do chủ động được công nghệ xử lý nên Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên đảm bảo việc xử lý rác thải đạt yêu cầu chất lượng. Hàng quý có tư vấn quan trắc môi trường độc lập theo dõi và báo cáo định kỳ. Để đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình xử lý rác thải, nhà máy đã đầu tư nhiều trang thiết bị với công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đặc biệt những năm gần đây, nhà máy đã đầu tư hệ thống lọc bụi túi vải Bag House. Qua quá trình xử lý bụi bằng hoá chất khử độc và hệ thống túi lọc bụi bằng vải PTFE, lượng khí thải ra môi trường đạt chất lượng cao.

Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, kèm theo đó lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng nhiều, phức tạp cả về chủng loại và số lượng, trong khi việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt công tác lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do liên quan đến nguồn vốn đầu tư, cũng như hiệu quả xử lý còn gặp nhiều khó khăn... Để công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, Điện Biên đã đưa ra nhiều giải pháp.

Ông Chính cho biết, việc đầu tiên là phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải; hạn chế sử dụng túi ni lông và chai nhựa. Đồng thời, cần nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình, tái chế rác thải tại nguồn, vệ sinh khu dân cư. Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Quy định này sẽ góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh; nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị; kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức cho cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đổi mới đến các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, có hành động thiết thực bảo vệ môi trường. Đây là một trong những biện pháp mang tính lâu dài, xây dựng trên nền tảng nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, tổ chức, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.

Cùng với đó, bộ phận chuyên môn nêu cao tinh thần trách nhiệm bằng giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của địa phương. Nhất là khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng phải xem xét đến tất cả các yếu tố tác động đến môi trường. Khuyến khích các chương trình, dự án thân thiện với môi trường bằng giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến. Kiên quyết không đưa vào vận hành, khai thác các công trình chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường, nhất là đối với các dự án thu gom xử lý chất thải trong sinh hoạt.

Song song với đó, tỉnh Điện Biên còn đẩy mạnh công tác quy hoạch bãi rác, đặc biệt là việc xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, chú trọng cải tạo xử lý các bãi chôn lấp rác thải thành phố Điện Biên Phủ và các cơ sở xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Những việc làm thiết thực như trên đã góp phần nâng chỉ tiêu môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trần Hương