Biển đảo

Yêu biển theo cách của ngành kỹ thuật - Bài 4: Niềm vui trên biển Côn Đảo

Nguyễn Mạnh Thắng - Báo Quân đội nhân dân - số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội 18/01/2024 - 07:48

(TN&MT) - Cuối năm 2022, Đại tá, TS Trần Hữu Lý và hai cộng sự nhận niềm vui lớn. Sản phẩm khoa học Khoan xoay hạ cọc ứng dụng làm trụ tiêu dẫn luồng hàng hải phục vụ cho tàu vào âu tàu ở đảo ngoài khơi do anh chủ trì đã được Hội chợ sáng tạo khoa học kỹ thuật Triển lãm quốc tế về khoa học và công nghệ năm 2022 (SIIF2022), tổ chức tại Hàn Quốc, trao tặng giải Special prize (giải Đặc biệt). Nhưng mãi sau này anh Lý mới thông báo với tôi kết quả đó. Anh nói, làm ra sản phẩm khoa học hữu ích để đi thi, để được giải không phải là mong muốn và đích đến của anh.

Đến đầu tháng 10/2023, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của Đại tá, TS Trần Hữu Lý. Trên điện thoại anh nói như reo: "Thành công mỹ mãn rồi!". Anh ngỏ ý mời tôi đi tham quan nghiệm thu công trình mà tổ hợp thiết bị đã thi công thử nghiệm ngoài Côn Đảo. Tại đây, tôi đã tận mắt thấy kết quả tuyệt vời mà anh Lý và cộng sự đã dày công nghiên cứu, chế thử trong nhiều năm.

screenshot_1705455722.png

Trước khi lên đường, để rõ hơn cơ cấu của nó, Đại tá, TS Trần Hữu Lý cho tôi xem bản vẽ thiết kế của tổ hợp thiết bị. Quả thực, nó rất đơn giản, chỉ có một phao nổi với hai chân vịt đẩy có thể di chuyển trên mặt nước. Trên phao nổi này, các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự tích hợp các thiết bị, gồm: Đầu cắt hút san hô bố trí trên một đầu phao nổi. Hai đầu khoan hạ cọc bố trí trên một đầu phao nổi còn lại. Ở giữa phao nổi bố trí cần cẩu thủy lực ống lồng 15T. Để phao nổi có khả năng đứng vững trên biển khi thi công, các nhà khoa học của Viện đã thiết kế cho nó các “chân voi”, giống như các chân cần cẩu để bảo đảm cân bằng trong thi công.

Bí quyết công nghệ của tổ hợp thiết bị này chính là đầu cắt hút san hô bố trí ở đầu phao nổi. Thực tế, sau nhiều lần nghiên cứu, chế thử và "nếm" không ít thất bại, cuối cùng anh Lý và các cộng sự đã sử dụng công nghệ xén cắt nền đá san hô kết hợp với công nghệ hút thổi. Anh Lý giải thích, nó là một chiếc máy xúc thủy lực công suất lớn được cắt đi các tính năng mà thay vào đó là một chiếc bánh sắt có đường kính đến 1m. Trên mặt cong của bánh sắt bố trí các răng xếp so le giống như các mũi khoan đá, mỗi cái có đường kính khoảng 3cm và dài 7 - 10cm. Các răng này được làm bằng vật liệu đặc biệt để khi tì vào nền san hô thì có thể cắt chúng. Đồng thời, tại đầu vòi có hệ thống bơm hút công suất lớn có thể bơm các loại san hô vụn để đẩy vào đường ống cao su đường kích tới 50cm. Các ống cao su này được các phao nhựa nâng đỡ có thể gần như nổi trên mặt nước. Cát san hô sau khi xét thổi được đường ống vận chuyển đến nơi mong muốn. Theo tính toán của các nhà khoa học Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự, tổ hợp thiết bị này có thể hoạt động trong điều kiện cấp sóng biển đến cấp 3. Nó có thể cắt hút san hô ở độ sâu từ 0,5m - 10m so với cốt 0 hải đồ. Năng suất mở luồng san hô 150m3/h, cự ly bơm đẩy được 150m. Nó có thể thi công hạ cọc ống thép đường kính 600mm và hạ được cọc với chiều sâu 15m. Ngoài những thiết bị này còn có hệ thống chân chống thủy lực để tổ hợp ổn định khi thi công cùng hệ thống quan sát và liên lạc trên phao nổi giám sát các chức năng khi thi công; hệ thống chân vịt di chuyển và các thiết bị phụ đi kèm.

Tại hiện trường, tôi đã chứng kiến công năng tuyệt vời trong việc nạo vét âu tàu bằng thiết bị mở luồng, khoan hạ cọc mà Đại tá, TS Trần Hữu Lý và cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo. Khi máy hoạt động, chiếc “lưỡi xén” khổng lồ hình trụ quay tít. Nó được thợ vận hành dìm xuống nước, tì vào nền san hô. Rồi máy bơm công suất lớn hút và đẩy cát, san hô vụn lên bờ qua hệ thống ống bằng vật liệu đặc biệt nằm trên các phao nổi màu cam. Cát, san hô vụn được đẩy lên bờ tạo ra một mặt phẳng nghiêng màu vàng nhạt mịn màng. Ở ngay chỗ phao nổi neo đậu thi công, những đàn cá biển vẫn tung tăng bơi lội như không hề có gì xảy ra. Đại tá, TS Trần Hữu Lý giải thích với tôi rằng, người điều khiển chiếc máy làm việc rất nhàn nhờ có hệ thống camera được lắp đặt tại đầu ống hút và phía máy xén. Những hình ảnh này được truyền về màn hình lắp đặt trong cabin. Căn cứ vào đó, thợ vận hành có thể thấy được các hình ảnh đầu vào và đầu ra để điều chỉnh độ nông sâu của lưỡi xén.

Trung tá Lê Tiến Kim - Hải Đội trưởng Hải đội 33, Vùng Cảnh sát biển 3 kể, dự án xây dựng cảng của Hải đội được triển khai vài năm và cầu cảng đã được xây xong, nhưng đơn vị thi công không hoàn thành tiến độ nạo vét âu tàu vì gặp phải địa chất phức tạp. Các phương pháp được áp dụng có cả nổ mìn và dùng những loại tổ hợp nạo vét hiện đại nhưng không hiệu quả. Lý do có nhiều nhưng tựu chung lại, vùng biển Côn Đảo là nơi có khu vực bảo tồn hệ sinh thái biển, có hệ thống rạn san hô lớn và các tổ hợp thiết bị hiện đại không thể thi công trong phạm vi chật hẹp, mực nước thấp. Việc này khiến cho các tàu của Hải đội 33 phải neo ở ngoài âu, rất tốn kém, không thuận lợi cho công tác bảo dưỡng, tác nghiệp.

14.jpg

Trung tá Lê Tiến Kim chia sẻ thêm, từ tháng 10/2022, sau khi Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự đưa thiết bị mở luồng, khoan hạ cọc vào thi công thì mọi vấn đề đã được giải quyết triệt để. Từ tháng 3/2023, các tàu của Hải đội 33 đã vào neo đậu trong âu, sát cầu cảng rất thuận lợi. Đến nay, việc nạo vét đã hoàn thành. Qua kiểm tra và đo đạc cho thấy, đáy âu tàu rất phẳng và không có những vật cản làm ảnh hưởng đến sự di chuyển của tàu thuyền.

Một điều tuyệt vời khác mà anh Lý và cộng sự làm được đó là những tảng đá san hô nặng từ vài tạ cho đến vài tấn do tổ hợp thiết bị mở luồng không nổ cắt xén rất ngọt, không làm dập nát bề mặt san hô. Những tảng đá này sẽ được thu gom, vận chuyển đến vùng biển phù hợp để san hô phát triển và tái tạo hệ sinh thái mới. Những kết quả ấy khiến Đại tá, TS Trần Hữu Lý hết sức hài lòng.

Nằm bên bờ Biển Đông, Việt Nam có vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng một triệu km2 (lớn gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền), mở ra trên cả ba hướng: Đông, Nam và Tây - Nam, với chiều dài bờ biển trên 3.260km. Trên vùng biển của đất nước có 48 vũng, vịnh, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và có khoảng 3.000 đảo lớn, nhỏ (riêng hệ thống đảo ven bờ có 2.773 đảo). Theo các nhà nghiên cứu, các đảo ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đều có nhiều rạn san hô và hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Nếu mất những hệ sinh thái này do nhu cầu phát triển kinh tế thì nguồn hải sản cũng khó mà giữ được. Chính vì thế, việc nghiên cứu thành công tổ hợp thiết bị mở luồng không nổ, khoan xoay hạ cọc ứng dụng làm trụ tiêu dẫn luồng hàng hải phục vụ cho tàu vào âu tàu ở đảo ngoài khơi rất có ý nghĩa. Nó không chỉ khẳng định trình độ của các nhà khoa học quân đội mà còn có ý nghĩa rất lớn trong ứng dụng xây dựng quốc phòng, phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng trên biển, góp phần nào giải quyết bài toán cơ bản nhất mà lâu nay chúng ta chưa làm được, đó là giảm chi phí đầu tư và bảo tồn, giữ vững được môi trường, hệ sinh thái biển phục vụ cho các mục tiêu lâu dài.

Yêu Tổ quốc, yêu đất nước, yêu biển, vươn ra biển và làm giàu từ biển từ lâu đã tồn tại qua mỗi thế hệ người Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, tinh thần ấy càng phải biến thành các sản phẩm cụ thể. Cách yêu Tổ quốc, yêu đất nước, yêu biển và bảo vệ biển của các nhà khoa học mặc áo lính thuộc Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự là cách yêu rất riêng. Sản phẩm của họ tưởng trừng khô khan nhưng lại có ý nghĩa lớn lao và truyền thêm cảm hứng cho thế hệ sau.

Nguyễn Mạnh Thắng - Báo Quân đội nhân dân - số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội