Biến đổi khí hậu

Mạnh tay ứng phó với hạn hán

Mai Đan - Tổng hợp từ New York Times 18/01/2024 - 07:47

(TN&MT) - Theo ước tính của Liên hợp quốc, 1,84 tỷ người trên toàn thế giới - tương đương gần 1/4 nhân loại, đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong khoảng thời gian từ năm 2022 - 2023, đa số ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và người nghèo

Tình trạng thời tiết khô nóng bất thường hiện nay đang tồi tệ hơn do việc đốt nhiên liệu hóa thạch - một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.

16a.jpg
Lòng sông Belan ở Ấn Độ khô cạn vào mùa xuân năm 2023

Trong khi đó, nhiều đợt hạn hán trên thế giới xảy ra vào thời điểm nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục và lạm phát giá lương thực gia tăng trong bối cảnh xung đột Ukraine diễn ra - liên quan đến các nước sản xuất lúa mì lớn của thế giới, đã khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nghèo.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, năm 2023, giá gạo trên thế giới đã tăng đến mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Điều này gợi nhớ đến đợt El Nino 2014 - 2016, khi Đông Nam Á chứng kiến sản lượng lúa gạo sụt giảm mạnh, đẩy hàng triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực. Tuy vậy, điều khác biệt là lần này, mức độ đói có thể sẽ tăng kỷ lục, sau những tác động kết hợp từ cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19, cùng với các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza. Liên hợp quốc ước tính, số người phải đối mặt với nạn đói có thể vào khoảng 258 triệu người - con số kỷ lục, trong đó, nạn đói đang đe dọa cướp đi sinh mạng của một số người.

Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói dự báo, hiện tượng El Nino đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng tại ít nhất 1/4 diện tích đất nông nghiệp trên thế giới, trong đó năng suất lúa ở Đông Nam Á có thể chịu tác động mạnh.

Trước đó, El Nino cũng là tin xấu đối với việc trồng ngô, nhất là ở hai khu vực Nam Phi và Trung Mỹ. Đây thực sự là điều tồi tệ đối với những nông dân sống ở các khu vực này.

Nhiều nước "mạnh tay" ứng phó với hạn hán

Lúa gạo rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và các chính phủ cũng rất dễ bị tổn thương trước những biến động của giá gạo. Điều này giải thích tại sao gần đây, Indonesia đã chuyển sang tăng cường nhập khẩu gạo. Đó cũng là lý do tại sao Chính phủ Ấn Độ quyết định áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo của nước này.

Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã tác động đến nhiều nơi khác. Trong đó, Senegal và Nigeria - 2 quốc gia phụ thuộc vào gạo của Ấn Độ, đã rơi vào tình cảnh giá gạo tăng vọt.

Tại Trung Mỹ, hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến lương thực. Theo một nghiên cứu gần đây, tại khu vực nơi mà bạo lực và bất ổn kinh tế khiến hàng triệu người cố gắng di cư đến Mỹ, hạn hán có thể gây áp lực lớn đến quy mô của vấn đề này. Nghiên cứu cho thấy, những năm khô hạn bất thường có liên quan đến sự gia tăng mức độ di cư từ Trung Mỹ đến Mỹ.

Dọc theo Kênh đào Panama, tình trạng khô hạn đã buộc tập đoàn vận tải biển Moller-Maersk vừa tuyên bố phải bỏ qua hoàn toàn tuyến vận tải này và sử dụng tàu hỏa thay vào đó. Trong khi đó, hạn hán ở khu vực Amazon (Brazil) đã khiến nước uống khan hiếm và cản trở tuyến giao thông quan trọng trên sông vì mực nước quá thấp.

Trước thực tế trên, Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia cùng nhau hợp tác và hành động để giảm thiểu những tác động của hạn hán đối với người dân, nhất là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Mai Đan - Tổng hợp từ New York Times