Tiếng dân

Lý do khiến rác thải bị tồn đọng ở một số huyện ngoại thành Hà Nội

Phạm Văn 17/01/2024 - 15:44

(TN&MT) - Tại một số khu vực nông thôn ở các huyện ngoại thành Hà Nội, vấn đề tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý dứt điểm, gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả giám sát về nội dung này để trả lời cử tri.

Thời gian vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải bài viết Cận cảnh bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nội dung bài báo phản ánh thông tin tại khu đất quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề xã Hữu Bằng (sát với tuyến đường nội đồng nối 2 xã Hữu Bằng và Dị Nậu, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) xuất hiện bãi rác tự phát rất lớn. Bãi rác tập kết đủ loại rác thải từ rác thải sinh hoạt tới rác thải công nghiệp như: mút, bông, xốp, mùn cưa, phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt … Ruồi nhặng, những dòng nước rỉ rác với đủ loại hóa chất độc hại ngày đêm đang thấm vào những thửa ruộng liền kề.

Đáng nói ở chỗ, tình trạng ùn ứ rác thải còn xuất hiện ở nhiều địa phương thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội chứ không phải là câu chuyện riêng của xã Hữu Bằng. Ông Nguyễn Quang Tùng, Phó giám đốc chi nhánh Hợp tác xã môi trường Thành Công cho biết, do bãi rác Xuân Sơn đóng cửa từ đầu năm 2023 nên đơn vị buộc phải vận chuyển rác lên bãi rác Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn. Quãng đường vận chuyển xa gấp 3 nên khối lượng vận chuyển bị giảm xuống. Nếu trước đây một ngày đơn vị vận chuyển rác ở huyện Thạch Thất chừng 60 tấn thì hiện nay chỉ vận chuyển được chừng 40-50 tấn. Như vậy trung bình một ngày huyện Thạch Thất bị ùn ứ lại chừng 15 tấn rác.

rac-thai-1.jpg
Bãi rác tự phát ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) hiện nay

Tại Báo cáo số 108/BC-BĐT về kết quả giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của HĐND TP Hà Nội, vấn đề này cũng được thẳng thắn thừa nhận và nhiều nguyên nhân cũng được phân tích, làm rõ. Theo đó, khối lượng rác thải được thu gom, vận chuyển và xử lý trên địa bàn thành phố khoảng 6.500 – 7000 tấn/ngày đêm và được tiếp nhận, xử lý tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).

Tuy nhiên do Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn từ 07/2/2023 người dân ngăn cản xe vận chuyển rác vào khu xử lý nên Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đang phải tiếp nhận rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính 6500 – 7000 tấn/ngày, trong đó phân luồng vào Nhà máy điện rác Sóc Sơn khoảng 3000 tấn/ngày, chôn lấp hợp vệ sinh 4000 tấn/ngày; tiếp nhận tại Nhà máy xử lý chất thải của HTX Thành Công khoảng 100 tấn/ngày.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông báo và thực hiện phân luồng khối lượng rác thải trên địa bàn các huyện về xử lý tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo tăng cường vận chuyển toàn bộ lượng rác phát sinh và tồn đọng nhưng do một số đơn vị duy trì vệ sinh môi trường chỉ đủ năng lực vận chuyển rác trong ngày với cự ly và khối lượng đã xác định nên đã phát sinh tồn đọng rác trên địa bàn một số huyện và phát sinh chi phí ngoài hợp đồng với các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường khiến họ đang phải ứng kinh phí thực hiện.

Cũng theo báo cáo trên, theo quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014 thì thành phố có 17 khu xử lý chất thải, trong đó có 08 khu hiện có nâng cấp, mở rộng và 09 khu đầu tư mới; công nghệ xử lý áp dụng công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công nghệ tái chế, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh … đến nay đã có nhiều bất cập cả về số lượng, quy mô diện tích, công nghệ áp dụng.

rac-thai-2.jpg
Rác thải tồn đọng ở một số huyện ngoại thành Hà Nội cần được xử lý triệt để

Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tại các vùng quy hoạch trên địa bàn thành phố thời gian qua chậm, kéo dài, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Quá trình đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp, xây mới các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại vùng I (Sóc Sơn) và vùng III (Xuân Sơn) là chưa hợp lý theo phân luồng tại Quyết định 609/QĐ-TTg nêu trên. Trong khi đó, vùng II phía Nam và Đông Nam chưa có khu xử lý, nhà máy nào đi vào hoạt động, hiện phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp.

Ngoài ra, tại Quyết định 609/QĐ-TTg chưa có quy hoạch hạ tầng cho điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển. Việc phải phân luồng tiếp nhận, xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt vào hai khu xử lý tập trung là Nam Sơn và Xuân Sơn đã gây quá tải về khối lượng, gây lãng phí do cự ly vận chuyển xa và ảnh hưởng đến môi trường khu xử lý do phải tiếp nhận, xử lý chôn lấp khối lượng rác lớn vượt công suất.

Để xảy ra những việc nêu trên, HĐND TP Hà Nội cho rằng trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội cùng các sở, ngành và các đơn vị có liên quan. Một trong những nguyên nhân cụ thể được chỉ ra là UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết các vướng mắc về chính sách giải phóng mặt bằng chưa dứt điểm, còn nhiều nội dung chưa được giải quyết dẫn tới kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, phát sinh các chi phí, ảnh hưởng chung đến việc thực hiện các dự án có liên quan tới Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, các dự án nhà máy điện rác trên địa bàn thành phố.

Phạm Văn