Yên Bái: Mô hình kinh tế tuần hoàn đã mang lại hiệu quả
(TN&MT) – Những năm gần đây, tại tỉnh Yên Bái nhiều cơ sở sản xuất, nhiều hộ gia đình đã phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, với mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Nếu mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải, rác thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tận dụng phế liệu, tránh phát sinh chất thải.
Trung bình mỗi ngày, Công ty TNHH chế biến Thủy sản sạch Hải Hà tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái) chế biến hàng chục tấn cá để tạo thành các sản phẩm giò, chả, ruốc và xúc xích. Chính vì vậy, lượng phụ phẩm thừa như đầu, da và xương cá là rất lớn. Nếu không có cách xử lý sẽ gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên, tận dụng nguồn phế phẩm này, Công ty đã đầu tư máy móc, sử dụng các phụ gia để tạo thành thức ăn chăn nuôi. Nhờ cách làm này không những giúp công ty giải được bài toán về môi trường mà còn tiết kiệm được nguồn chi phí tương đối lớn trong việc mua thức ăn cho cá, tạo ra chuỗi sản phẩm khép kín.
Bà Vũ Thị Thu Phương - Quản lý sản xuất Công ty TNHH chế biến thủy sản sạch Hải Hà cho biết: Đơn vị chúng tôi rất trăn trở nếu bỏ các phụ phẩm thừa sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Chính vì vậy, đơn vị đã đầu tư máy móc đưa vào tái sử dụng sản xuất cám viên (thức ăn cho cá). Từ đó, đơn vị đã giảm được rất nhiều chi phí, mỗi 1kg cám tiết kiệm được 5.000 đồng mà môi trường lại không bị ảnh hưởng.
Cũng nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn mà nhiều hộ gia đình tại huyện Yên Bình đã tận dụng được lượng chất thải trong chăn nuôi giảm được chi phí trong sản xuất, hạn chế chất thải ra môi trường.
Điển hình như gia đình ông Đào Văn Lợi - Thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình mỗi tháng gia đình ông dùng chưa hết 200.000 đồng tiền điện và không tốn một đồng nào cho việc sử dụng chất đốt. Hàng chục năm nay, gia đình ông Lợi vẫn được hưởng lợi từ việc xây dựng bể Bioga xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn. Chưa kể một phần chất thải đó đã được ông tận dụng trộn với trấu và vôi bột, tạo thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí vừa giúp vườn cây ăn quả tránh được sâu bệnh.
“Từ ngày gia đình xây dựng bể Bioga xử lý chất thải gia đình tôi tiết kiệm được một khoản tiền mua chất đốt mà đun nấu lại rất thoải mái. Nhờ đó, môi trường được bảo vệ, cây trồng thường xuyên có phân bón. Tôi cảm thấy môi hình này rất hiệu quả”, ông Đào Văn Lợi chia sẻ.
Cũng giống gia đình ông Lợi, gia đình chị Ngô Thị Dung - Thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình chăn nuôi với quy mô 2.000 con gà/lứa. Thế nhưng ngoài việc bán gà thịt và trứng, chị Dung còn có thêm nguồn thu khoảng 15-20 triệu đồng mỗi năm từ việc bán phân gà cho các hộ trồng rau và các vườn trồng hoa, cây cảnh. Đối với chị việc tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi không chỉ giúp người nông dân có thêm thu nhập mà còn giải được bài toán về môi trường.
Theo số liệu từ các chuyên gia trung bình mỗi ngày các loại vật nuôi như gia cầm thải 0,2kg/con; trâu, bò thải 15kg/con và lợn thải 1,5kg/con. Mỗi năm, các hoạt động chăn nuôi ở tỉnh Yên Bái lượng chất thải lên đến hàng triệu tấn. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải, rác thải vẫn là vấn đề đặt ra đối với các nông hộ, trang trại chăn nuôi.
Anh Nguyễn Đức Hiệp - Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện Yên Bình cho biết: Để xử lý chất thải, rác thải trong chăn nuôi, trung tâm cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con nhân dân cách thu gom rác thải, chế phẩm, phụ phẩm trong chăn nuôi, tích cực tuyên truyền bà con dùng phân bón cho cây trồng, hạn chế rác thải ra môi trường xung quanh, vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm được chi phí trong sản xuất.
Có thể thấy, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn đã xử lý rác thải nói chung và rác thải trong chăn nuôi nói riêng theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường. Đây là việc làm cần thiết cho kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái. Với kinh tế tuần hoàn, chúng ta hoàn toàn có thể giải bài toán xử lý rác thải nếu mỗi người chung sức, đồng lòng thay đổi hành động ngay từ hôm nay.