Bất động sản

Hà Nội: Nhức nhối “biến hóa” đất công thành nhà cao tầng trên đường Lê Văn Lương

Thùy Linh 15/01/2024 - 11:05

(TN&MT) - Dọc tuyến đường Lê Văn Lương đoạn từ ngã tư Hoàng Đạo Thúy – Lê Văn Lương đến ngã tư Nguyễn Tuân – Lê Văn Lương có chiều dài 700m, nhưng hai bên đường có đến gần chục tòa nhà cao 27-35 tầng.

Điều đáng nói, các ô đất này đều là đất công cộng, mục đích ban đầu là xây nhà ở cho thuê và bãi đỗ xe, nhà trẻ... Nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, các ô đất này là đã bị biến thành nhà cao tầng, tòa nhà nào cũng vượt mật độ, tăng quy mô dân số lên cả nghìn người.

Tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) lâu nay mang danh “con đường đau khổ” khi toàn tuyến chỉ dài 2 km nhưng phải "cõng" 30 dự án chung cư cao tầng. Nhiều diện tích đất công cộng, đất cho thuê, đã được TP Hà Nội cho chuyển đổi mục đích và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho điều chỉnh sai quy định pháp luật 3-4 lần. Từ bức xúc của dư luận, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thanh tra và ban hành kết luận số 39 trong đó đề nghị TP Hà Nội, các Sở ngành liên quan, và các chủ đầu tư buộc phải khắc phục sai phạm được chỉ ra. Tuy nhiên, thực tế quá trình khắc phục sai phạm chưa xong nhưng nhiều dự án vẫn đang tiếp tục triển khai thi công, tổ chức bán hàng như không có chuyện gì xảy ra?

Dự án Center Point: Đất công cộng bị biến thành nhà ở cao tầng

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, ngày 21/5/2004, UBND TP.Hà Nội có quyết định lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu ô đất 3.7-CC có địa chỉ là 27 Lê Văn Lương là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng là 26,8%, cao 15 - 17 - 21 tầng.

Đến tháng 10/2008, UBND TP.Hà Nội có Quyết định điều chỉnh ô đất 3.7-CC là ô góc tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy thành nhà ở cao 15 - 25 tầng. Đây là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

c1-6741.jpg
Dự án Center Point

Tháng 8/2013 và tháng 8/2015, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có các văn bản điều chỉnh ô đất 3.7-CC từ nhà ở thành hỗn hợp gồm văn phòng dịch vụ và nhà ở cho thuê; tăng mật độ xây dựng từ 26,8% lên 52%; tăng tầng cao từ 25 thành 32 tầng.

Như vậy, UBND TP.Hà Nội 1 lần điều chỉnh; Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh từ đất công cộng thành phố thành nhà ở cho thuê, thành nhà ở, rồi thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê), mật độ xây dựng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người. Việc điều chỉnh này là sai so với quy định của pháp luật, điều chỉnh không tính toán đến sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Dự án Hadinco: Từ nhà ở cho thuê biến thành nhà cao tầng, văn phòng

Dự án hỗn hợp văn phòng cho thuê – nhà ở ô đất 3.10 (bao gồm 2 tòa nhà có tên thương mại là Handiresco Complex – Handico Complex), do liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (Handiresco) làm chủ đầu tư.

Trước đó, liên danh chủ đầu tư đã hoàn thành dự án giai đoạn 1 và đưa vào khai thác sử dụng 1 tòa nhà Handiresco Complex quy mô gồm 2 khối nhà cao 25 tầng.

Dự án Handico Complex, giai đoạn 2 có diện tích 1.792m2, gồm một khối nhà cao 25 tầng và 3 tầng hầm, đang được thi công xây dựng với quy mô 25 tầng.

tien-do-handico-complex-le-van-luong-1.jpg
Mặc dù Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra các sai phạm cần được khắc phục ngay, song chủ đầu tư vẫn thực hiện việc thi công xây dựng và quảng cáo bán hàng. Việc không khắc phục sai phạm sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người mua nhà trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Tại dự án này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm, sau khi UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội liên tục điều chỉnh quy hoạch.

Cụ thể, năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu quy hoạch là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 48%, tầng cao 12 tầng.

Đến ngày 13/10/2008, Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Hà Nội, UBND TP Hà Nội chấp thuận điều chỉnh ô đất 3.10-NO thành văn phòng, thương mại 16 tầng, chung cư 25 tầng (không kể tầng kỹ thuật), nhà trẻ 4 tầng. Đến năm 2012, UBND TP Hà Nội có quyết định cho điều chỉnh cục bộ ô đất 3.10-NO thành công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ gồm khối văn phòng 16 tầng, khối chung cư 25 tầng (không kể tầng kỹ thuật), nhà trẻ 4 tầng, mật độ xây dựng 44,53%, dân số 800 người.

Năm 2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có công văn 2753 chấp thuận phương án kiến trúc (PAKT) công trình nhà ở 27 tầng, công trình văn phòng 18 tầng (kể cả kỹ thuật và tum thang), vượt 1 tầng đối với công trình nhà ở và vượt 2 tầng đối với công trình văn phòng so với điều chỉnh cục bộ quy hoạch được phê duyệt trước đó.

Liên tiếp trong các năm 2016; năm 2017; và năm 2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và UBND TP Hà Nội liên tiếp phê duyệt điều chỉnh lại dự án này, làm tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm gần 10.800m2, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh này không thuộc các trường hợp được điều chỉnh; không tính toán đến giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh 1 lần sai quy định pháp luật, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794m2.

Dự án Golden Palace: Nhà cao tầng mọc lên từ đất làm bãi đỗ xe

Dự án Khu nhà ở, dịch vụ, thương mại Golden Palace ở lô C3 Lê Văn Lương do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Hoàng Cường (Công ty Hoàng Cường) làm chủ đầu tư đã hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân vào ở năm 2016.

Trước đó, chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) thuộc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico). Khu đất được giải phóng mặt bằng từ tiền ngân sách, được quy hoạch làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, lô đất này đã được chuyển nhượng “sang tay” cho công ty Hoàng Cường.

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ đã có kết luận việc UBND TP.Hà Nội thu hồi và giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án không thông qua đấu giá là vi phạm quy định của luật Đất đai 2003.

anh2_nuwv.jpg
Dự án chung cư Golden Palace được xây dựng trên đất đã được quy hoạch làm bãi đỗ xe

Cụ thể, tháng 3/2004, UBND TP.Hà Nội có văn bản giao cho Handico là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước làm chủ đầu tư, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng nhà để xe ô tô cao tầng tại khu đất C3 theo quy hoạch được duyệt. Đây là dự án xây dựng công trình công cộng thành phố.

Tuy nhiên, năm 2006, UBND TP.Hà Nội có 2 văn bản điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng công trình nhà để xe cao tầng tại khu đất C3.

Đến tháng 10/2008, UBND TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà để xe kết hợp văn phòng tại ô đất này, chủ đầu tư là Handico.

Tháng 5/2009, UBND TP.Hà Nội có quyết định thu hồi và giao hơn 2.400 m2 đất ở khu C3 cho Handico thuê đất thực hiện dự án nhà để xe kết hợp văn phòng.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2010, Sở KH-ĐT Hà Nội đã đề xuất cho phép điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu quy hoạch ô đất C3 theo ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và được UBND TP.Hà Nội chấp nhận. Đến tháng 9.2010, khu đất C3 khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đã được điều chỉnh có chức năng ở.

Tháng 10/2010, UBND TP.Hà Nội ký hợp đồng thuê đất với Handico để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng nhà để xe công cộng cao tầng kết hợp văn phòng. Tại thời điểm này, UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận điều chỉnh chức năng khu đất C3 thành khu nhà ở, dịch vụ, thương mại.

Tháng 12/2010, UBND TP.Hà Nội có văn bản chấp thuận liên danh 3 đơn vị là Handico - Công ty Hoàng Cường và Công ty CP Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh làm chủ đầu tư dự án tại ô đất C3.

Đến tháng 3/2011, UBND TP.Hà Nội có văn bản chấp thuận Dự án đầu tư khu nhà ở, dịch vụ, thương mại tại ô đất C3 cao 17 tầng, 3 tầng hầm, 112 căn hộ, đồng bộ cùng khu dịch vụ thương mại nhà trẻ, văn phòng, tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỉ đồng.

Theo đề nghị của Sở TN-MT Hà Nội, tháng 4/2011, UBND TP.Hà Nội có Quyết định cho phép Handico chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 2.400 m2 đất tại khu C3 thành đất thực hiện dự án khu nhà ở, dịch vụ, thương mại. Sở TN-MT và Handico cũng ký hợp đồng thuê đất với diện tích 473 m2 để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sân, vườn hoa cây xanh và tầng hầm để xe.

Tháng 12.2011, UBND TP.Hà Nội có quyết định về việc xác định giá thu tiền sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, dịch vụ, thương mại tại ô C3. Tháng 4/2012, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho công trình.

Tháng 11/2012, liên danh chủ đầu tư Handico - Công ty Hoàng Cường và Công ty Hà Nội Xanh báo cáo xin điều chỉnh chủ đầu tư dự án. Sau đó, Sở KH-ĐT báo cáo UBND TP.Hà Nội về việc Handico và Công ty Hà Nội Xanh xin rút khỏi liên danh chủ đầu tư dự án với lý do thị trường bất động sản trầm lắng.

Hà Nội thừa nhận sai phạm khi cho doanh nghiệp biến dự án bãi đỗ xe thành chung cư Golden Palace.

Được biết, các cơ quan quản lý của Chính phủ đang thực hiện việc thanh kiểm tra toàn bộ việc quy hoạch, sử dụng đất, cấp phép các dự án trên tuyến đường Lê Văn Lương.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin

Thùy Linh