Tài nguyên

Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia: Liên thông, đồng bộ, hiệu quả

Nguyễn Thủy (thực hiện) 11/01/2024 - 08:53

(TN&MT) - Hạ tầng thông tin dữ liệu địa lý quốc gia được xếp vào danh mục những tài nguyên số quan trọng của quốc gia, các thành phần xã hội cũng như của nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các cấp, các ngành và địa phương đang tiến hành xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đều liên quan đến cơ sở dữ liệu (CSDL) nền thông tin địa lý hay bản đồ nền địa hình.

Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam về việc quản lý, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả đối với CSDL nền địa lý quốc gia tại Việt Nam trong thời gian tới.

_mg_4203-chon_resize(1).jpg
Ông Dương Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam

PV: Xin ông cho biết, dữ liệu không gian địa lý và CSDL nền địa lý quốc gia có vai trò như thế nào trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0, phát triển các chương trình số hóa như hiện nay và ông đánh giá thế nào về hiện trạng CSDL nền địa lý quốc gia của Việt Nam?

Ông Dương Văn Hải: Dữ liệu không gian địa lý đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các nền kinh tế quốc dân; đặc biệt là trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0, phát triển các chương trình số hóa như hiện nay. Trong hệ thống thông tin, thông tin không gian địa lý cũng giữ một vai trò rất quan trọng để phát triển thành phố thông minh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường...

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, 80% dữ liệu không gian địa lý giữ vai trò nền tảng trong quy hoạch và quản lý đô thị thông minh, không chỉ cho người quản lý mà đặc biệt cho người dân trong thành phố biết sử dụng các dữ liệu phục vụ cho thành phố thông minh của mình.

Không những thế, thông tin không gian địa lý cũng đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam đã có những chương trình lớn về bảo vệ môi trường. Trong đó có những vấn đề trong lĩnh vực ứng dụng dữ liệu không gian địa lý để phòng chống thiên tai, phòng chống các tai biến tự nhiên; xây dựng các cơ sở dữ liệu để quản lý về ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường; xây dựng các hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ cho việc dự báo, cảnh báo những tai biến thiên nhiên như lũ lụt, nước biển dâng, phòng cháy rừng... Tất cả những điều đó đều cần công nghệ không gian địa lý và dữ liệu không gian địa lý.

Ở nước ta, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Vì vậy, nhiều năm qua, các bộ, ngành nói chung và ngành TN&MT nói riêng đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho ngành Đo đạc và Bản đồ, trong đó có 2 Dự án Chính phủ "Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước" và "Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm". Sản phẩm của các Dự án gồm cơ sở dữ liệu nền địa lý và bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 đã được bàn giao cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Đặc biệt, ngày 09/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Xây dựng, hoàn thiện CSDL nền địa lý quốc gia" tại Quyết định số 40/QĐ-TTg giao cho Bộ TN&MT triển khai thực hiện. Đây là Đề án quan trọng với sản phẩm là hạ tầng thông tin dữ liệu cơ bản trong CSDL quốc gia tạo nền tảng xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; góp phần đáng kể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

PV: Xin ông cho biết, đến nay, Đề án "Xây dựng, hoàn thiện CSDL nền địa lý quốc gia" đã được triển khai như thế nào và thu được kết quả gì?

Ông Dương Văn Hải: Thực hiện nhiệm vụ được giao, đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành việc xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia và thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:25.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 phần đất liền; xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia trên vùng biển Việt Nam tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 để phục vụ công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội. Với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã kịp thời cung cấp cho một số bộ, ngành, địa phương để khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ công tác lập quy hoạch, quản lý đô thị cũng như công tác chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để việc quản lý, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả đối với CSDL nền địa lý quốc gia do Bộ TN&MT xây dựng, cung cấp, bàn giao cho các bộ, ngành và địa phương, ngày 10/11 Bộ TN&MT đã tổ chức khai giảng Chương trình "Đào tạo sử dụng phần mềm chuyên ngành xây dựng, quản lý, vận hành CSDL nền địa lý quốc gia" bằng hình thức đào tạo trực tuyến qua nền tảng E-Learning nhằm giúp các học viên dễ dàng nắm bắt những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao trong việc xây dựng, cập nhật CSDL địa lý nói chung và CSDL nền địa lý quốc gia nói riêng một cách chủ động, thống nhất và hiệu quả, đáp ứng với công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

3b.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa dự lễ khai giảng Chương trình “Đào tạo sử dụng phần mềm chuyên ngành xây dựng, quản lý, vận hành CSDL nền địa lý quốc gia”

PV: Chương trình học "Đào tạo sử dụng phần mềm chuyên ngành xây dựng, quản lý, vận hành CSDL nền địa lý quốc gia" sẽ hỗ trợ gì cho các học viên tiếp tục cập nhật thêm những kiến thức trong lĩnh vực ứng dụng địa không gian và lấy nền bản đồ làm trung tâm, thưa ông?

Ông Dương Văn Hải: Chương trình học "Đào tạo sử dụng phần mềm chuyên ngành xây dựng, quản lý, vận hành CSDL nền địa lý quốc gia" với 6 khóa học (trong đó có 2 khóa cơ bản và 4 khóa chuyên sâu). Mỗi khóa học sẽ tập trung khai thác tính năng của một số công cụ trong bộ phần mềm ArcGIS tương ứng phục vụ công tác cập nhật, quản lý, khai thác, vận hành CSDL nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia.

Đặc biệt, mỗi khóa học được xây dựng với một cấu trúc sư phạm thông minh. Bài giảng được xây dựng dưới dạng một tập hợp các học liệu điện tử (video, hình ảnh động và âm thanh kết hợp với trình diễn slide với các học liệu đa phương tiện,...) được kết cấu sư phạm để học viên có thể tự học thông qua lựa chọn các nội dung học tập, luyện tập, vận dụng, tự kiểm tra - đánh giá. Điều này đảm bảo việc truyền tải kiến thức một cách hiệu quả và trực quan. Các bài thực hành trong từng khóa sẽ giúp học viên ứng dụng kiến thức đã học để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện đầy ấn tượng.

Hơn nữa, Chương trình được đào tạo bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng số giúp quyết được vấn đề về khoảng cách địa lý. Công chức, viên chức trên 63 tỉnh thành tham gia đào tạo được thuận lợi. Thời gian linh hoạt mọi lúc mọi nơi, chủ động trên nền tảng số, thông qua các video bài giảng; tiết kiệm được thời gian và chi phí cho việc di chuyển. Hình thức học online sẽ hiệu quả hơn trong công tác triển khai và hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí học tối đa cho các đơn vị; hiệu năng nền tảng trực tuyến cao, đáp ứng cho số lượng người dùng lớn truy cập đồng thời; giao diện nền tảng trực quan dễ sử dụng. Các bài học lưu trên hệ thống một cách đầy đủ và bài bản, các học viên có thể xem lại bài học bất cứ khi nào; mọi dữ liệu và tài liệu tham khảo hay những bài giảng được lưu trữ một cách khoa học, hợp lý, hệ thống, thuận lợi cho việc tìm kiếm khi có nhu cầu; cập nhật thêm các bài học, kiến thức mới theo thời gian, trong thời gian đào tạo.

Sau khi kết thúc, khóa học sẽ đem đến cho học viên những kiến thức chuyên môn sâu rộng, hữu ích và ứng dụng thực tiễn, từ đo, đáp ứng tốt nhất nhu cầu công việc liên quan đến CSDL nền địa lý và chuyên ngành, đồng thời giúp nâng cao sử dụng phần mềm chuyên ngành xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia. Đặc biệt, sau mỗi khóa học, học viên sẽ có được không chỉ là kiến thức mới về GIS mà còn là sự tự tin và lòng đam mê trong lĩnh vực thông tin địa lý; là nguồn động viên, sức mạnh mới để giúp học viên tiến xa hơn trong sự nghiệp và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thủy (thực hiện)