Biến đổi khí hậu

Thách thức triển khai kiểm kê từ cơ sở

Khánh Ly 11/01/2024 - 08:52

(TN&MT) - Năm 2023, lần đầu tiên 1.912 cơ sở có phát thải khí nhà kính (KNK) lớn đã thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê KNK cấp quốc gia theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường. Cùng với những kết quả bước đầu, nhiều vướng mắc đã lộ diện, trong đó có nguyên nhân do các quy định hướng dẫn kiểm kê cho các ngành, lĩnh vực chưa hoàn thiện.

Vấn đề mới và thiếu hụt cán bộ chuyên môn

Kiểm kê KNK là hoạt động quan trọng để xác định lượng phát thải KNK từ các nguồn phát thải. Kết quả kiểm kê trở thành cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch giảm phát thải KNK phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia. Đây cũng là căn cứ để Nhà nước phân bổ hạn ngạch phát thải KNK đến từng cơ sở phát thải lớn - tiền đề của các hoạt động trao đổi, mua bán hạn ngạch và tín chỉ các-bon tại Việt Nam, trước mắt là giai đoạn 2026 - 2030.

Đến nay, Việt Nam đã có 6 kỳ kiểm kê KNK quốc gia cho các năm 1994, 2000, 2010, 2013, 2014, 2016, 2018 và 2020 dựa trên số liệu tổng hợp của quốc gia và cấp ngành. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã lần đầu tiên đưa ra quy định về kiểm kê KNK cấp cơ sở. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn chỉ rõ, các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên phải thực hiện kiểm kê KNK.

Các cơ sở trên sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước. Để có căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải KNK, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho các cơ sở, các Bộ chuyên ngành tổ chức thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ TN&MT kết quả kiểm kê sau khi hoàn thiện.

Năm 2023, các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải đã tổ chức thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý cho năm 2022 để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả kiểm kê KNK sau khi hoàn thiện (theo hạn là trước ngày 1/12/2023).

Theo quy định, các Bộ quản lý lĩnh vực phát thải, hấp thụ KNK phải ban hành quy định kỹ thuật về kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cho các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý. Đến nay, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương đã ban hành đầy đủ. Bộ NN&PTNT mới chỉ ban hành cho lĩnh vực lâm nghiệp và Bộ GTVT, Bộ Xây dựng chưa ban hành.

Chia sẻ về kinh nghiệm qua đợt kiểm kê của ngành Công Thương với số lượng lên tới hơn 1.600 cơ sở (chiếm khoảng 2/3 danh mục), ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Bộ Công Thương cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu được hướng dẫn về kiểm kê và báo cáo thẩm định kết quả kiểm kê. Thêm vào đó là khó khăn, hạn chế về nguồn lực con người và tài chính; hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn và số liệu khiếm khuyết, chưa đồng bộ. Bài học kinh nghiệm là phải hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức của các bên có liên quan; từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với kiểm kê KNK và đào tạo, tập huấn kiểm kê KNK cho các bên liên quan.

Thực tiễn chỉ ra, do vấn đề về kiểm kê KNK và giảm phát thải KNK là lĩnh vực mới, các đơn vị triển khai đều thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải KNK. Công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc thực hiện chế độ thông tin, số liệu, thực hiện kiểm kê KNK và tuân thủ các quy định chưa được thực hiện đầy đủ và thống nhất.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo Bộ TN&MT, thời gian qua, các hoạt động kiểm kê KNK theo Quyết định số 01 đã đóng góp tích cực trong công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải KNK. Các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng cơ chế cung cấp số liệu phục vụ kiểm kê KNK.

Cùng với các cơ sở thuộc Quyết định 01, một số doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đã chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật và tích cực triển khai các hoạt động kiểm kê KNK và giảm phát thải KNK. Đặc biệt, trong năm 2023, Liên minh châu Âu áp giá các-bon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải KNK của quy trình sản xuất và đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp xuất khẩu các hàng hóa trên của Việt Nam phải thực hiện kiểm kê KNK. Trước tình hình này, một số cơ sở thuộc các ngành công nghiệp xuất khẩu có cường độ phát thải KNK cao của Việt Nam đã kịp thời xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải KNK, đáp ứng yêu cầu mới từ cơ chế mới này.

Quá trình đôn đốc các cơ sở thực hiện trách nhiệm kiểm kê, các địa phương đã hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải KNK. Các cơ quan quản lý trung ương, địa phương, cơ sở cũng tăng cường kết nối trong thực hiện kiểm kê KNK và giảm phát thải KNK; phối hợp triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tăng cường năng lực cho đội cán bộ chuyên môn, doanh nghiệp và người dân.

Doanh nghiệp rất quan tâm nhưng chưa hiểu rõ

Đánh giá tầm quan trọng của việc hiểu rõ các quy định pháp luật về kiểm kê KNK cũng như cách thức phân bổ hạn ngạch phát thải, ông Lương Quang Huy - đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đang tích cực triển khai một cách bài bản các cam kết kể từ Hội nghị COP28 với cam kết đến năm 2035 phải cắt giảm KNK về “0”. Khối doanh nghiệp là đối tượng trọng tâm thực hiện các giải pháp giảm phát thải vả đã chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan.

picture1-copy.jpg
Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Nếu không thể đảm bảo hạn ngạch phát thải, doanh nghiệp sẽ phải chi trả tiền cho mức phát thải vượt quá, gây ảnh hưởng đến doanh thu cũng như uy tín của doanh nghiệp. Vì vậy, hiểu cặn kẽ và nắm rõ các quy định sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các tổn thất cả về tài chính lẫn thương hiệu. Thực chất, chính các hoạt động tăng hiệu suất năng lượng, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm điện... đã có yếu tổ giảm phát thải trong đó. Vấn đề là doanh nghiệp cần chuyển đổi sang lượng giảm phát thải KNK tương đương và có con số cụ thể từ những nguồn nào. Kiểm kê KNK sẽ giúp cơ quan quản lý ghi nhận kết quả giảm phát thải của doanh nghiệp để đề xuất cập nhật danh mục cơ sở giảm phát thải, cũng như phân bổ hạn ngạch.

Trong thời gian tới, các Bộ sẽ tiếp tục đào tạo, hướng dẫn các cơ sở tự thực hiện kiểm kê KNK trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2024. Bộ TN&MT đang hoàn thiện hệ thống báo cáo trực tuyến và sẽ thí điểm cho kỳ kiểm kê năm 2024. Thay vì phải thực hiện thủ công, công tác báo cáo kết quả kiểm kê sẽ được số hóa và trở nên đơn giản hơn. Đây sẽ là kho dữ liệu thống nhất, phục vụ công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải KNK một cách hiệu quả trong thời gian tới.

Nâng cao hiệu quả kiểm kê, chỉ rõ lộ trình giảm phát thải

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng):

Cơ sở để định hướng lộ trình giảm phát thải

na.jpg

Qua kiểm kê, ngành Xây dựng xác định hai nguồn phát sinh KNK lớn nhất. Thứ nhất là phát thải từ quá trình công nghiệp (phát thải KNK thông qua các phản ứng hóa học) trong sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn là sản xuất xi măng, KNK phát thải trong quá trình nung clinker. Thứ hai là từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại.

Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Ngoài ra, ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay

các-bon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các tòa nhà, công trình, phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển…

Kết quả kiểm kê cũng cho thấy, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải KNK lớn nhất và cường độ phát thải cao nhất. Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, trong đó có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê KNK và đến năm 2026 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải KNK để đáp ứng hạn ngạch trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ các-bon. Theo rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo danh mục cập nhật cũng bổ sung một số cơ sở sản xuất gạch, kính xây dựng vào danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK.

Với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và tư vấn trong nước, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải KNK đối sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời Bộ đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải KNK lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP và dự kiến Văn bản sẽ ban hành vào năm 2024.

Ông Huỳnh Thành Trung - Chuyên gia tư vấn thuộc Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam:

Năng lực kiểm kê giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường

tt.jpg

Các doanh nghiệp, nhà máy đang duy trì sản xuất đều phát thải ra môi trường. Để chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp xanh thì doanh nghiệp cần phải đo được mức phát thải của mình để hướng tới đạt được mức pát thải ròng bằng “0” - Net Zero. Điều này có nghĩa, nhà sản xuất cần kiểm kê đầu vào của các nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là nguyên liệu thô.

Để thấy được vai trò và tác động của hệ sinh thái trong việc giảm phát thải KNK đối với sản xuất công nghiệp thì các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản giảm KNK để thích ứng với chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường và thay đổi theo chuỗi cung ứng của thế giới. Lấy ví dụ, trong các nhà máy, điện năng - nhiên liệu chiếm tỉ trọng cao từ 60 - 95% tổng lượng năng lượng tiêu thụ và là nguồn phát thải CO2. Vậy doanh nghiệp sẽ bắt tay vào tìm các giải pháp từ đây, áp dụng các giải pháp giảm sử dụng năng lượng và chuyển đổi sang số liệu về lượng giảm phát thải KNK so với trước khi chưa áp dụng các biện pháp.

Cần nhấn mạnh, doanh nghiệp nên tập trung vào giải pháp về chuyển đổi công nghệ, cải tiến kỹ thuật và đem lại hiệu quả quản trị tổng thể cao. Điều này cũng giúp danh nghiệp tiếp cận với các quỹ đầu tư, tài chính khí hậu quốc tế dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, kiểm kê KNK đang là thách thức của doanh nghiệp Việt Nam, bởi tiêu chuẩn ngày càng nhiều hơn, khó hơn, mỗi thị trường lại khác nhau. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm rõ các tiêu chuẩn nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường để lựa chọn hướng đi cho mình. Đây cũng là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng là thách thức trong tương lai để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh ngành công nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Thành viên Ban quản lý Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền:

Lan tỏa thực hành tốt trong cộng đồng khu công nghiệp

ta.jpg

Đối với tầm nhìn xanh cho các doanh nghiệp qua cách nhìn tổng quan hoạt động điển hình của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) tại Việt Nam, chuyển đổi xanh không chỉ mạnh mẽ trong phạm vi từng doanh nghiệp mà có thể được huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện, cùng chia sẻ để nhanh chóng đạt được thoả thuận xanh trên phạm vi rộng hơn của các KCN, CCN.

Thời gian qua, có tình trạng doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ nên mang tâm lý không đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải mà sẽ mua tín chỉ các-bon để bù đắp lượng phát thải KNK vượt hạn ngạch. Mặc dù nguồn lực cho kiểm kê còn hạn chế và hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, Ban quản lý KCN Nam Cầu Kiền vẫn dùng nhiều cách để vận động các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê KNK theo các hướng dẫn tạm thời của cơ quan chức năng hoặc theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, hình thức trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm qua các câu lạc bộ xanh trong KCN phát huy hiệu quả tốt. Chúng tôi có câu lạc bộ của chủ doanh nghiệp để thúc đẩy họ đưa ra các quyết sách, định hướng phù hợp; câu lạc bộ của các kỹ sư môi trường để giao lưu, chia sẻ kiến thức mới, kinh nghiệm lựa chọn giải pháp giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng từ công nghệ đến quy trình sản xuất. Trong đó cũng có các hoạt động thúc đẩy hợp tác thực hiện kinh tế tuần hoàn...

Ban quản lý cũng thuyết phục doanh nghiệp bằng chính hiệu quả thực tiễn các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng xanh trong khu công nghiệp sinh thái. Rõ ràng, doanh nghiệp đang tận hưởng thành quả là được làm việc trong môi trường trong lành, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Khảo sát cho thấy, có tới 60 doanh nghiệp trong khu công nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến giải pháp về khu công nghiệp. Điều chúng ta cần làm là kết nối và khơi dậy, lan tỏa phong trào xanh hóa càng sâu rộng hơn.

Khánh Ly