Khoáng sản

Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia: Thúc đẩy khai khoáng bền vững

Mai Đan 11/01/2024 - 08:51

(TN&MT) - Năm 2023 năm đầu tiên Cục Địa chất Việt Nam thực hiện mô hình mới sau khi chia tách từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ có tính cấp bách, trong đó có nhiệm vụ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Đến nay, nhiệm vụ này đã được thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Điều đó được thể hiện qua việc Cục đã trình Bộ TN&MT hồ sơ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 1277/QĐ-TTg vào tháng 11/2023, với 93 khu vực đối với 10 loại khoáng sản. Để có được kết quả trên, Cục Địa chất Việt Nam đã thực hiện một khối lượng lớn công việc, trong đó chú trọng bám sát các Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của Bộ Chính trị với các nội dung liên quan đến quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

anh-1-cat-trang-o-quang-nam.jpg
Cát trắng - 1 trong 10 loại khoáng sản được đưa vào dự trữ (ảnh chụp tại khu Công nghiệp Tam Thăng, Quảng Nam)

Quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 10 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính Trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ "...tài nguyên khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia... ".

Ông Trần Mỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, nhận thức rõ quan điểm này, cùng với các quy định tại Nghị định số 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trước đây), Cục Địa chất Việt Nam hiện tại hoàn thành Hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo định hướng mới, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Địa chất Việt Nam đã rà soát toàn bộ các báo cáo địa chất, từng khối tài nguyên, trữ lượng đã được sử dụng để khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 645/QĐ-TTg. Từ đó điều chỉnh lại phạm vi khoanh định khu vực dự trữ chính xác theo sự phân bố của các khối tài nguyên, trữ lượng khoáng sản dự trữ.

Đơn vị cũng đã tổng hợp toàn bộ các kết quả điều tra, đánh giá, thăm dò các loại khoáng sản đã thực hiện từ năm 2014 đến nay; các Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ủy quyền phê duyệt; Hồ sơ Dự thảo "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Bộ Công Thương; hồ sơ dự thảo "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Bộ Xây dựng; tổng hợp, rà soát hiện trạng các dự án, công trình, sử dụng đất tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của 24 tỉnh/thành phố có khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Đồng thời, Cục đã làm việc trực tiếp với các sở, ngành của các địa phương, các đơn vị liên quan của Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; tham mưu cho Bộ TN&MT lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó tiến hành tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ theo đúng tiến độ được giao.

Kết quả thực hiện, Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ TN&MT để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 1277/QĐ-TTg, ngày 1/11/2023. Theo đó, Thủ tướng đã phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản, đồng thời quy định cụ thể về loại khoáng sản dự trữ, diện tích, mức sâu, tài nguyên và thời gian dự trữ cho từng khu vực dự trữ khoáng sản và quy định trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản tại các khu vực dự trữ.

Có thể thấy, cùng với các quy định tại Nghị định 51, Quyết định số 1277 của Thủ tướng Chính phủ về các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là căn cứ pháp lý vừa đảm bảo nguồn khoáng sản dự trữ lâu dài, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian dự trữ để phát huy tối đa nguồn lực, nhất là đất đai trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, vừa quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản dự trữ.

Phó Cục trưởng Trần Mỹ Dũng cho biết: “Để đảm bảo tính pháp lý ngày chặt chẽ hơn, Cục Địa chất Việt Nam đã đề xuất tiếp tục hoàn thiện các quy định về dự trữ khoáng sản quốc gia trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để thay thế Luật Khoáng sản 2010. Những định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã và đang được Cục tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa trong các điều luật tại Dự thảo Luật”.

Mai Đan