Biển đảo

Yêu biển theo cách của ngành kỹ thuật - Bài 2: Môi trường sinh thái biển - động lực để tìm cơ sở khoa học

Nguyễn Mạnh Thắng - Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội 11/01/2024 - 08:50

(TN&MT) - Qua cuộc gặp gỡ tại Hội thảo, tôi có điều kiện tiếp cận với anh Lý nhiều hơn. Từ đây, câu chuyện về quá trình nghiên cứu chiếc máy có thể phá nền đá san hô dưới đáy biển không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sinh vật biển mà anh và cộng sự ấp ủ và mất bao nhiêu công nghiên cứu bắt đầu hé mở.

Sau lần tham dự Hội thảo đó, Đại tá Trần Hữu Lý càng trăn trở hơn với những thông tin về môi trường sinh thái biển mà PGS, TS Nguyễn Chu Hồi cung cấp, nhưng anh chưa thể tìm ra giải pháp. Anh và cộng sự lùng sục nhiều thư viện nhưng cũng chưa thấy được những thông tin cần thiết.

13.2-thu-gnhiem-5(1).jpg
Thử nghiệm thiết bị tại Côn Đảo

Trong khi trước đó, trong những lần đến các đảo ngoài khơi công tác, anh nhận thấy muốn, vào đảo hoặc điểm đảo thì các tàu phải đợi con nước mới thả xuồng. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Hơn nữa, khi trên yêu cầu chỉ huy của đảo hoặc điểm đảo đưa lực lượng đi cứu hộ - cứu nạn ngư dân bị hỏng máy tàu hoặc tai nạn trên biển mà nước cạn, xuồng không cơ động được thì cũng phải chờ đợi. Muốn thuận lợi cho những việc trên thì phải mở luồng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc mở luồng rất phức tạp và khó khăn. Hơn nữa, việc xây dựng hạ tầng trên biển không chỉ là mở luồng vào các đảo mà còn có những công việc lớn hơn gấp vạn lần. Đó là xây dựng cầu cảng, bến cảng và xây lắp các thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải trên nền đá san hô để phát triển vận tải biển, thúc đẩy kinh tế.

Từ đấy, câu hỏi làm thế nào để có một giải pháp hoặc một chiếc máy giúp cho xây dựng công trình hạ tầng trên biển nói chung và việc mở luồng nói riêng thuận lợi, thay thế giải pháp dùng thuốc nổ cứ bám riết lấy anh khiến anh trằn trọc, mất ngủ nhiều đêm. Thời gian qua đi, sau khi tìm hiểu và tích lũy thông tin, anh nảy sinh ý tưởng chế tạo thiết bị đặt trên pông tông để mở luồng mà không phải dùng đến thuốc nổ. Nhưng khi trình bày ý tưởng với những nhà khoa học đi trước thì anh bị phản đối quyết liệt. Họ cho rằng ý tưởng ấy khá táo bạo nhưng không phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật và trình độ Việt Nam. Rất nhiều chuyên gia khuyên anh đừng phí công hoài sức. Vì từ trước đến nay, chỉ có phương pháp phá nổ là tối ưu nhất. Chính vì thế, khi biết có cuộc hội thảo về hệ sinh thái môi trường biển, anh tham gia ngay với hai mục đích, một là để tìm hiểu, để biết sâu kỹ hơn về vai trò của hệ sinh thái biển với tự nhiên và con người; nhất là vai trò của các bãi cạn san hô với hệ sinh thái biển; hai là để có căn cứ phản biện lại bằng những cơ sở khoa học chính xác.

Nói thêm một chút về Đại tá, TS Trần Hữu Lý. Anh sinh năm 1969, ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tốt nghiệp Khoa Xe - Máy, Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 1991, anh được giữ lại làm giảng viên, sau đó phát triển đến Phó chủ nhiệm Bộ môn Xe - Máy (Khoa Động lực, Học viện Kỹ thuật Quân sự). Cuối năm 2017, anh được Bộ Quốc phòng điều động về Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) rồi được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự. Tháng 11/2017, anh được Thường vụ Đảng ủy TCKT điều động giữ chức Phó trưởng phòng Khoa học quân sự TCKT. Tháng 8/2018, anh được Thường vụ Đảng ủy TCKT tin tưởng, điều động bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, anh được Ban Chấp hành Đảng bộ Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TCKT nhiệm kỳ 2020 - 2025, anh được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ.

Nói về quá trình nghiên cứu đóng góp cho khoa học, giai đoạn 2008 - 2020, TS Trần Hữu Lý đạt nhiều danh hiệu nghiên cứu khoa học do các tổ chức trong nước, quốc tế trao tặng. Anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 2 bằng khen vì đã đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) các năm 2018, 2019 và thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2008 - 2020 cùng nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm.

Đại tá Trần Hữu Lý mang đến cho tôi một chồng tài liệu lớn. Anh kể, quá trình nghiên cứu, anh và cộng sự phải tập hợp rất nhiều tài liệu để tiến hành so sánh. Đồng thời, liên hệ với nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội để đi khảo sát những thiết bị phục vụ hút bùn, nạo vét dưới nước của các nước có nền công nghiệp tiên tiến chế tạo. Trên cơ sở những thông tin thu thập, các anh đã có những đánh giá chính xác ưu, nhược điểm của các thiết bị này.

Công nghệ thi công mở luồng không nổ cần có tổ hợp thiết bị đồng bộ bao gồm: Phao nổi, thiết bị mở luồng không nổ, thiết bị cần cẩu tải trọng lớn. Một số hãng nước ngoài đã tích hợp các thiết bị đó lên tàu, như: Cool Dugong 7 (Malaysia); Tàu cắt hút HP-2000 (Hà Lan), Tàu cắt hút HA-97 (Mỹ), Thiết bị khoan hạ cọc Giken (Nhật Bản)… Tuy nhiên, giá thành nhập khẩu các tàu trên rất cao. Một tàu công trình đa năng giá khoảng 20 triệu USD. Trung Quốc cũng chế tạo các tàu công trình có giá thành rẻ hơn nhưng tính năng kỹ thuật không bằng các thiết bị của các nước G7.

Ở Việt Nam có tàu nạo vét Bình Dương của Tổng Công ty Xây dựng đường thủy. Đây là tàu nạo vét gầu ngược chỉ nạo vét luồng lạch, cảng. Sau khi xem xét chiếc tàu nạo vét xén thổi IHC BEAVER® 5014C do S.E.C bàn giao cho Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô (LCC), anh Lý và cộng sự phát hiện ra một số hạn chế. Tàu nạo vét này được đóng bởi IHC Beaver Dredgers B.V. Tuy nhiên tàu có kích thước phần mở luồng cồng kềnh, chỉ phù hợp với công việc nạo vét mở luồng lớn, không có khả năng nạo vét luồng nhỏ và vùng có sóng gió lớn.

Khi thi công các công trình biển, đảo, một số đơn vị quân đội đã sử dụng máy xúc cỡ lớn đặt trên phao nổi để khơi thông luồng và thu gom cát đá (như: Công ty xây lắp Thành An 96, Tổng công ty Tân cảng, Công ty cổ phần Lũng Lô 2...). Tuy nhiên, khi gặp đá san hô thì các máy xúc này không thực hiện được, hơn nữa việc gom cát đá gặp khó khăn vì bị sóng gió làm trôi dạt mất nhiều. Các âu tàu ở một số đảo khu vực ngoài khơi khi thi công trụ tiêu báo hiệu luồng hàng hải đã sử dụng phương pháp chân đế trọng lực. Sau một thời gian bị sóng gió tác động, một số trụ tiêu đã bị nghiêng ngả, việc sửa chữa rất phức tạp và tổn phí. Vì vậy rất cần thiết bị để thi công hạ cọc cho các chân đế này.

Qua quá trình khảo sát, phân tích và đánh giá, TS Trần Hữu Lý và cộng sự đi đến những kết luận quan trọng, đặc biệt là những bất cập hết sức cụ thể, như: Các công nghệ thi công nạo vét luồng và âu tàu cũng như các công trình khác trên biển ở Việt Nam đến nay đều nhập khẩu từ nước ngoài với công nghệ chậm hơn so với khu vực và thế giới. Hiện nay, các công trình mở luồng ở biển đảo Việt Nam vẫn sử dụng thiết bị đơn sơ nhỏ lẻ, năng suất thấp và đặc biệt vẫn đang dùng phương pháp nổ mìn. Phương pháp này là nguyên nhân cơ bản giết chết hệ san hô và môi trường sinh thái biển, khiến nó không có khả năng phục hồi.

Từ những cơ sở khoa học này, TS Trần Hữu Lý và các cộng sự đã đưa ra những vấn đề nổi cộm cần phải quyết tâm giải quyết, đó là: Xây dựng cơ sở khoa học cho việc tính toán, thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị công tác lên phao nổi để thi công các công trình ở ven biển đảo; thiết kế, chế tạo, lắp đặt các thiết bị công tác lên phao nổi để thi công mở luồng không nổ; sử dụng thiết bị quan trắc để đo đạc luồng lạch và công trình khi thi công…

Anh nói, những kết luận này rất quan trọng, là công sức và mồ hôi của quá trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hết sức khách quan, tỉ mỉ. Nó là cơ sở để anh báo cáo cấp trên và xây dựng quyết tâm triển khai nghiên cứu ở các bước tiếp theo.

Bài 3: Đêm trắng và những cuộc thử nghiệm, phát hiện mới

Nguyễn Mạnh Thắng - Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội