Tài nguyên nước

Đà Nẵng: Chủ động nguồn nước sạch đô thị

Võ Hà 09/01/2024 - 13:44

(TN&MT) - Với các đô thị, đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt là một trong những tiêu chí để đánh giá sự bền vững của đô thị. Do đó, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước luôn là vấn đề được chính quyền thành phố Đà Nẵng quan tâm.

Nhiều thách thức

Theo quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; đến năm 2030 nhu cầu dùng nước sạch ngày cao nhất của Đà Nẵng là hơn 801.000m3, tuy nhiên khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của hệ thống cấp nước thành phố cuối năm 2022 chỉ mới đạt 210.000m3/ngày.

Nếu không bổ sung nguồn nước ngày cao điểm, Đà Nẵng sẽ thiếu hơn 590.000m3 nước. Đồng thời, tình trạng nhiễm mặn vẫn đang xảy ra thường xuyên vào mùa nắng nóng với tần suất và mức độ ngày càng tăng, việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước sông Vu Gia khiến Đà Nẵng nhiều năm đối mặt với tình trạng mất an toàn cấp nước. Chưa kể, ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động xả thải đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Theo ông Hồ Minh Nam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), chất lượng nước mặt vào mùa khô của TP. Đà Nẵng thường bị nhiễm mặn, tại cửa thu nước nhà máy nước Cầu Đỏ, độ mặn trung bình vượt hơn 1.000mg/l. Độ mặn cao nhất 8.192mg/l (ngày 29/8/2023). Trước đây, khi chưa nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch, tình trạng nước sông bị nhiễm mặn đặt ra thách thức không nhỏ đối với an ninh nguồn nước tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, từ khi đưa vào vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch công suất 420.000 m3/ngày, khi có hiện tượng nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ thì nguồn nước thô từ Trạm bơm phòng mặn được dẫn về nhà máy nước Cầu Đỏ để xử lý và đảm bảo cấp nước an toàn cho toàn thành phố.

Ông Hồ Minh Nam cho biết thêm, tại Đà Nẵng, lượng mưa các tháng mùa khô sẽ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên dòng chảy trên các sông hạ thấp. Dự báo lưu lượng dòng chảy trung bình trên sông Vu Gia (nguồn cung cấp nước thô cho Đà Nẵng) thiếu hụt khoảng 40 - 60%. Việc cạn kiệt nguồn nước tại các hồ chứa sẽ gây mất an toàn đối với việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du trong mùa khô.

screenshot_1704769731.png
Hệ thống điều khiển tự động tối ưu tại Nhà máy nước Hòa Liên, Đà Nẵng

Trong trường hợp sông nhiễm mặn 1.000mg/l sẽ khai thác nước tại đập dâng An Trạch. Tuy nhiên, nếu lượng nước ở thượng nguồn về không đủ, mực nước đập dâng xuống dưới 1,6m thì 1 trong 2 trạm bơm sẽ không vận hành được. Lúc đó sẽ ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân.

Chủ động nguồn nước sạch

Cuối tháng 5/2023, Nhà máy nước Hòa Liên (giai đoạn I) có công suất 120.000m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động, cung cấp nước cho người dân các quận Liên Chiểu và một phần của huyện Hòa Vang nhằm giảm tải cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Theo tính toán, tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ hình thành một hồ chứa dung tích 50 triệu m3 trên sông Bắc (thượng nguồn sông Cu Đê) và Nhà máy nước Hòa Liên trở thành nhà máy nước lớn thứ 2 phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố. Điều này sẽ góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và cuộc sống của người dân, bảo đảm tính đồng bộ của việc phát triển các hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng theo đúng lộ trình đã đề ra.

Ông Hồ Minh Nam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, khi thành phố xây dựng hồ chứa nước trên sông Bắc (thượng lưu sông Cu Đê) để nâng công suất vận hành Nhà máy nước Hòa Liên, Công ty cũng sẽ nghiên cứu kết hợp đầu tư một đường ống dẫn nguồn nước ngọt này về Nhà máy nước Cầu Đỏ để không còn phải phụ thuộc quá lớn từ nguồn nước của các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố.

Bên cạnh việc cung cấp nước, phải song hành cùng chất lượng nước, phù hợp ngưỡng an toàn cho người tiêu dùng, Công ty thực hiện giám sát đầy đủ, đảm bảo chất lượng nước sạch đáp ứng yêu cầu theo Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 và Thông tư 26/2021/TT-BYT ngày 15/12/2021 của Bộ Y tế.

Việc kiểm nghiệm được thực hiện tại Trung tâm phân tích kiểm nghiệm (đã được công nhận phòng thử nghiệm phù hợp ISO/IEC 17025:2017) với các thông số nhóm A tần suất 1tháng/1lần, 8 chỉ tiêu nhóm B tần suất 1 tháng/1lần và 6 tháng/lần với tất cả các mẫu nước giám sát định kỳ theo quy định.

Như vậy, để đảm bảo cấp nước cho thành phố trong điều kiện nhiễm mặn thì độ mặn tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ phải duy trì nhỏ hơn 1.000mg/l, với độ mặn dưới ngưỡng này thì việc lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ khoảng 60.000m3/ngày. Nếu độ mặn lớn hơn 1.000mg/l dẫn đến thiếu hụt nguồn nước thô thì thực hiện theo quy chế để tham mưu cho UBND thành phố đề nghị các hồ thủy điện xả nước và vận hành đập dâng An Trạch xả nước về hạ du đảm bảo nguồn nước thô cho các trạm bơm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Trong trường hợp ứng với từng mốc nhiễm mặn khác nhau sẽ xem xét áp dụng kịch bản phù hợp để kịp thời ứng phó.

Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, hiện nay địa phương cũng đang tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước như công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt sông Cu Đê thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên, nơi được cho là kho dự trữ nguồn nước quan trọng. Từ đó, sẽ giúp Đà Nẵng thực hiện nghiêm quy định bảo vệ vệ sinh môi trường sông Cu Đê, giảm phụ thuộc vào lượng nước sông Vu Gia và vận hành của các nhà máy thủy điện khu vực thượng nguồn. Để bảo vệ tốt nguồn nước dự trữ này, Đà Nẵng sẽ thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động từ hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nguồn thải từ hoạt động phát triển du lịch sinh thái.

Võ Hà