Biển đảo

Yêu biển theo cách của ngành kỹ thuậtBài 1: Trăn trở sau một hội thảo

Nguyễn Mạnh Thắng 09/01/2024 - 13:44

(TN&MT) - Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển như Nghị quyết số 36-NQ/TW "Về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", một trong những lực đẩy quan trọng là đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở.

Tuy nhiên, việc này thường gây ảnh hưởng lớn đến môi trường biển, khiến cho hệ sinh thái biển bị phá vỡ trầm trọng nếu không tính toán và có biện pháp kỹ lưỡng. Để giải bài toán lớn và hóc búa này, gần đây, nhóm các nhà khoa học ở Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt tổ hợp thiết bị công tác lên phương tiện nổi, thi công mở luồng và khoan hạ cọc phục vụ thi công các công trình hạ tầng trên biển rất hữu ích. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định tinh thần, trách nhiệm, năng lực, tình yêu Tổ quốc và tình yêu biển đảo theo cách riêng của những người lính công tác trong ngành kỹ thuật.

Được tin các nhà khoa học Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự thuộc Tổng cục Kỹ thuật - đứng đầu là Đại tá, Tiến sĩ, Viện trưởng Trần Hữu Lý đã thử nghiệm thành công các thiết bị cho phép mở luồng và khoan hạ cọc phục vụ thi công các công trình trên biển, tôi đã nhiều lần liên hệ để khai thác thông tin phục vụ công tác tuyên truyền. Cuối tháng 8/2023, được Viện trưởng Trần Hữu Lý nhận lời, tôi như mở cờ trong bụng bởi cơ hội khám phá chiếc máy thi công ít gây hại cho môi trường và hệ sinh thái biển đã đến.

2(2).jpg
Đại tá, TS Trần Hữu Lý (bên phải) trong chuyến công tác tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei

Tôi biết Đại tá, TS Trần Hữu Lý trong buổi hội thảo về bảo vệ tài nguyên môi trường biển được tổ chức tại TP. Hải Phòng vào cuối năm 2020. Gặp anh, tôi “chất vấn”.

- Anh chuyên nghiên cứu về xe - máy quân sự, tức là ngành kỹ thuật rất đặc thù mà sao lại quan tâm tới dự hội thảo bảo vệ tài nguyên, môi trường biển?

Anh cười và giải thích ngắn gọn, do anh và các cộng sự đang triển khai nghiên cứu đề tài về máy thi công công trình trên biển và trong đó có phần tính toán đến tác động hệ sinh thái biển. Thế nên, anh cần phải tham gia các hội thảo như thế này để có thêm kiến thức, thông tin để tích hợp trong đề tài nghiên cứu. Mục đích của anh là tìm ra giải pháp nào đó để thi công các công trình trên biển mà không gây ảnh hưởng đến môi trường dưới biển, giảm được chi phí đầu tư.

Hôm đó, lần đầu tiên tôi có cơ hội hiểu rõ hơn và kỹ hơn về hệ sinh thái biển qua phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi. Đây là điều mà tôi chưa từng được biết trong hơn 10 năm làm nhiệm vụ ở Quân chủng Hải quân. Nghe thầy Hồi nói, anh Lý ngồi cạnh tôi cứ gật gù như tìm ra được vàng.

Trên bục, thầy Hồi say sưa thuyết trình, hệ sinh thái biển (Marine ecosystem), nhất là các hệ sinh thái ven biển và ven đảo có năng suất sinh học cao và quyết định hầu như toàn bộ năng suất sơ cấp của đại dương thế giới. Vùng bờ biển nước ta có khoảng 20 kiểu loại hệ sinh thái, điển hình là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, 12 đầm phá, 54 vũng vịnh với 2 vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, 114 cửa sông và khoảng 100 bãi cát biển. Đặc biệt là các hệ sinh thái ở khoảng 2.400 đảo đá vôi ở vùng biển ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng và 2 quần đảo san hô ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa. Những hệ sinh thái ấy được xem là nơi giàu đa dạng sinh học ở Biển Đông, trung tâm phát tán nguồn giống thủy sản và dinh dưỡng để phát triển nghề cá của các quốc gia trong khu vực.

8.jpg
Thiết bị khoan cắt của tổ hợp thiết bị mở luồng không nổ tại Côn Đảo. Ảnh: ĐỨC TÂM

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh rằng, các hệ sinh thái ven biển còn được ví như cơ sở hạ tầng tự nhiên có khả năng chống lại thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng (hoặc biến đổi đại dương). Nhưng nó cũng có 3 đặc tính: Tính không thay thế (khi bị tổn thất), Tính không thể phục hồi nguyên trạng (khi bị phá hủy) và Nguy cơ cao (tổn thất của hệ sinh thái tiềm tàng một mối nguy đối với sự phồn vinh của con người).

Sau tham luận, anh Lý đến gặp PGS.TS Nguyễn Chu Hồi. Tôi cũng theo chân anh để mong được thầy Hồi giải đáp một số vấn đề. Khi chúng tôi đề cập đến hậu quả của sự tác động tới hệ sinh thái biển qua một vụ nổ chẳng hạn, thầy Hồi cho biết, các hệ sinh thái biển - ven biển, đảo rẩt dễ bị tổn thương trước các hoạt động thiếu thân thiện của con người. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, trên biển, trên đảo, trong chừng mực nào đó, sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển. Các biện pháp thi công truyền thống như nổ mìn, phá lớp san hô để tạo luồng, nạo vét cảng,... sẽ thu hẹp diện tích và gây xáo trộn các hệ sinh thái biển, ven biển hoặc trên đảo - nơi và lân cận nơi thi công công trình. Việc nhận chìm các vật, chất nạo vét cảng,... với khối lượng rất lớn, cỡ nhiều triệu tấn ra vùng nội thủy, lãnh hải - nơi tập trung đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái, là nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển kinh tế biển xanh - sẽ gây ra tác động lâu dài mà đến nay chưa nhận thức được đầy đủ.

Vụ nổ dưới biển do nạo vét, tạo luồng lạch và xây dựng cảng biển khiến nước bị đục hóa, giảm khả năng quang hợp, khiến khả năng phục hồi san hô và rạn san hô đều rất chậm, khiến "ngôi nhà chung" của gần 3.000 loài sinh vật khác nhau bị ảnh hưởng. Nếu xây dựng cơ sở hạ tầng mà làm mất rừng ngập mặn, chúng ta sẽ đánh mất nơi cư trú của khoảng 1.600 loài sinh vật.

Thông tin cụ thể về việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, thầy nói, việc tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo từ 7 bãi cạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa trong các năm 2014 - 2016 của nước ngoài đã làm mất vĩnh viễn diện tích rạn san hô (khoảng 1.370 hecta). Ngoài ra, khoảng gần 200km2 rạn san hô ở vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo này đã bị nghiền nát bằng các phương tiện khoan nghiền hiện đại để tạo vật liệu cát phục vụ xây dựng 7 đảo nhân tạo này. Đồng thời việc nạo vét, cắt xẻ rạn san hô và nạo vét để làm cảng bến và luồng tàu ở vùng biển này cũng làm tiêu hao một diện tích đáng kể hệ sinh thái rạn san hô ngoài khơi - nơi được mệnh danh là "rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển".

Sau buổi hội thảo, Đại tá, TS Trần Hữu Lý cho tôi đi nhờ xe về Hà Nội. Trên xe, tôi thấy khuôn mặt anh khá trầm ngâm và có chút căng thẳng. Tôi cũng không tiện hỏi anh nhiều những vấn đề về ý tưởng trong chiếc máy mà anh và cộng sự đang trăn trở tìm giải pháp thiết kế. Bởi tôi biết, để làm ra một công cụ, một chiếc máy có thể giải quyết vấn đề xây dựng hạ tầng trên biển không phải là chuyện dễ dàng. Đặc biệt, chiếc máy ấy phải có giá thành rẻ, hiệu suất lao động cao và không ảnh hưởng nhiều đến các hệ sinh thái biển.

Nguyễn Mạnh Thắng

Địa chỉ: Báo Quân đội nhân dân - Số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội

Bài 2: Môi trường sinh thái biển - động lực để tìm cơ sở khoa học

Nguyễn Mạnh Thắng