Môi trường

Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam: Nơi con người hòa vào thiên nhiên

Khánh Ly 09/01/2024 - 09:51

(TN&MT) - Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới được UNESCO công nhận, chỉ đứng sau Indonesia về số lượng các Khu DTSQ tại khu vực Đông Nam Á.

Đây được xem là nơi phát triển các mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó, bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế - xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.

Những mô hình phát triển bền vững

Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, mỗi Khu DTSQ thế giới đều là một mô hình địa phương cho phát triển bền vững, ở cả quy mô quốc gia và quốc tế.

Theo đó, Khu DTSQ thế giới Cần Giờ với mô hình khôi phục hệ sinh thái thành công đã được thế giới đánh giá cao. Khu DTSQ thế giới Đồng Nai có mô hình bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp văn hóa, lịch sử truyền thống. Khu DTSQ thế giới Cát Bà đã khẳng định tầm quan trọng của sự tham gia cộng đồng và các bên liên quan vào hoạt động của Khu DTSQ thế giới. Sau khi tham gia Mạng lưới Khu DTSQ thế giới của Việt Nam, Khu DTSQ thế giới Kiên Giang đã chủ động thành lập Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Phú Mỹ (thuộc tỉnh Kiên Giang), góp phần vừa gia tăng hiệu quả bảo tồn, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

du-lich-hoi-an-mytour-4.jpg
Du lịch thuyền thúng ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An

Tây Nghệ An là Khu DTSQ thế giới có sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến thay đổi hành vi của tất cả các cấp từ cán bộ tới người dân. Điều này cũng được khẳng định ở Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Cát Bà và Cà Mau. Hai Khu DTSQ thế giới mới thành lập Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng mặc dù còn khó khăn trong công tác tổ chức nhưng đã cố gắng triển khai công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Khu DTSQ thế giới Langbiang và Kon Hà Nừng tạo nên phong trào du lịch trách nhiệm và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức nước ngoài.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT), đã có rất nhiều sáng kiến, mô hình thành công trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai và nhân rộng trên khắp các Khu DTSQ thế giới tại Việt Nam. Mạng lưới các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tạo sinh kế đi đôi với bảo vệ đa dạng sinh học

Để duy trì các Khu DTSQ một cách lâu dài, bền vững, điều tiên quyết là tạo sinh kế cho người dân sống quanh khu vực này. Dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các Khu DTSQ ở Việt Nam" (Dự án BR) do Bộ TN&MT và UNDP đang triển khai hướng đến mục tiêu này.

Được triển khai 3 năm qua tại Khu DTSQ thế giới tại Miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An và Đồng Nai, Dự án đang hỗ trợ bảo vệ và phát triển khoảng 1,22 triệu ha rừng với mục tiêu đến cuối năm 2024 sẽ đạt lượng hấp thụ các-bon tương đương hơn 17 triệu tấn CO2.

lac-thuyen-thung-dac-san-moi-cua-du-lich-quang-nam_1.jpg
Du lịch thuyền thúng ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An

Đáng chú ý, dự án ưu tiên phục hồi 4.000ha rừng bị suy thoái và quản lý bền vững 60.000ha các khu vực nằm ngoài khu bảo tồn nhưng có giá trị cao về đa dạng sinh học. Các hoạt động chủ yếu là tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm khu sinh quyển, phát triển du lịch sinh thái nhằm giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng của hệ sinh thái.

Các mô hình sinh kế được triển khai trên địa bàn 3 Khu DTSQ hiện đang đem lại thu nhập ổn định cho gần 11 nghìn người (ước tính có 4.438 người là phụ nữ), đã vượt mục tiêu đề ra. Các mô hình đều đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường như: Phục tráng rừng Mét suy thoái; ươm mới cây Ba Kích, Trà Hoa vàng, Khôi tía, Hoài Sơn; trồng và chăm sóc cây Bon Bo, Chè Hoa Vàng và cây Lùng; trồng cỏ, kết hợp nuôi bò, dê; bảo tồn nguồn lợi thủy sản, mô hình nông nghiệp sinh thái, điểm du lịch học tập cộng đồng... Khoảng hơn 2.600 hộ gia đình tăng thu nhập nhờ phát triển sinh kế bền vững, đồng thời, đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Điển hình tại Khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An (tỉnh Quảng Nam), Ban triển khai dự án đã hỗ trợ sinh kế cộng đồng và vận hành Quỹ tài chính quay vòng với kinh phí 3,5 tỷ đồng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại xã cẩm Kim, Cẩm Thanh. Theo bà Trần Phương Thảo - điều phối viên Dự án BR Quảng Nam, chỉ sau 9 tháng triển khai, đã có khoảng 30 đoàn với tổng số khoảng 900 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Cẩm Kim và hơn 60 đoàn tour với 3.000 khách tại Cẩm Thanh. Ban quản lý Khu DTSQ đã ban hành bộ tiêu chí chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện với đa dạng sinh học với đầy đủ quy trình, hội đồng thẩm định, hiện đang khảo sát đánh giá các homestay tại Cù Lao Chàm. Đây sẽ là một điểm nhấn cho du lịch địa phương trong thời gian tới.

Tại Khu DTSQ Tây Nghệ An, Nghệ An, các hoạt động từ dự án đã tạo cơ sở để lồng ghép quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch chung của tỉnh. Theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó Trưởng Ban triển khai Dự án BR tại tỉnh Nghệ An, với phạm vi quản lý hơn 1,2 triệu ha rừng trên địa bàn 9 huyện, địa hình phức tạp và có chung tới hơn 400km đường biên giới với Lào, quy hoạch đa dạng sinh học là nền tảng cho công tác quản lý và hỗ trợ tối đa cho phát triển kinh tế xã hội chung của 9/11 huyện miền Tây Nghệ An trong Khu DTSQ.

Hiện nay, nhiều hoạt động điều phối liên ngành và tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên rừng, đa dạng sinh học đang được triển khai, như: xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên của khu DTSQ; đánh giá thực trạng tài nguyên và hỗ trợ xây dựng các phương án quản lý rừng bền vững cho vùng lõi là Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hoạt. Đặc biệt, các cơ quan liên quan đang tham vấn xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch kết hợp bảo tồn cho 10 xã có diện tích ưu tiên phục hồi đa dạng sinh học trên địa phận của 3 huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương...

Hoàn thiện chính sách quản lý

Hiện nay, Bộ TN&MT đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các Khu DTSQ thế giới ở Việt Nam. Đến nay, quy định về khu DTSQ đã được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật để triển khai tới các Quy chế quản lý Khu DTSQ được xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3 Khu DTSQ của dự án BR hiện cũng đã hoàn thành Kế hoạch quản lý Khu DTSQ 5 năm tới và đang xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ môi trường Khu DTSQ.

Bộ TN&MT cũng đã hoàn thiện văn bản hướng dẫn đề cử và quản lý khu DTSQ, dự kiến năm 2024 sẽ áp dụng hướng dẫn này để đề cử thêm ít nhất 1 khu DTSQ mới. Bộ cũng đã hoàn thiện hướng dẫn lập Kế hoạch quản lý Khu DTSQ tích hợp quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và Hướng dẫn áp dụng đánh giá tác động đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường tại các Khu DTSQ, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới.

Năm 2024, Bộ TN&MT cùng UNDP và các địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình hoàn thiện và trình phê duyệt các hướng dẫn, quy chế, kế hoạch quản lý tại các khu DTSQ. Những mô hình, bài học thành công sẽ được tổng hợp và đưa vào kế hoạch nhân rộng sang các khu DTSQ khác, nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Khánh Ly