Bất động sản

BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng: Du lịch kích cầu mở ra điểm sáng

Võ Hà 09/01/2024 - 09:50

(TN&MT) - Tại khu vực Đà Nẵng, trong năm 2023, mỗi phân khúc của thị trường bất động sản (BĐS) đều ghi nhận những chiều hướng tiến triển khác nhau.

Trong đó, các phân khúc thuộc BĐS nghỉ dưỡng (Biệt thự nghỉ dưỡng; Nhà phố/Shophouse nghỉ dưỡng; Condotel) không chỉ phụ thuộc vào yếu tố thị trường chung mà còn bị tác động bởi sự phục hồi và phát triển của hoạt động du lịch.

2023 - lượng giao dịch ở mức khiêm tốn

Theo khảo sát từ DKRA Group, trong cả 3 quý đầu năm 2023, các phân khúc thuộc BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đều không ghi nhận nguồn cung mới. Nhìn chung, BĐS nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “ngủ đông”, liên tục thiếu vắng dự án mở bán mới. Hầu hết nguồn cung đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ đã mở bán trước đó, tuy nhiên lượng giao dịch đều ở mức khiêm tốn và cơ bản không phát sinh giao dịch. Tính đến hết 2 tháng đầu của quý IV/2023, BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng vẫn chưa thể đón nhận tín hiệu khả quan nào khi mọi phân khúc vẫn không thoát khỏi tình trạng “đóng băng”.

Có thể điểm ra một số nguyên nhân “ảm đạm” của thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng như bối cảnh chung của thị trường khá trầm lắng, tình hình du lịch chưa tăng trưởng như kỳ vọng cũng như mặt bằng lãi suất dù hạ nhiệt nhưng vẫn khó tiếp cận đã tác động tiêu cực đến thị trường. Cùng với đó là những rào cản về pháp lý, sự thận trọng của chủ đầu tư giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay nên đã thay đổi kế hoạch đưa ra sản phẩm mới. Bên cạnh đó là tâm lý e ngại của các nhà đầu tư khiến cho thanh khoản của thị trường ở mức thấp,…

4(1).jpg
Du lịch Đà Nẵng năm 2023 đã có sự phục hồi mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Đức Lập - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản cho rằng, BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng nằm trong trạng thái “đóng băng” ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Thị trường gần như không có thanh khoản đối với sản phẩm này. Nhiều dự án triển khai dở dang không có động thái tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện công trình để đưa vào sử dụng. Đây cũng là bối cảnh chung của BĐS nghỉ dưỡng trên cả nước.

Tín hiệu phục hồi từ phục hồi du lịch

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đà Nẵng, tính chung 11 tháng năm 2023, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 6.853 nghìn lượt, tăng 102,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 1.838 nghìn lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ; khách trong nước đạt hơn 5.015 nghìn lượt, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 20.826 tỷ đồng, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 8.946 tỷ đồng, tăng 57,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 11.880 tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19), tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 6.405,8 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 1.972,8 nghìn lượt; khách trong nước ước đạt 4.433 nghìn lượt. Doanh thu của cả 3 ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 22.177,7 tỷ đồng, trong đó dịch vụ lưu trú đạt 6.641,7 tỷ đồng; dịch vụ ăn uống ước đạt 13.309 tỷ đồng; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 2.226,7 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, hoạt động du lịch của Đà Nẵng trong phần lớn của năm 2023 đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, bối cảnh chung của kinh tế thế giới trong năm tới vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Những thị trường khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới nên có thể dự báo tăng trưởng du khách quốc tế trong năm tới sẽ không cao.

Về kinh tế trong nước, dự báo tăng trưởng trong năm tới giới hạn ở mức 6%, dòng tiền thu nhập từ BĐS du lịch vẫn chưa có sự tăng trưởng đột phá, thị trường condotel vì vậy nhiều khả năng chưa có tín hiệu khởi sắc trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch, chúng ta có quyền kỳ vọng du lịch sẽ kích cầu để mở ra những điểm sáng rõ nét cho BĐS nghỉ dưỡng ở giai đoạn dài hơi.

Võ Hà