Doanh nghiệp - doanh nhân

E&P sẽ tiếp tục là động lực chính để Petrovietnam phát triển

NT 05/01/2024 - 11:03

Vượt qua năm 2023 đầy sóng gió, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (E&P) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng giúp Tập đoàn hoàn thành kế hoạch năm với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong những năm tới.

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho các năm tiếp theo để Petrovietnam thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nhìn lại năm qua có thể thấy đây là một năm có nhiều khó khăn hơn thuận lợi với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng. Theo đó, tình hình địa chính trị quốc tế và Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với đó, biến động lớn về cung - cầu và giá các sản phẩm năng lượng suy giảm mạnh so với năm 2022. Giá dầu thô giảm 17 - 38%, giá phân bón giảm 25 - 30%, biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 24 - 26% so với năm 2022. Ngoài ra, lạm phát toàn cầu duy trì ở mức cao, cầu về tiêu dùng hàng hóa suy giảm mạnh...

Đối với lĩnh vực E&P, bên cạnh những khó khăn về sự phức tạp của tình hình địa chính trị, về thị trường và giá dầu biến động thì còn phải đối mặt với những khó khăn nội tại như sự suy giảm tự nhiên của các mỏ đang khai thác, phạm vi hoạt động dầu khí trên Biển Đông thu hẹp, việc triển khai đầu tư các dự án mới còn nhiều vướng mắc…

001.jpg
Lĩnh vực E&P đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2023 (Ảnh: N.T.S)

Trước những khó khăn đó, với truyền thống, bản lĩnh của “những người đi tìm lửa”, Petrovietnam đã thực hiện tốt, xuyên suốt công tác quản trị biến động, chủ động bám sát diễn biến thị trường, thực hiện đồng bộ, kịp thời hiệu quả các giải pháp, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực E&P - lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn cũng đã có một năm 2023 thành công.

Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2023 khoảng 13 triệu tấn quy dầu, vượt 8,0% kế hoạch năm (8 - 16 triệu tấn quy dầu, trung bình 12 triệu tấn quy dầu). Năm 2023 cũng đánh dấu việc lần đầu tiên sau 5 năm, Petrovietnam có 02 phát hiện dầu khí mới trong 1 năm tại giếng khoan Hà Mã Vàng - 1X (Lô 16-2, SKE) và Lavatera 1 (PM3-CAA, Hibiscus) cùng với kết quả của một số giếng khoan thẩm lượng khác DHN-4X, BH-216…

Khai thác dầu thô đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch 1 tháng 9 ngày (đạt 9,29 triệu tấn vào ngày 21/11/2023), năm 2023 ước đạt 10,43 triệu tấn, vượt 12,3% kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch 1 tháng 18 ngày (đạt 7,52 triệu tấn vào ngày 12/11/2023), năm 2023 ước đạt 8,65 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch năm; khai thác dầu ở nước ngoài năm 2023 ước đạt 1,78 triệu tấn.

Sản lượng khí năm 2023 đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch 2 tháng 21 ngày (đạt 5,94 triệu tấn vào ngày 9/10/2023), năm 2023 ước đạt 7,48 tỷ m3, vượt 25,9% kế hoạch năm (5,94 tỷ m3).

Những kết quả này đã chứng minh sự hiệu quả của các giải pháp kỹ thuật cũng như quản trị của Petrovietnam cũng như các đơn vị thành viên trong việc duy trì vận hành khai thác an toàn các mỏ/công trình dầu khí. Đồng thời duy trì tốc độ suy giảm sản lượng ở mức ổn định, hệ số suy giảm sản lượng năm 2023 là 3,7% - thấp hơn so với hệ số suy giảm trung bình của giai đoạn 2020 - 2022 (6,5%/năm). Ngoài ra năm 2023 Petrovietnam đã có hệ số bù trữ lượng lớn hơn 1, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh lĩnh vực E&P gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay.

Trong năm qua, Petrovietnam cùng các đơn vị thành viên đã đưa nhiều mỏ/công trình vào sớm hơn kế hoạch từ 11 ngày đến 2 tháng như giàn RC8 (ngày 15/7/2023), giàn BK22 (ngày 18/10/2023), giàn BK4A (ngày 20/12/2023). Trong đó, mỏ Bunga Lavatera có dòng khí đầu tiên vào ngày 25/7/2023 - sớm hơn kế hoạch 2 tháng, đây là giếng thăm dò có phát hiện và được đưa vào khai thác ngay góp phần gia tăng sản lượng khai thác hiện có của Tập đoàn.

002.jpg
Giàn BK-4A đón dòng dầu thương mại đầu tiên sớm hơn 12 ngày so với kế hoạch.

Một tin vui khác của lĩnh vực E&P trong năm 2023 là các thể chế, chính sách tạo tiền đề quan trọng để Petrovietnam cũng như lĩnh vực E&P hoạt động ổn định, phát triển bền vững trong giai đoạn tới dần được hoàn chỉnh. Đó là việc Luật Dầu khí năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 và Nghị định 45/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/7/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí là khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí.

Hiệp định Liên chính phủ về hoạt động của Vietsovpetro (VSP) và Russvietpetro (RVP): được Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Nghị quyết số 216/NQ-CP ngày 15/12/2023 và Tổng thống Liên bang Nga ban hành Luật Liên bang phê chuẩn ngày 19/12/2023 tạo cơ sở và điều kiện để Vietsovpetro triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Một số ‘điểm nghẽn, nút thắt” tại những dự án trọng điểm dầu khí đã được cấp thẩm quyền tháo gỡ. Cuối tháng 10/2023, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các các văn bản quan trọng để thúc đẩy chuỗi dự án Khí - Điện Lô B - Ô Môn, triển khai ngay gói thầu EPC#1, EPC#2, phấn đấu đưa vào hoạt động từ cuối Quý IV/2026. Đây là “siêu dự án” 12 tỷ USD được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị tham gia trong đó có các đơn vị thuộc lĩnh vực E&P.

Kết quả đạt được của lĩnh vực E&P trong năm 2023 đã góp phần đưa Tập đoàn vượt qua thách thức, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng. Trong những năm tới, khi xu thế toàn cầu về chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, lĩnh vực E&P vẫn sẽ tiếp tục là lĩnh vực cốt lõi, chủ lực trong chiến lược phát triển của Petrovietnam. Dù vâỵ, lĩnh vực E&P nói riêng, cùng các lĩnh vực khác của Tập đoàn vẫn phải tiếp tục không ngừng nỗ lực “làm mới” mình, đầu tư phát triển các dự án mới làm cơ sở để Petrovietnam phát triển bền vững, trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu của đất nước và khu vực.

NT