Thừa Thiên – Huế “sát cánh” cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư
(TN&MT) - Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã và đang quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Môi trường đầu tư từng bước được cải thiện theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ doanh nghiệp tại Thừa Thiên – Huế đã có nhiều nỗ lực phục hồi sản xuất, tạo những bước phát triển cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Các doanh nghiệp đã năng động, sáng tạo tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, có 678 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký đạt 9.712 tỷ đồng.
Đặc biệt, tình hình thu hút các dự án FDI trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Toàn tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 141,7 triệu USD (tương đương 3.389 tỷ đồng). Lũy tiến đến nay trên địa bàn tỉnh có 126 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.524,6 triệu USD. Doanh thu khu vực này ước đạt hơn 1.400 triệu USD, đóng góp trên 10 % GRDP toàn tỉnh, nộp ngân sách ước đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 16,9 % so với cùng kỳ; chiếm tỷ trọng 36,8% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Thừa Thiên - Huế đã trở thành điểm đến của một số tập đoàn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Carlsberg (Đan Mạch), Banyan Tree (Singapore), HBI (Hoa Kỳ), Scavi (Pháp), Luks ciment (Hồng Kông), CP (Thái Lan), Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Baosteel (Trung Quốc), SBH (Tây Ban Nha), AeonMall (Nhật Bản), Kanglongda (Trung Quốc)… với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có những giải pháp hỗ trợ thiết thực và đã ban hành các chính sách kịp thời cho doanh nghiệp. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới; tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị cùng với sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, cải tiến công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử,...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế, trong năm vừa qua, tỉnh hỗ trợ tổ chức 17 khoá đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho 930 doanh nghiệp nhỏ và vừa với kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng. Thông qua hoạt động hỗ trợ đào tạo và nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, tỉnh đang dần có những định hướng rõ ràng hơn trong công tác hỗ trợ để giúp doanh nghiệp nâng tầm công tác quản lý, vận hành doanh nghiệp.
“Môi trường đầu tư của tỉnh từng bước được cải thiện theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, xây dựng các sản phẩm xúc tiến đầu tư chính là các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể. Tỉnh đã thực hiện những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận đầu tư, cũng như giải quyết các thủ tục hành chính liên quan như, thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục về đất đai đối với các dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư…”, ông Lê Văn Cường – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương cho rằng, để hiện thực hóa những định hướng phát triển của tỉnh, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác cùng với tỉnh trong việc phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, tỉnh luôn tập trung đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đưa ra các giải pháp, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư của tỉnh. UBND tỉnh cũng đã luôn chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm nhằm đáp ứng các mục tiêu kinh tế xã hội phù hợp với thực tiễn.
“Tỉnh vẫn đã và đang chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng để thu hút thêm nhiều con sếu đầu đàn - những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có khả năng chi phối thị trường và hoạt động trong những lĩnh vực mang tính lan tỏa, dẫn dắt hơn nữa. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh vẫn là ứng xử công bằng với tất cả các nhà đầu tư tìm đến với tỉnh theo phương châm win-win, hợp tác cùng phát triển và thịnh vượng”, Phó Chủ tịch Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Liên quan đến thu hút và hoạt động của doanh nghiệp FDI, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết sẽ tập trung thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực trên các lĩnh vực gồm: nông nghiệp toàn diện, công nghiệp có lợi thế, dịch vụ, kinh tế biển,... nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
“Thời gian tới, ngoài việc thực hiện các chính sách theo quy định của Trung ương, tỉnh sẽ giao các ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát nhằm hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp về lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại, giảm thêm thuế giá trị gia tăng, ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm, đầu tư trang thiết bị cho doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ kích cầu ngành du lịch…”, ông Phan Quý Phương nói.
Năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp Thừa Thiên - Huế đứng trong top 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022 (PCI 2022), xếp hạng 6, tăng 2 bậc so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 7,03%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Thu ngân sách Nhà nước đạt 11.350 tỷ đồng…