Thế giới

Châu Á - Thái Bình Dương: Lập chính sách giảm phát thải carbon không cản trở tăng trưởng kinh tế

Mai Đan 04/01/2024 - 16:26

(TN&MT) - Vấn đề nan giải giữa tăng trưởng kinh tế thải ra nhiều carbon và biến đổi khí hậu ngày càng gây lo ngại ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi tạo ra khoảng 60% lượng khí thải toàn cầu. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia cũng nằm trong số 10 quốc gia phát thải CO2 hàng đầu trên thế giới.

Theo một phân tích vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, các nước châu Á - Thái Bình Dương đang phải giải quyết một nhiệm vụ quan trọng là tách tăng trưởng kinh tế khỏi lượng khí thải carbon, trong khi đó tình trạng kinh tế của các quốc gia không tương đồng, từ các nước có thu nhập cao đến các nước có nền kinh tế mới nổi và mỗi quốc gia đều đang phải đối mặt với những thách thức riêng.

kantei2-2-7cmclbtgsoroyrtgrz8pt0cpljqyft4dw4ffnfnck00.jpg
Các nước châu Á thải ra khoảng 60% lượng khí thải CO2 của thế giới và nhiều nước, trong đó có Nhật Bản sử dụng năng lượng được tạo ra từ than

Trong suốt hơn 2 thế kỷ qua, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi việc đốt nhiên liệu hóa thạch, làm giải phóng CO2 - nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, với những hậu quả nghiêm trọng.

Theo lý thuyết đường cong môi trường Kuznets - thể hiện mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và môi trường, thiệt hại về môi trường sẽ tăng lên trong giai đoạn phát triển ban đầu, trước khi giảm dần. Đối với lượng khí thải CO2, điều này là do sự phát triển ban đầu thường phụ thuộc vào công nghiệp hóa, trong khi ở các nền kinh tế tiên tiến, dịch vụ thường chiếm tỷ trọng lớn hơn, và những quốc gia này cũng có nhiều nguồn lực hơn để giảm thiểu dấu chân carbon.

Tuy vậy, ngay cả ở các nền kinh tế châu Á có thu nhập cao, lượng khí thải cũng không giảm nhiều, trong khi các nền kinh tế có thu nhập tương tự ở những nơi khác đã cắt giảm lượng khí thải bình quân đầu người khoảng 20% so với mức đỉnh điểm, mặc dù bắt đầu từ mức phát thải cao hơn.

Hầu hết lượng khí thải của châu Á đến từ các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm 61% tổng lượng khí thải của khu vực. Lượng khí thải CO2 cũng tiếp tục tăng theo đà tăng GDP ở Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Thậm chí, phát thải còn tăng nhanh hơn GDP kể từ những năm 1990 ở các quốc gia như Bangladesh, Fiji, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Trước tình hình trên, các nhà chuyên gia kêu gọi các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương lập chính sách và giải pháp phù hợp để giảm thiểu phát thải carbon nhưng không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Lượng khí thải CO2 của các nước châu Á chiếm khoảng 60% phát thải của thế giới và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phụ thuộc vào thành công của khu vực trong việc khử carbon. Do đó, các nước châu Á - đặc biệt là những nước có nền kinh tế có thu nhập trung bình và cao, cần có hành động mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch, nông nghiệp và giao thông xanh.

Tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 vừa kế thúc tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất vào tháng 12/2023, 134 quốc gia đã đề xuất tích hợp tốt hơn hệ thống nông nghiệp và thực phẩm vào hành động vì khí hậu, khi nông nghiệp chiếm đến 18% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Để làm được như vậy, cần có các giải pháp kỹ thuật mới và thay đổi thói quen tiêu dùng, qua việc nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang trồng trọt....

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giao thông, sự phát triển của xe điện đang mở ra nhiều hy vọng. Tuy nhiên, lượng khí thải carbon sẽ phụ thuộc vào nguồn điện cung cấp cho xe điện, điều này càng chứng minh việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch khỏi sản xuất điện sẽ có ý nghĩa quyết định.

Mai Đan