Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: Mô hình bệnh viện Xanh – Sạch – Đẹp thân thiện với môi trường
Nghĩ tới bệnh viện nhiều người không khỏi ngán ngẩm trước cảnh “đất chật người đông”, ồn ào, ngột ngạt. Tuy nhiên, sự ra đời của mô hình bệnh viện xanh của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về bệnh viện.
Xanh hóa môi trường khám chữa bệnh
Chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Lê Lâm cho biết, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là Viện chuyên khoa đầu ngành về Huyết học - Truyền máu trong cả nước, là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế được thành lập theo Quyết định số 31/2004/QĐ-TTg ngày 08/03/2004 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Viện Huyết học và Truyền máu Bệnh viện Bạch Mai. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương có chức năng nhiệm vụ khám, chữa bệnh, tư vấn phòng bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế, Viện còn có chức năng tham mưu, phối hợp với các tổ chức chính quyền, đoàn thể từ Trung ương tới các địa phương lập kế hoạch tổ chức vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện; Tổ chức tiếp nhận, sàng lọc, điều chế, lưu trữ, điều tiết và phân phối máu trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, Viện đang cung cấp máu và chế phẩm máu cho 180 bệnh viện/cơ sở y tế tại 31 tỉnh/thành phố, bảo đảm cho nhu cầu cấp cứu và điều trị.
Nhìn lại quá trình lịch sử xây dựng và phát triển, Phó Viện trưởng Lê Lâm cho biết, ngay từ khi bắt tay xây dựng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã hướng tới hình ảnh bệnh viện “xanh” - thân thiện với môi trường. Mặc dù diện tích chật, hẹp nhưng với mục tiêu tối đa hóa cây xanh và cảnh quan, môi trường thân thiện nên Ban lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ, viên chức người lao động luôn ý thức triển khai và hướng tới mục tiêu đã đề ra.
Quan điểm của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là không gì hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn bằng hỗ trợ tâm lý người bệnh. Để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, yếu tố môi trường đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong những khu vực như bệnh viện - nơi mà áp lực bệnh tật, sự đau đớn và vấn đề sinh tử đè nặng lên vai người bệnh lẫn thân nhân của họ. Cây cảnh nội thất được ví như một máy điều hòa thiên nhiên giúp cải thiện vấn đề sức khỏe cũng như tạo môi trường trong lành, thoáng mát, thoải mái không những cho người bệnh, người nhà người bệnh mà còn cho những người xung quanh.
Dấu ấn từ mô hình phủ xanh, giảm thiểu rác thải nhựa
Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Lê Lâm cho biết, một trong những nhiệm vụ xanh hóa bệnh viện được Viện triển khai thời gian qua là thực hiện “Mô hình phủ xanh bệnh viện, sử dụng túi giấy thay thế túi ny lông khó phân hủy trong hoạt động cấp phát thuốc của Viện” với hai tiêu chí trọng tâm là: Phủ xanh bệnh viện và giảm thiểu rác thải nhựa.
Việc triển khai mô hình “phủ xanh bệnh viện, giảm thiểu rác thải nhựa” đã góp phần tạo điều kiện và động lực cho Viện tăng cường cải thiện điều kiện môi trường làm việc, xây dựng cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”, giảm thiểu rác thải nhựa, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến thực hiện xây dựng mô hình phủ xanh bệnh viện, sử dụng túi giấy thay túi ny lông khó phân huỷ trong hoạt động cấp phát thuốc của Viện” đã nhận được sự đồng tình của cán bộ nhân viên y tế, của người bệnh, người nhà người bệnh và người hiến máu. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Vì vậy khi thực hiện mô hình “phủ xanh bệnh viện, sử dụng túi giấy thay thế túi ny lông khó phân hủy trong hoạt động của Viện” đã góp phần đáng kể làm giảm thiểu lượng rác thải nhựa khó phân hủy trong hoạt động của Viện (ước tính khoảng 300kg/tháng).
Với lợi thế sẵn có của một “bệnh viện xanh”, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hy vọng sẽ phần nào làm hài lòng người bệnh, người nhà người bệnh và người hiến máu trong điều kiện chật hẹp về diện tích, quá tải về cơ sở vật chất.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được xây dựng trên khuôn viên có tổng diện tích là 9.500m2, gồm 3 tòa nhà. Tòa nhà H: Quy mô thiết kế 935 gường bệnh, Tòa nhà T: Quy mô thiết kế ban đầu cho 90.000 đơn vị máu/năm, hiện nay tiếp nhận gần 430.000 đơn vị máu/năm. Tòa nhà D: 326 m2 công năng sử dụng cho khoa Kiểm soát nhiếm khuẩn, khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, khu vực tắm rửa, vệ sinh cho người bệnh.