Tài nguyên nước

Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Đưa công tác đối ngoại lên một tầm cao mới

Thủy Nguyễn (thực hiện) 01/01/2024 - 09:16

(TN&MT) - Với vị trí là quốc gia ở hạ nguồn sông Mê Công và phải chịu tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động ở thượng nguồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn xác định tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác với các nước trong Ủy hội cũng như với các đối tác quốc tế trong thực hiện Hiệp định Mê Công. PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Linh - Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam về những đóng góp của Văn phòng trong công tác tham mưu để hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.

a1.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Linh - Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

PV: Những năm qua, Việt Nam đã thể hiện vai trò của một quốc gia thành viên tích cực tham gia các hoạt động của Ủy hội sông Mê Công quốc tế ở tất cả các cấp, diễn đàn và các lĩnh vực hợp tác. Với vai trò là cơ quan thường trực, giúp việc cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Văn phòng thường trực đã có những đóng góp gì trong hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (Văn phòng Thường trực) với vai trò là cơ quan thường trực, giúp việc cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong thực hiện vai trò đầu mối của quốc gia thực hiện Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công và tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện hiệu quả các vấn đề liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia trong quản lý tổng hợp lưu vực sông Mê Công, bao gồm lưu vực sông Sê San, Srêpốk và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Văn phòng Thường trực đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho công tác Hợp tác Mê Công, đóng góp vào xây dựng và triển khai thành công các nhiệm vụ chiến lược của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; chuẩn bị các nội dung chiến lược cho Lãnh đạo các cấp tham dự các Hội nghị cấp cao, diễn đàn đối thoại trong khuôn khổ Hợp tác Mê Công và các cơ chế hợp tác vùng khác trong khu vực.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao của Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại Viêng Chăn (Lào) tháng 4/2023, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, nhất là kiến nghị thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực dựa trên công nghệ số, chia sẻ số liệu vận hành các công trình sử dụng nước theo thời gian thực.

Đặc biệt, với chức năng nhiệm vụ của Ủy ban đảm nhiệm cả vai trò của tổ chức lưu vực sông, Văn phòng Thường trực là cơ quan giúp việc đã thúc đẩy các hoạt động phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong giải quyết các mẫu thuẫn, vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực, đóng góp vào xây dựng các cơ chế chính sách, pháp luật, quy hoạch về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Sê San, Srêpốk và Cửu Long. Thực hiện tốt vai trò đầu mối trong tổ chức các hoạt động phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên trong triển khai thực hiện các hoạt động của Ủy hội tại quốc gia và các địa phương, lồng ghép các chiến lược, quy hoạch ở cấp vùng vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của quốc gia. Thường xuyên cung cấp các bản tin về diễn biến tài nguyên nước trên lưu vực để các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí sản xuất, ứng phó và thích ứng hiệu quả với diễn biến tài nguyên nước bất thường trên lưu vực.

a.jpg
Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức

PV: Năm 2016, Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) ra đời đúng vào thời điểm khi vấn đề an ninh nguồn nước trở nên nóng bỏng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Vậy đến nay, Cơ chế hợp tác MLC đã có những đóng góp gì cho nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn nước trong lưu vực, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Hợp tác MLC về tài nguyên nước ra đời đã tạo cơ hội đối thoại cho cả 6 quốc gia ven sông để cùng chia sẻ và bảo vệ nguồn nước chung. Hợp tác tài nguyên nước MLC tập trung vào 6 lĩnh vực: Tài nguyên nước và phát triển xanh; Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thích ứng biến đổi khí hậu; Tăng cường năng lực trong sử dụng nước; Cải thiện cấp nước cho dân sinh và nông thôn; Phát triển thủy điện bền vững và an ninh năng lượng và Hợp tác xuyên biên giới và chia sẻ thông tin.

Cho đến nay, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Hợp tác MLC về tài nguyên nước đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận như: Tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác tài nguyên nước MLC lần thứ nhất vào tháng 12 năm 2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung và danh sách các đề xuất dự án hợp tác tài nguyên nước để triển khai thực hiện. Trung Quốc đã tổ chức nhiều diễn đàn khoa học, các khóa đào tạo cho cán bộ kỹ thuật của các nước về quản lý tài nguyên nước, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ kiểm soát lũ, cứu trợ hạn hán, các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế công trình thủy điện, và giám sát hệ sinh thái…

Trung Quốc và các quốc gia thành viên hiện cũng đang phối hợp triển khai Nghiên cứu chung về diễn biến thay đổi điều kiện thủy văn của lưu vực sông Mê Công - Lan Thương và chiến lược thích ứng; xây dựng Cơ chế Chia sẻ Thông tin Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công - Lan Thương; xây dựng Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2023 - 2027. Theo đó, Kế hoạch hành động 5 năm lần thứ hai (giai đoạn 2023 - 2027) tập trung vào các lĩnh vực: Tăng cường hiệu quả hoạt động của Cơ chế hợp tác tài nguyên nước Mê Công - Lan Thương; Tăng cường đối thoại các cấp, hợp tác kỹ thuật và chia sẻ thông tin số liệu; Tăng cường năng lực cho các quốc gia thành viên trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mê Công - Lan Thương; Thúc đẩy phát triển xanh và bền vững, tăng cường phối hợp trong vận hành các công trình khai thác và sử dụng nước trên lưu vực và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động của Hợp tác MLC về tài nguyên nước.

PV: Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường. Xin bà cho biết, thời gian tới, Việt Nam cần có những hoạt động gì để tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên khác của Ủy hội và các đối tác quốc tế?

Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Để góp phần giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường trong lưu vực sông Mê Công nói chung và ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các quốc gia trên lưu vực thông qua các kênh hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là cơ chế hợp tác Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Hợp tác MLC. Thông qua các cơ chế hợp tác này, Việt Nam cần thúc đẩy công tác chia sẻ thông tin, số liệu, nâng cấp công cụ phân tích đánh giá, công cụ dự báo, tăng cường năng lực phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, theo dõi, giám sát; thực hiện hiệu quả các quy chế/thủ tục sử dụng nước và chiến lược phát triển lưu vực, chiến lược thích ứng chung giữa các quốc gia ven sông.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải tăng cường sự chủ động trong quản lý nguồn tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước của các địa phương như chủ động về kế hoạch ứng phó khi có dự báo, cảnh báo về biến đổi về nguồn nước từ thượng nguồn về tới đồng bằng như kế hoạch về mùa vụ, cơ cấu cây trồng, kế hoạch trữ nước, kế hoạch duy tu bảo dưỡng và nâng cấp công trình cấp nước, điều tiết nước; chủ động trong phối hợp, điều phối giữa các địa phương, đặc biệt là cần chú ý mối quan hệ thượng - hạ nguồn, hài hòa lợi ích giữa các địa phương; tăng cường nâng cao nhận thức về sử dụng nước hiệu quả tiết kiệm cho người dân. Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực dự báo cảnh báo sớm về tình hình nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long và công tác tuyên truyền phổ biến tới cộng đồng, tới người dân cần được làm một cách hiệu quả và kịp thời.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Thủy Nguyễn (thực hiện)