Ngành TN&MT

Bền vững niềm tin

Việt Hùng - Việt Hải 31/12/2023 - 16:24

Cùng với các bộ, ban, ngành, địa phương cả nước, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ TN&MT đã đi qua năm 2023 bằng những bước đi vững chắc, quả quyết và tràn đầy ý nghĩa.

Một năm của nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thách thức, tạo dựng cơ hội, đoàn kết kỷ cương sáng tạo bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bức tranh tươi sáng 2023

Trước thềm năm mới 2024, nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, trong năm 2023, căn cứ 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ; bám sát chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", toàn ngành TN&MT đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; kịp thời trong phản ứng chính sách để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh có liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Ngành; quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của Ngành nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ TN&MT có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao:

Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được quan tâm, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.

bo-truong-dang-quoc-khanh-thi-sat-hoat-dong-san-xuat-da-thach-anh-tai-bac-kanj-thang-9.2023.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thị sát hoạt động sản xuất đá thạch anh tại Bắc Kạn tháng 9/2023.

Chúng ta đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước.

Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.

Chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành TN&MT được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022, Bộ TN&MT xếp hạng 3/17 bộ, cơ quan ngang bộ (có dịch vụ công).

Công tác dự báo đã chủ động hơn, sớm hơn, đủ độ chi tiết, tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, bão, lũ trên các sông và các hình thái thời tiết cực đoan, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch được chủ động triển khai thực hiện…

Năm của tổng kết thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý TN&MT

Có thể thấy, bức tranh tươi sáng năm 2023 mang tên Tài nguyên và Môi trường đã được kiến tạo thành công với sự chung sức đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, trong đó đan xen những mảng màu rực rỡ. Nhìn vào bức tranh chung ấy, chúng ta hiểu, không phải ngẫu nhiên mà năm 2023 được đánh giá là năm của tổng kết thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý TN&MT.

Năm 2023, ngành TN&MT đã triển khai tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của ngành TN&MT, trong đó, đặc biệt là đất đai, địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước...

Trên cơ sở tổng kết thi hành pháp luật, ngành TN&MT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm trình Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024. Đặc biệt là tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với đa dạng phương thức lấy ý kiến, tuyên truyền các điểm mới, thay đổi lớn trong Dự thảo Luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Đây thực sự trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị sôi nổi với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý.

Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, ban hành 3 nghị định, 3 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 19 thông tư giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, rút ngắn thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường kỷ cương trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, đánh giá việc xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

Đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ 8/8 quy hoạch cấp quốc gia, 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Tại địa phương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực TN&MT, tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.

Năm của mở rộng hội nhập, hợp tác quốc tế, đón đầu các cơ hội từ xu thế phát triển…

Ở lĩnh vực hợp tác quốc tế, chúng ta đã tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế hợp tác, đón đầu các cơ hội từ xu thế phát triển. Chủ động hội nhập với xu thế chung toàn cầu về môi trường, khí hậu; tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung toàn cầu về giải quyết các thách thức thời đại như BĐKH, ô nhiễm nhựa, suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái; nắm bắt các cơ hội thúc đẩy hợp tác phát triển. Bộ TN&MT, ngành TN&MT đã tham mưu kịp thời cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, khí hậu, nhất là cam kết về mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi năng lượng công bằng, đổi mới cơ chế tài chính, tín dụng quốc tế cho phát triển bền vững. Chủ trì, phối hợp tham mưu Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng tham dự và đóng góp thực chất hiệu quả tại nhiều diễn đàn, sự kiện quốc tế quan trọng trong năm, nổi bật là Đoàn công tác của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tham dự Hội nghị COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE); Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng; Hội nghị rà soát toàn diện giữa kỳ việc triển khai các mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018 - 2028; Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới... Qua đó, từng bước góp phần thực hiện hiệu quả nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao tài nguyên, môi trường và khí hậu; khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng của Bộ với tư cách là Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện các công ước, nghị định thư và thỏa thuận quốc tế về môi trường, khí hậu.

small_bt-di-kcn-.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đi kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại Hưng Yên tháng 10/2023. Ảnh: Khương Trung

Chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác về tài nguyên, môi trường và khí hậu với nhiều đối tác chiến lược, quan trọng, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Diễn đàn Kinh tế thế giới... Kịp thời nắm bắt, tham mưu tham gia các sáng kiến quốc tế, khu vực về môi trường, khí hậu. Đặc biệt, đã chủ trì phối hợp với Nhóm các đối tác phát triển về việc thành lập Ban thư ký, xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thúc đẩy hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng năng lượng công bằng, công lý tại Việt Nam, đón đầu các cơ hội hợp tác khai thác tiềm năng lợi thế về tài nguyên gió, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.

...và thúc đẩy hiện thực hóa chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với BĐKH

Chúng ta đã triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với BĐKH. Chủ động bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch quốc gia thích ứng BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thích ứng BĐKH. Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập 26 quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP); Đề án tổ chức Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng BĐKH và quản lý nước. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Tích cực làm việc với Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) và các định chế tài chính trong và ngoài nước nhằm triển khai cam kết của Việt Nam về ứng phó với BĐKH.

Thực hiện mục tiêu Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng dự thảo Thông báo quốc gia lần thứ tư của Việt Nam và Báo cáo minh bạch hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam để gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hoàn thiện Hệ thống báo cáo trực tuyến giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia; phối hợp với các cơ quan liên quan và Ngân hàng Thế giới hoàn thiện Văn kiện Dự án triển khai thực hiện thị trường các-bon tại Việt Nam để thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2028. Tham gia thực hiện những mục tiêu của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal; triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế với các bên về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát, quản lý vòng đời các chất fluorocarbon, làm mát bền vững khu vực đô thị, làm mát xanh quốc gia. Tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới, UNEP và các chuyên gia về xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HFC giai đoạn 1 và Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn 3.

Thực hiện Tuyên bố JETP nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng các-bon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi… Tổ chức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28 cùng với Nhóm các đối tác quốc tế.

Huy động các nguồn lực ứng phó BĐKH, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán chứng chỉ các-bon và phát hành trái phiếu xanh. Triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với BĐKH, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…

Vững tin bước vào năm mới

Khép lại một năm bộn bề công việc và đầy dầy thành quả, những quả ngọt ấy không chỉ là nguồn động viên, khích lệ, mà còn là động lực thúc đẩy toàn ngành TN&MT vững tin bắt tay ngay vào triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024.

Xác định năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm toàn ngành TN&MT “Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát triển - bứt phá” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực TN&MT vì một tương lai bền vững.

Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, toàn ngành TN&MT tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn, Bộ TN&MT sẽ tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương…

Toàn ngành phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra. Trình Quốc hội, Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp gần nhất; hoàn thành, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời có hiệu lực đồng thời với Luật.

Phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản TN&MT.

Trên cơ sở đặt mục tiêu bằng hoặc cao hơn năm 2023, duy trì và phấn đấu thăng hạng Chỉ số cải cách hành chính của Bộ; Cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường; Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; Cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; Kiểm soát, giám sát hồ chứa thủy điện thủy lợi; Tăng tự động hóa số trạm quan trắc khí tượng thủy văn giám sát dự báo, cảnh báo kịp thời thiên tai bão, lũ; Tăng cường năng lực giám sát môi trường; Tăng diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản...

Các nhóm giải pháp đột phá đã được ngành xác định triển khai để tăng tốc phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. 7 nhóm nhiệm vụ chung cũng đã được xác định. Chúng ta cũng đồng thời xác định nhiệm vụ cụ thể đối với các lĩnh vực chuyên ngành trên tất cả các lĩnh vực: Quản lý đất đai; Quản lý tài nguyên nước; Địa chất và khoáng sản; Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; Bảo vệ môi trường; Khí tượng thủy văn; BĐKH; Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số; Đo đạc, bản đồ và viễn thám...

Trên mọi lĩnh vực, ở các cấp, các đơn vị trực thuộc, ở các địa phương, ở mọi vị trí công tác... tất cả đã sẵn sàng bước vào năm 2024 với khí thế mới, quyết tâm mới, thế và lực mới.

Từ "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" năm 2023 đến “Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát triển - bứt phá” năm 2024 là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, không đo bằng 365 ngày mà đo bằng tâm huyết, trách nhiệm, đam mê, bằng trí tuệ, bản lĩnh, bằng tinh thần đoàn kết, bằng cường độ lao động cao, là nấc thang tạo sức bật vươn lên, phơi phới đón chặng đường mới.

Nhìn lại 2023, chúng ta càng thấm thía hơn chân lý: Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nhất định phải bền vững niềm tin. Niềm tin đó đang được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Bộ TN&MT, ngành TN&MT trên khắp mọi miền đất nước xây dựng và vun đắp.

Việt Hùng - Việt Hải