Ngành TN&MT

Bộ TN&MT phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Đích đến là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Trường Giang 31/12/2023 - 16:24

(TN&MT) - Một trong những trọng tâm của việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Bộ TN&MT đang thực hiện đúng lộ trình này.

Cung cấp 91 dịch vụ công trực tuyến

Bộ TN&MT vừa cho biết, trong năm 2023, Bộ tiếp tục vận hành, cung cấp 91 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó, 46 DVCTT mức độ toàn trình (chiếm tỷ lệ 50,5%); kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, về bảo hiểm, về dân cư và Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và DVCTT (Hệ thống EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, Bộ đã tích hợp, cung cấp 89 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 97,8% trên tổng số 91 DVCTT đã triển khai. Đến nay, chỉ có 2 DVCTT không tích hợp do triển khai tích hợp, kết nối với Hệ thống một cửa quốc gia, gồm: Chấp thuận đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng; Cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại) và Bộ sẵn sàng tích hợp thêm các DVCTT còn lại khi đủ điều kiện. Tiếp tục hoàn thiện, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ.

untitled(1).jpg
Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 3 trong tổng số 17 bộ, ngành về mức độ chuyển đổi số năm 2022

Đặc biệt, Bộ đã triển khai, vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ TN&MT (LGSP), bảo đảm an toàn thông tin, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và các hệ thống thông tin của Bộ với 240 dịch vụ, 817.368 giao dịch trong tháng 11/2023, tổng số năm 2023 là 9.941.161 giao dịch; số lượng văn bản điện tử (ký số) gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng dữ liệu nội bộ trong tháng 11/2023 là 10.240 văn bản, tổng số năm 2023 là 81.355 văn bản.

Tiếp tục triển khai, vận hành các hệ thống thông tin, dịch vụ, ứng dụng Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị, làm việc của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, ngành TN&MT trên môi trường điện tử, trực tuyến; kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin của Chính phủ, với các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, của các bộ, ngành qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục vận hành Hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp ngành TN&MT (tại địa chỉ: https://bcth.monre.gov.vn) đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ báo cáo, các yêu cầu về chức năng, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; cập nhật, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm điều hành thông minh phục vụ chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ, với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, Bộ đã hoàn thành xây dựng, kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai, phát sinh 20.538 hồ sơ; tiếp tục triển khai kết nối, chia sẻ 18 trường thông tin dữ liệu giữa CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư. Đến nay đã kết nối 63/63 tỉnh, thành phố với dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã với tổng số hơn 26 triệu thửa đất.

Bộ cũng tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với các Sở TN&MT triển khai các Dịch vụ công thiết yếu, kết nối CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030; thúc đẩy thực hiện thu thập, quản lý, xây dựng CSDL và khai thác sử dụng thông tin dữ liệu TN&MT; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, triển khai Chính quyền điện tử trong quản lý văn bản đi đến, hồ sơ công việc, hệ thống DVCTT, một cửa điện tử và các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và điều hành công việc; hỗ trợ, theo dõi, đôn đốc công tác an toàn thông tin.

Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành TN&MT

Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử năm 2024, Bộ TN&MT cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), quy định kinh tế - kỹ thuật trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin theo tiến trình chuyển đổi số ngành TN&MT theo định hướng, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông; đẩy mạnh triển khai DVCTT toàn ngành TN&MT, cung cấp đầy đủ các DVCTT giải quyết TTHC liên quan đến công dân, các TTHC về TN&MT cho toàn ngành. Tiếp tục chuẩn hóa, đơn giản hóa, TTHC, cung cấp 100% DVCTT toàn trình đủ điều kiện, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển Chính phủ số năm 2023 của Bộ TN&MT; thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn được giao bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai Chính phủ điện số, chuyển đổi số ngành.

Ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường cho biết, chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 3/17 trong các bộ, cơ quan ngang bộ có dịch vụ công. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT- TT (ICT index) của Bộ xếp hạng thứ 2/17 trong các bộ, cơ quan ngang bộ có dịch vụ công.

Xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành về TN&MT, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số ngành TN&MT.

Hiện đại hóa, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành. Hoàn thiện vận hành Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử theo hướng dựa trên dữ liệu số hành chính, bước đầu ứng dụng, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, an toàn thông tin. Phát triển, hiện đại hóa hạ tầng số, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin trên cơ sở thực hiện các dự án về chuyển đổi số, xây dựng CSDL về TN&MT; nâng cấp, phát triển Trung tâm dữ liệu của Bộ đáp ứng yêu cầu, điều kiện cho chuyển đổi số của ngành. Tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình các thủ tục sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư để công bố và cập nhật, tích hợp, cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ TN&MT và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, hoàn thiện nền tảng triển khai Hệ thống giải quyết TTHC đáp ứng yêu cầu của Bộ và các địa phương; Cổng thông tin điện tử phục vụ, làm hài lòng người dân và doanh nghiệp…

Trường Giang