Ngành TN&MT

Ngành Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa - điểm tựa hướng tới Kinh tế xanh

Thu Thủy (thực hiện) 31/12/2023 - 14:25

(TN&MT) - Để có tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 7,29%, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh cũng đang đề ra những lộ trình, đặt ra mục tiêu cụ thể, thiết thực, kêu gọi sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân hướng tới phát triển xanh trong ngành TN&MT. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

3.jpg
Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

PV: Thưa ông, trong năm 2023, công tác quản lý ngành TN&MT tại Thanh Hóa đã được địa phương tổ chức triển khai như thế nào? Ông có thể cho biết đâu là những khó khăn, thách thức đối với tỉnh Thanh Hóa?

Ông Lê Đức Giang: Năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của ngành TN&MT đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Trong năm, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 30/5/2023 về Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 06/02/2023 về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 11/9/2023 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2023.

Xây dựng và ban hành Quyết định số 65/KH-STNMT ngày 15/01/2023 về Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023. Tập trung giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực đất đai.

Về lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, Thanh Hóa đã tổ chức đấu giá thành công đối với 36 mỏ khoáng sản, cụ thể: Đất san lấp 20 mỏ với trữ lượng và tài nguyên dự báo là 42.387.094m3; Đá xây dựng 15 mỏ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục đi vào nền nếp; đã tổ chức thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nước trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa cũng đang gặp phải một số thách thức, khó khăn như: Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi để thực hiện các dự án đã làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm, đất sử dụng sai mục đích, đất giao thầu hồ sơ không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, đất giao không đúng thẩm quyền nhưng không chứng minh được việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, không đảm bảo hồ sơ pháp lý khi thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, hồ sơ lưu trữ bị thất lạc.

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong năm 2023 và đóng góp của ngành TN&MT cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Ông Lê Đức Giang: Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,29%, tuy chưa đạt kế hoạch (11%) nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, khó lường. Trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 3,91%; công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,56%; dịch vụ ước tăng 8,01%; thuế sản phẩm ước giảm 5,21%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.144 USD.

4.jpg
Một góc TP. Thanh Hóa. Ảnh: Việt Hùng

Với những kết quả phát triển đó, năm 2023, ngành TN&MT Thanh Hóa đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh. Theo đó, thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đấu giá 225 mặt bằng (dự án), diện tích đất đã đấu giá là 55,1ha, đạt tỷ lệ 7,67% kế hoạch. Tổng số tiền sử dụng đất thu được 3.525,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17,82%. Hiện đang phê duyệt 23 dự án, tổng diện tích 359,2ha, với tổng số tiền 5.660 tỷ đồng.

UBND tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất 89 dự án, với tổng diện tích 672,13ha, cụ thể: Giao đất không thu tiền sử dụng đất 17 dự án (diện tích là 69,84ha); giao đất cho Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn để quản lý 13 dự án (diện tích là 112,36ha); giao đất có thu tiền sử dụng đất 4 dự án (diện tích 40ha); cho thuê đất 56 dự án (diện tích là 379,40ha); thu hồi đất giao địa phương quản lý 1 dự án (diện tích 70,53ha). Cấp 141 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức theo quy định. Đã lập 33.520 bản trích lục, trích đo, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính (tương ứng với 115.197 thửa đất, diện tích 960.952ha) phục vụ giao đất, thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản.

Ngay từ đầu năm, Sở TN&MT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh về công tác đấu giá các mỏ khoáng sản; đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai công tác đấu giá. Đến nay đã tổ chức đấu giá thành công 6 đợt đối với 47 mỏ khoáng sản. Các mỏ trúng đấu giá trung bình tăng so với giá khởi điểm từ 10% trở lên, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước…

PV: Trên cơ sở kết quả đã đạt được, xin ông cho biết nhiệm vụ cụ thể của ngành TN&MT trong năm 2024 nhằm đảm bảo phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Ông Lê Đức Giang: Năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TN&MT đến các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ TN&MT, góp phần vào công cuộc phát triển bền vững.

Hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục về chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp theo quy định. Rà soát các đơn vị đã được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm nhưng đã quá thời hạn và đã được gia hạn nhiều lần, nhưng chưa nộp hồ sơ về Sở trình UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận địa điểm.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư theo dự án được duyệt. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa, xử lý những diện tích đất chưa sử dụng, diện tích đất sử dụng chưa đúng mục đích; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Tập trung hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai của các đơn vị, cá nhân; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Tham mưu xác định giá đất cụ thể, tính giá trị quyền sử dụng đất và thẩm định phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án theo quy định; tổ chức thực hiện, quản lý, khai thác quỹ đất có hiệu quả.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quản lý, xử lý rác thải không đúng quy trình kỹ thuật, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Không xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoạt động trên thượng nguồn các con sông lớn của tỉnh. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển; Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển của tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Thủy (thực hiện)