Thường Tín (Hà Nội): Cần làm rõ khuất tất trong quản lý chợ Vồi
(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến việc cải tạo, nâng cấp các gian hàng, quản lý tiền cho thuê gian hàng và biến đất quy hoạch bãi chứa rác tại chợ Vồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín (Hà Nội) thành ki ốt để cho thuê nhưng không đưa tiền thuê ki ốt vào ngân sách Nhà nước khiến người dân bức xúc.
Để làm rõ nội dung thông tin bạn đọc phản ánh, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã tới xã Hà Hồi, huyện Thường Tín để tìm hiểu, ghi nhận ý kiến người dân cũng như cán bộ địa phương.
Qua tìm hiểu được biết, việc cải tạo, nâng cấp ki ốt khu vực bãi Tây Nam chợ Vồi diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4/2021 thì hoàn thành. Sau khi sửa chữa, cải tạo, từ 14 gian ki ốt lớn, BQL chợ Vồi đã tự ý chia thành 30 gian nhỏ. Nhiều tiểu thương là chủ của 14 gian ki ốt cũ bức xúc: Thay vì được trở lại vị trí ki ốt cũ như trước đây, gian hàng của họ lại bị ngăn đôi và chuyển sang những vị trí khác mà không được thông báo trước hay bốc thăm công khai. Chưa kể, vị trí ki ốt khác có diện tích nhỏ hơn, lối vào nhỏ hẹp khiến xe ô tô chở hàng trước đây cũng khó có thể di chuyển, việc buôn bán của các tiểu thương vì thế cũng bị gián đoạn.
Chị N.T.L cho biết: Khu vực này trước đây ngoài hơn chục ki ốt thì còn có một khoảng đất trống để các xe hoa quả lưu động bán hàng, một phần khu đất là nơi tập kết rác. Vào năm 2021, UBND xã và BQL chợ thông báo sẽ cải tạo nâng cấp các kiốt lên cho đẹp, kế hoạch sẽ giữ nguyên gian hàng và chủ thuê.
Chị N.T.L cho biết thêm: Mặc dù chúng tôi chưa nhất trí nhưng xã Hà Hồi đã tự quyết định cải tạo và sửa chữa nên chúng tôi đành phải chịu. Sau khi việc cải tạo, sửa chữa các gian hàng hoàn thành chúng tôi mới biết 14 gian ki ốt của chúng tôi đã được chia thành 30 gian hàng nhỏ hơn. Trong khi đó, 14 gian hàng của chúng tôi đều phải đóng khoản tiền 106 triệu đồng/gian để cải tạo, nâng cấp chợ.
Một tiểu thương khác bức xúc: Dù chỉ có sạp hàng buôn bán ngoài sân nhưng mỗi tháng BQL đều tới thu mỗi hộ 3 triệu đồng/tháng, có sạp cao hơn tùy vào vị trí chỗ ngồi. Đáng nói, việc thu này không có hóa đơn, chứng từ?!
Theo ghi nhận, những phản ánh của các tiểu thương là có cơ sở, những gian hàng khu vực bãi Tây chợ Vồi được chia ra thành những gian nhỏ. Đồng thời có khoảng chục rạp ngoài sân. Ngoài ra, những hợp đồng giao thuê sử dụng tài sản (ki ốt, gian hàng, sạp hàng), phiếu thu tiền tại chợ Vồi đều không có dấu đỏ.
Để làm rõ thông tin, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Hà Hồi. Ông Ánh cho biết, chợ Vồi là chợ truyền thống nông thôn với tổng diện tích khoảng 20.000 m2, có hơn 600 gian hàng kinh doanh đủ các mặt hàng. Còn đối với khu vực bãi Tây Nam chợ Vồi có 14 ki ốt của các tiểu thương thuê trước kia là khu vực bị xuống cấp. Trong thời gian đó, xã Hà Hồi đang về đích nông thôn mới, mà theo quy định, mỗi xã phải có sản phẩm OCOP. Do vậy, xã đã đề xuất việc cải tạo, nâng cấp khu vực bãi Tây đó cũng như xây dựng những gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Việc này đã được thông qua Nghị quyết của Đảng ủy và chính quyền xã.
Cũng theo ông Ánh, khu vực đó là đất công của xã chứ không phải khu quy hoạch làm bãi chứa rác. Ông Ánh cũng dẫn kết luận của thành phố yêu cầu có giải pháp kiểm soát đối với các gian hàng xập xệ có nguy cơ về an toàn cháy nổ. Chính vì vậy, xã phải tổ chức cải tạo, nâng cấp để phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận, khu vực chợ vẫn chưa đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy. “Đối với việc thu phí 14 gian hàng của khu vực bãi Tây Nam để nâng cấp, cải tạo là các tiểu thương tự nguyện hỗ trợ. Số tiền cho thuê các gian hàng, sạp hàng được sử dụng để chi trả hoạt động cho anh em tại BQL chợ” - ông Ánh khẳng định.
Tuy nhiên, khi phóng viên cho rằng việc thu phí, cho thuê ki ốt với số tiền lớn như vậy mà không đưa vào ngân sách là không đúng với quy định cũng như chủ trương của thành phố Hà Nội thì ông Ánh phân trần: “Việc này UBND xã cũng đã báo cáo với UBND huyện nhưng chúng tôi chỉ báo cáo bằng miệng chứ không có làm văn bản”.
Trước những bức xúc của người dân, đề nghị UBND huyện Thường Tín và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ vụ việc.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.