Kinh tế

Hòa Bình: Phê duyệt dự án đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu

Đức Hải 31/12/2023 - 10:07

(TN&MT) - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định số 3079/QĐ-UBND phê duyệt dự án Cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+00 - Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình). Dự án có tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng.

hb-duong-1-.jpg
Dự kiến tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ mở ra những thuận lợi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng Tây Bắc

Theo quyết định số 3079/QĐ-UBND, do ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt: “Dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+00 - Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình). Dự án có chiều dài khoảng 34 km với tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện đầu tư năm từ 2024 đến năm 2028.

Dự án được xây dựng trên địa bàn 2 huyện Đà Bắc, huyện Mai Châu của tỉnh Hoà Bình và huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La. Giai đoạn 1 thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô của giai đoạn hoàn thiện với diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Hoà Bình khoảng 321,83 ha.

Điểm đầu của dự án, được xác định tại nút giao IC 2, lý trình Km19+00, nối tiếp đoạn Km0-Km19 đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu trước vị trí giao với dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc - Thanh Sơn, Phú Thọ. Tuyến đi qua thị trấn Đà Bắc đi qua các xã Cao Sơn, Tiền Phong rồi vượt hồ Hòa Bình bằng cầu dây văng nhịp chính dài 550 m. Từ vị trí cầu Hòa Sơn tuyến giao với ĐT.432, sau đó đi phía trên xóm Đá Đỏ, men theo sườn núi Thần Chắt, tiếp tục đi men theo sườn núi, đi qua khu vực xóm Nánh, cắt qua núi Thẳm Hiền. Sau khi qua núi Thắm Hiền tuyến đi về phía trái đường địa phương hiện tại về điểm cuối tuyến khớp nối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La.

hb.jpg

Theo tư vấn thiết kế được thẩm định và duyệt: Bình đồ tuyến thiết kế bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của cấp đường, phù hợp với các quy hoạch có liên quan, các điểm khống chế, giảm thiểu tối đa khối lượng công trình, đào đắp, khối lượng giải phóng mặt bằng, cơ bản tránh các khu đông dân cư, rừng, đất quốc phòng, khu du lịch và di tích lịch sử văn hóa, đền chùa, miếu mạo, nghĩa trang,…bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, hài hòa với cảnh quan trong khu vực.

Trắc dọc đường cao tốc thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của đường ô tô cao tốc, có xét đến giải pháp đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh, các điểm khống chế, bảo đảm tần suất thiết kế, thoát lũ, tĩnh không yêu cầu tại các vị trí giao cắt với quốc lộ, tỉnh lộ, đường địa phương,… bảo đảm êm thuận trong quá trình vận hành, giảm thiểu khối lượng đào, đắp, bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài. Đường gom, đường hoàn trả thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn của cấp đường, phù hợp với cao độ hệ thống đường dân sinh hiện trạng, quy hoạch các khu dân cư lân cận, bảo đảm việc kết nối thuận lợi giữa các khu dân cư.

Trắc ngang đường cao tốc theo quy mô giai đoạn hoàn thiện nền đường rộng 22 m, bao gồm 04 làn xe cơ giới, dải phân cách giữa, dải an toàn trong, dải dừng xe khẩn cấp và lề đường. Quy mô giai đoạn 1 thiết kế nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m. Đường gom, đường hoàn trả thiết kế bảo đảm quy mô đường giao thông nông thôn loại A và loại B; phù hợp với quy hoạch, thỏathuận với địa phương và mặt cắt ngang đường cũ.

Quy hoạch 04 vị trí nút giao liên thông đầu tư trong giai đoạn hoàn thiện, Giai đoạn 1 thiết kế kết nối giao thông tại các nút giao quy hoạch phù hợp với việc tổ chức giao thông giai đoạn 1, phù hợp với nguồn lực đầu tư được bố trí. Chủ đầu tư cũng bố trí xây dựng 01 cầu vượt ngang giao cắt với đường địa phương có chiều dài 48,3 m, rộng 7,5 m. Số lượng, vị trí và khẩu độ hầm chui dân sinh thiết kế trên cơ sở tiêu chuẩn áp dụng, phù hợp quy mô đường chui, có xét đến quy hoạch của địa phương, phù hợp với nhu cầu và hiện trạng kết nối hệ thống giao thông trong khu vực.

Bố trí 10 đoạn đường gom dân sinh đảm bảo giao thông nội khu với tổng chiều dài khoảng 4.281 m và 04 vị trí đường ngang hoàn trả với tổng chiều dài khoảng 1.692 m phù hợp với nhu cầu và hiện trạng kết nối hệ thống giao thông trong khu vực, có xét đến quy hoạch của địa phương, các tuyến đường gom được đầu tư trong giai đoạn hoàn thiện. Thiết kế bảo đảm quy mô đường giao thông nông thôn; phù hợp với quy hoạch và thỏa thuận với địa phương; một số đoạn đi trùng đường dân sinh, xây dựng hoàn trả theo mặt cắt ngang đường cũ.

Xây dựng 30 cầu trên tuyến, trong đó cầu Hoà Sơn có kết cấu dây văng vượt lòng hồ thủy điện Hoà Bình thiết kế vĩnh cửu, bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Bề rộng cầu chính 21 m, bề rộng cầu dẫn 17,5 m. Thiết kế trắc dọc đảm bảo tiêu chuẩn cấp đường; trắc dọc cầu đảm bảo yêu cầu tĩnh không thông thuyền. Phần cầu chính của cầu Hòa Sơn được thiết kế dạng cầu dây văng hai mặt phẳng dây, tổng chiều dài dự kiến là 1.010 m.

hb-duong-2-(1).jpg
Mô hình cầu Hòa Sơn có thiết kế dây văng qua lòng hồ thủy điện Hòa Bình

Đặc biệt, dự án xây dựng 03 hầm trên tuyến, trong đó hầm số 01 dài 492 m, hầm số 2 dài 627 m, hầm số 3 dài 720 m. Hầm giai đoạn hoàn thiện quy mô 02 ống hầm độc lập lưu thông 01 chiều, bề rộng mỗi ống hầm 10 m. Giai đoạn phân kỳ đầu tư 01 ống hầm bảo đảm bố trí 02 làn xe.

Phạm vi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án dài khoảng 31,9 km. Tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khoảng 321,83 ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 924 hộ, trong đó số hộ cần tái định cư khoảng 60 hộ. Phương án bồi thường, hỗ trợ bằng tiền tính theo đơn giá đền bù trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phương án tái định cư phân tán, không xây dựng khu tái định cư.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03 (Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên) theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ; hình thành đường giao thông liên vùng Sơn La, các tỉnh Tây Bắc - Hà Nội, Hoà Bình, Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ đó phát huy khả năng khai thác của toàn bộ mạng lưới giao thông liên vùng.

Bên cạnh đó, dự án còn bổ sung sự lựa chọn di chuyển từ Hà Nội đến Khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình, các huyện Đà Bắc, Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, thay đổi tình trạng độc đạo của Quốc lộ 6; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ du lịch tại tỉnh Hoà Bình, tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, thu hút nguồn lực khai thác quỹ đất chưa sử dụng, nâng cao tính cơ động, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực.

Đức Hải