Bến Tre: Triển khai công tác ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2024 - 2025
(TN&MT) - Chiều 29/12, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Bến Tre năm 2021 - 2023; đồng thời, triển khai các nội dung, nhiệm vụ giai đoạn 2024 - 2025. Hội nghị do ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo BĐKH tỉnh Bến Tre chủ trì.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Là một trong những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dễ tổn thương do các tác động của BĐKH; nên xu hướng xâm nhập mặn, triều cường, xạt lở bờ sông, bờ biển gia tăng trên địa bàn Bến Tre đã và đang là thách thức lớn. Trong nỗ lực thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính, trên cơ sở phù hợp chủ trương của Trung ương, Kịch bản BĐKH và phát triển kinh tế, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch ứng phó BĐKH 10 năm (2021 - 2030).
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Bến Tre đã ghi nhận được những kết quả khả quan như: Thể hiện qua những thay đổi trong sinh hoạt để thích ứng với xâm nhập mặn, môi trường, tài nguyên được lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển tỉnh; các công trình thủy lợi trọng điểm, các mô hình canh tác thích ứng BĐKH, xâm nhập mặn được triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng xanh, giảm phát thải với các dự án năng lượng gió khu vực biển, canh tác nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao; việc thích ứng BĐKH cũng phù hợp với các vùng sinh thái, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Bùi Minh Tuấn, giai đoạn năm 2021 - 2023, không xảy ra thiên tai hạn mặn, kinh tế tỉnh Bến Tre đã bắt đầu phục hồi sau thiên tai năm 2019 - 2020. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của BĐKH, dự báo mùa khô 2024 - 2025 là cao điểm El Nino hạn mặn tác động đến khu vực, trong khi đó, tỉnh Bến Tre chưa chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt do hệ thống công trình thủy lợi quản lý nước chưa hoàn thành; đồng thời, năng lực quản lý về giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê phát thải, các chất gây hiệu ứng nhà kính trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Hiện tại, tỉnh Bến Tre cũng chưa xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về BĐKH tỉnh; nhiệm vụ được lồng ghép vào nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, đa dạng sinh học, BĐKH tỉnh Bến Tre”.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt hạn chế và đề xuất biện pháp khắc phục để triển khai thực hiện tốt công tác ứng phó với BĐKH trong thời gian tới. Đặc biệt, các đại biểu tập trung vào các biện pháp, giải pháp thích ứng lâu dài, bền vững trong ứng phó xâm nhập mặn, cung cấp nguồn nước ngọt; xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp, công trình thủy lợi và công tác phối hợp vận hành hệ thống thủy lợi giảm rủi ro ô nhiễm nước; về phát triển đô thị thích ứng BĐKH; lồng ghép thích ứng, giảm nhẹ phát thải rồng bằng “0” vào Quy hoạch tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý, khai thác bền vững tài nguyên nước gắn với Chương trình về an ninh nguồn nước, nước ngọt thích ứng BĐKH của Tỉnh ủy Bến Tre.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo BĐKH tỉnh Bến Tre đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố cần chủ động, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2024 - 2025.
Trong đó, ông Nguyễn Minh Cảnh lưu ý, cần tập trung phối hợp, hoàn thành các công trình trọng điểm quản lý nước tỉnh Bến Tre; chú ý vận hành hiệu quả, khoa học hệ thống công trình thủy lợi giảm thiểu rũi ro ô nhiễm môi trường nước mặt; thực hiện các hoạt động để tăng cường năng lực cho các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh trong giảm phát thải khí nhà kính; đảm bảo thực hiện lồng ghép ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, nhiệm vụ, dự án phát triển của ngành, địa phương để tranh thủ, tận dụng, huy động nguồn lực cho ứng phó BĐKH.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố để tổ chức kịp thời, có hiệu quả, các hoạt động, nhiệm vụ; đồng thời, đảm bảo duy trì thường xuyên công tác truyền thông về BĐKH, chú ý đến nâng cao ý thức về lối sống, sinh hoạt, sản xuất xanh, bền vững, ít phát thải các-bon.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung triển khai cho giai đoạn 2024 - 2025, UBND tỉnh Bến Tre giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện thẩm định kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính; chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu UBND tỉnh Bến Tre thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tiềm năng tỉnh Bến Tre tham gia thị trường các-bon” để tận dụng cơ hội từ giảm phát thải khí nhà kính cho phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre.
Song song đó, Sở TN&MT Bến Tre triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và hoàn thành nhiệm vụ “Khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre”; đảm bảo công tác quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường trong đập, hồ chứa nước ngọt ứng phó hạn mặn, góp phần nâng cao năng lực trong quản lý bền vững tài nguyên nước trên địa bàn; hoàn thành tham mưu giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa vào vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo mặn tự động thuộc dự án AMD.
Đối với các Sở, ngành liên quan và các địa phương, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi, đáp ứng cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, chủ động trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả thích ứng, giảm phát thải, phát triển xanh trong cộng đồng; lồng ghép thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; truyền thông đến người dân dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ chất lượng môi trường nước, cũng như sinh hoạt sản xuất, hạn chế phát sinh khí thải...