Môi trường

Chú trọng phát triển dịch vụ trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

Mai Đan 26/12/2023 21:03

(TN&MT) - Đó là một trong những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024 của Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) vào chiều 26/12, tại Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, bà Đặng Thanh Mai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, các đơn vị dự báo trực thuộc Tổng cục đã thực hiện theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước, theo dõi, cảnh báo, dự báo sớm các đợt thiên tai.

Trong năm 2023 toàn ngành đã dự báo phục vụ cho 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới; 21 đợt không khí lạnh; 20 đợt nắng nóng diện rộng; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng;13 đợt lũ; 28 đợt lũ quét, sạt lở đất với trên 100 vị trí xảy ra trên phạm vi 35 tỉnh/thành phố; cung cấp hơn 72.000 bản tin, trong đó có hơn 25.266 bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, 47.598 bản tin KTTV bình thường.

Đồng thời, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

img_9886.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn tiếp tục được nâng cấp dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các sản phẩm đồng hóa độ phân giải cao với thời hạn dự báo đến 24h. Công nghệ dự báo thủy văn theo hướng đồng bộ, liên thông được tăng cường cho 2 lưu vực sông (Hồng, Hương).

Trong năm 2023, ngành cũng tập trung xây dựng công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, đã tích hợp dữ liệu dự báo mưa hạn cực ngắn từ ra đa kết hợp với dữ liệu từ mô hình số với độ phân giải cao (1-3km); tích hợp hỗ trợ ra tin; ngưỡng mưa; xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực; tích hợp các khu vực trọng điểm để cảnh báo chi tiết.

img_9819.jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường phát biểu tại hội nghị

Ngành đã cung cấp thông tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cập nhập liên tục trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục KTTV tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/.

Tổng cục cũng xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch Ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2023-2024 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT; có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ trong quá trình phân tích, đánh giá dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm như: xâm nhập mặn, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Xây dựng Đề án “Tăng cường dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”; kiện toàn Ban chỉ đạo PCTT của Bộ TN&MT; thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét theo Chương trình 705. Đây cũng là những công việc được ngành KTTV thực hiện trong năm nay.

img_9850.jpg
Bà Đặng Thanh Mai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV báo cáo tại hội nghị

Bên cạnh triển khai nhiệm vụ công tác dự báo, cảnh báo và PCTT KTTV, năm 2023, Tổng cục cũng đạt nhiều kết quả trong các công tác về mạng lưới trạm KTTV, thông tin, dữ liệu KTTV.

Biểu dương những kết quả này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá, năm 2023, Tổng cục KTTV đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đảm bảo thực hiện công tác, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Kết quả công tác KTTV đã được Chính phủ, Bộ TN&MT, các cấp, các ngành và các địa phương ghi nhận.

img_9807.jpg
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đóng góp ý kiến tại hội nghị

Thứ trưởng cho biết, cùng với việc phát triển hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV và dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV chuyên nghiệp hiệu quả, truyền tin kịp thời đến các cấp các ngành và cộng đồng, ngành cần khai thác hiệu quả các nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng phục vụ cho việc xây dựng hoàn thiện thể chế và hoạt động tác nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành KTTV cần khuyến khích xã hội hóa, chú trọng phát triển dịch vụ trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tận dụng mọi nguồn lực, sản phẩm về quan trắc, dự báo; kết hợp ứng dụng công nghệ AI để tạo ra những sản phẩm thân thiện phục vụ chỉ đạo điều hành, tiếp cận phục vụ cộng đồng; xây dựng kế hoạch mở rộng hoạt động dịch vụ KTTV, khai thác tối đa hiệu quả dịch vụ số liệu phục vụ cho việc tái đầu tư hệ thống kỹ thuật của ngành cũng như đầu tư nhân lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc chuyên dùng thu hút sự quan tâm đầu tư về hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động quản lý vận hành mạng lưới KTTV quốc gia.

Dẫn chứng hàng loạt trận mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong năm 2023, Thứ trưởng cho rằng, đối với công tác cảnh báo, dự báo thiên tai hiện nay, cảnh báo mưa lớn cục bộ và lũ quét, sạt lở đất vẫn là quan trọng nhất, do vậy trong thời gian tới, Tổng cục KTTV cần tiếp tục thay đổi, cải tiến hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo và truyền tin, nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, AI để đưa thông tin kịp thời và đổi mới hơn nữa đến người dân và doanh nghiệp.

img_9893.jpg
Quang cảnh hội nghị

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Công Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường nhấn mạnh, năm 2024 là một năm nhiều thách thức đối với ngành TN&MT nói chung và ngành KTTV nói riêng, trong khi đó, nhu cầu của xã hội về thông tin KTTV ngày càng cao. Do vậy, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo KTTV thực hiện tốt công tác chuyên môn, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV và các đơn vị trong Bộ TN&MT đã thảo luận, góp ý và đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị và thúc đẩy lĩnh vực KTTV ngày càng phát triển. Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia kiến nghị Tổng cục tăng cường năng lực cho các Đài KTTV tỉnh để đáp ứng được công tác, thông qua bổ sung trang thiết bị, đào tào, tập huấn bồi dưỡng cán bộ; bố trí nguồn lực duy trì, bảo hành hệ thống hạ tầng đã được đầu tư, trang bị; có kế hoạch triển khai và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đề án cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất.

Mai Đan