Đất đai

Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư tại Sơn La: Từ thực tiễn Mộc Châu, Vân Hồ

Nguyễn Nga 26/12/2023 - 13:02

(TN&MT) - Tỉnh Sơn La vừa hoàn thành Đề tài Nghiên cứu cơ sở dữ liệu về đất đai để đề xuất giải pháp tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Qua đó, góp phần bổ sung cơ sở lý luận, thực tiễn, giải pháp tạo quỹ đất trên địa bàn 2 huyện, cũng như các địa phương khác có điều kiện tương đồng thời gian tới.

Những kết quả bước đầu

Mộc Châu, Vân Hồ là 2 huyện miền núi ở phía Đông Nam tỉnh Sơn La, với tổng diện tích trên 205.000ha; 29 đơn vị cấp xã, chiếm 14,56% diện tích của tỉnh.

Những năm qua, trên địa bàn 2 huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, phát triển du lịch, du lịch sinh thái. Để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển KT - XH 2 địa phương, giải pháp tạo lập quỹ đất đóng vai trò quan trọng nhằm phân bổ quỹ đất cho các lĩnh vực, đối tượng sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí, hạn chế sự hủy hoại đất đai, phá vỡ môi trường sinh thái.

a1(1).jpg
Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu cơ sở dữ liệu về đất đai để đề xuất giải pháp tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội huyện Mộc Châu, Vân Hồ” họp đánh giá kết quả Dự án.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Sơn La đang áp dụng các phương thức chính để tạo quỹ đất sạch gồm: Khai thác quỹ đất công do Nhà nước quản lý hiện đang bỏ trống hoặc sử dụng không hiệu quả; thực hiện phương thức Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai các dự án phát triển KT - XH; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng. Trong đó, phương thức Nhà nước thu hồi đất đang được tiến hành nhiều nhất, để quản lý, tạo lập, phân bổ sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn.

Từ thực tiễn đó, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế triển khai đề tài Nghiên cứu cơ sở dữ liệu về đất đai để đề xuất giải pháp tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư phát triển KT - XH huyện Mộc Châu, Vân Hồ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Giai đoạn 2016 - 2021, huyện Mộc Châu đã tạo quỹ đất với tổng diện tích 131,23ha phục vụ nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng khu chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch. Con số này tại Vân Hồ là hơn 261ha, phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, phát triển hạ tầng.

Nhìn chung, công tác tạo quỹ đất đã được chính quyền 2 huyện quan tâm triển khai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đặc biệt, với các dự án lớn, trọng điểm, đã có sự chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan ban ngành từ tỉnh đến huyện. Thường xuyên kiểm tra tiến độ thực tế của dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đã hạn chế được việc giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, lãng phí.

Cần quy hoạch các khu vực ưu tiên thu hút đầu tư

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác tạo quỹ đất theo hình thức thỏa thuận còn thấp, ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án vào mục đích sản xuất kinh doanh. Chính quyền địa phương chưa hoàn toàn chủ động tạo lập quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm chủ nguồn cung, điều tiết thị trường bất động sản, tăng nguồn thu ngân sách.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện từ khi có chủ trương quy hoạch, dự án đầu tư đến thu hồi, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất còn kéo dài, trong khi năng lực, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường còn thấp so với giá giao dịch trên thị trường, gây khó khăn cho việc tuyên truyền, vận động người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế...

a2(1).jpg
Toàn cảnh khu trung tâm huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Để tiếp tục tạo quỹ đất sạch, nhóm nghiên cứu Đề tài đã đề xuất 4 nhóm giải pháp chính, bao gồm: Giải pháp về quy hoạch, quản lý sử dụng đất; giải pháp về cơ chế chính sách thu hút đầu tư; giải pháp sử dụng đất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đất du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, đất sử dụng phát triển công nghiệp chế biến nông sản; nhóm giải pháp tổ chức thực hiện.

Theo đó, chính quyền 2 huyện cần quan tâm, bố trí nguồn lực hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tạo quỹ đất. Chú trọng xác định, quy hoạch các khu vực ưu tiên để thu hút đầu tư, như các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu du lịch... Những khu vực này cần được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng tốt và quy định đất đai linh hoạt.

Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, tập trung tuyên truyền cho người dân về quyền và nghĩa vụ khi sử dụng đất, về trách nhiệm đăng ký đất đai, các chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… Công khai, minh bạch và đối thoại với các đối tượng bị thu hồi đất để thuyết phục, khắc phục những thiếu sót, hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án được giao.

Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án tạo quỹ đất thông qua hình thức thỏa thuận phù hợp thực tế tại địa phương để thống nhất thực hiện. Đồng thời, huyện cần có định hướng để nhà đầu tư triển khai các dự án theo hình thức thỏa thuận tại những khu đất có vị trí xa trung tâm, giảm áp lực sử dụng đất tại các khu vực trung tâm.

Nguyễn Nga