Biến đổi khí hậu

Tăng diện tích rừng chất lượng cao: Một công nhiều việc

Quan Hưng 26/12/2023 - 11:24

(TN&MT) - Tăng diện tích rừng chất lượng cao, rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng bền vững FSC không chỉ thúc đẩy xuất khẩu lâm nghiệp mà còn cùng lúc giải quyết nhiều mục tiêu đặt ra liên quan đến phát triển rừng, trong đó có mục tiêu phục vụ phát triển thị trường tín chỉ các-bon.

Thúc đẩy xuất khẩu lâm nghiệp bền vững

Là địa phương đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế FSC đối với rừng tự nhiên, Quảng Trị đã chứng minh năng lực bằng việc nỗ lực đạt thành tựu trong phát triển rừng gỗ lớn và liên kết trồng rừng. Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị hiện có 23.400ha rừng trồng gỗ lớn FSC, trong đó, trên 17.000ha tập trung chủ yếu ở các công ty lâm nghiệp: Bến Hải, Triệu Hải và Đường 9; diện tích còn lại ở các hộ dân và hợp tác xã.

Trong số đó, 2.145ha rừng tự nhiên của 5 thôn tại các xã: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Linh của huyện Hướng Hóa được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ các-bon vào tháng 10/2022 với trữ lượng lưu trữ tại các diện tích rừng này khoảng 350.000 tấn CO2 và lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2.

Kết quả này mang đến cơ hội cho các chủ rừng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái do Hội đồng Quản trị rừng quốc tế FSC khởi xướng trên toàn cầu.

Đặc biệt, tác động đến việc thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Trị, thúc đẩy tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến 2030, với mục tiêu sản xuất khoảng 4.000 tấn hạt trẩu, tương đương trị giá thương mại khoảng 50 tỷ đồng/năm cho nông dân khu vực miền núi.

Diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC nói trên cũng đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường các nguyên liệu có chứng nhận FSC gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô…

Thu tiền tỷ từ bán tín chỉ các-bon

Còn tại Quảng Bình, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, lần đầu tiên, Quảng Bình thu hơn 80 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.

Triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ các-bon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Bộ NN&PTNT chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD). Từ đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Các-bon thông qua IBRD, sau đó điều phối gần 50 triệu USD đến các tỉnh theo quy định. Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh của khu vực).

gominhlong.com-wp-content-uploads-2020-10-_fsc-1.jpg
FSC bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên rừng quý giá

Ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, trong tổng số kinh phí trên, 80 tỷ được dùng để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND xã); 2,4 tỷ đồng còn lại sẽ được trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình.

Để thu về số tiền nói trên, diện tích rừng của Quảng Bình được chi trả là 469.317ha rừng tự nhiên (bình quân số tiền chi trả trên đơn vị diện tích là khoảng 170.000 đồng/ha). Nội dung chi trả bao gồm: hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; công tác quản lý.

Trữ tín chỉ các-bon cho tương lai

Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản, gỗ. Để đưa nhiều sản phẩm vào các thị trường "khó tính" đòi hỏi cần các chứng chỉ rừng bền vững; qua đó giúp gia tăng giá trị sản phẩm lâm sản, tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Ông Trần Lâm Đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, triển khai Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS).

Hệ thống VFCS được xây dựng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC), được PEFC công nhận, cho phép sử dụng nhãn mác và vận hành từ năm 2019. Đến nay, cả nước đã có khoảng 435.000ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó có 150.000ha chứng chỉ rừng VFCS/PEFC.

Chính phủ cũng đồng thời chỉ đạo triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng như hỗ trợ 8 triệu/ha để bà con trồng rừng gỗ lớn; những đề án, chương trình phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiệu quả. Đặc biệt với 2 chính sách lớn liên quan đến Nghị định 98 của Chính phủ về khuyến khích phát triển liên kết, hợp tác liên kết trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ và Nghị định số 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hiện, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành một số chính sách, trong đó có chính sách cho người dân vay trồng rừng gỗ lớn.

Bên cạnh đó, đón đầu chủ trương thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, các địa phương thuộc vùng và nhiều địa phương trên cả nước đang đang khuyến khích các chủ rừng phát triển rừng đạt chứng chỉ FSC, bởi đây là cơ hội tiến tới việc thương mại hóa tín chỉ các-bon.

Trước bối cảnh thế giới đang hình thành sàn giao dịch các-bon, mục tiêu phát triển rừng của Việt Nam đặt ra nhiều tham vọng. Cùng với giải quyết sinh kế cho người dân có rừng, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có rừng thì xuất khẩu lâm nghiệp và tham gia thị trường tín chỉ các-bon là những tính toán dài hơi của Việt Nam. Với trên 14,7 triệu ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng với các dự án tín chỉ các-bon rừng. Hiện rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ các-bon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công... Tương lai, Việt Nam quan tâm đến việc dự trữ tín chỉ

các-bon từ những cánh rừng để phục vụ mục tiêu lớn là trung hòa các-bon bằng nguồn các-bon trong nước thay bằng việc tìm kiếm tín chỉ các-bon đắt đỏ và khan hiếm khi nguồn dự trữ trong nước hạn chế.

Quan Hưng