Khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Thanh Hóa: Công khai, minh bạch và hiệu quả

Thu Thủy 26/12/2023 - 10:37

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Đấu giá công khai, minh bạch

Theo kế hoạch, trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức đấu giá ít nhất 50 mỏ khoáng sản, với trữ lượng khoảng 50 triệu m3 đất san lấp, 30 triệu m3 đá, 2 triệu m3 cát. Ngay từ đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh về công tác đấu giá các mỏ khoáng sản; đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai công tác đấu giá. Đến nay đã tổ chức đấu giá thành công 5 đợt đối với 36 mỏ khoáng sản. Các mỏ trúng đấu giá trung bình tăng so với giá khởi điểm từ 10% trở lên, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng niêm yết, đăng công khai trên các các cổng thông tin, báo đài, quy định rõ các đối tượng được tham gia đấu giá bao gồm: Tổ chức, cá nhân hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật, đã nộp phí tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước và không thuộc các trường hợp cấm tham gia đấu giá theo quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Quy chế đấu giá của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa.

Người tham gia đấu giá phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/08/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa; Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát được phê duyệt; Quy chế đấu giá của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa và các văn bản pháp luật liên quan.

dau-gia-ks.jpg
Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản một cách công khai, minh bạch và thành công

Điển hình như trong 2 lần gần đây nhất, tỉnh Thanh Hóa đã đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản đợt 4 và đợt 5 gồm 6 mỏ đá, 9 mỏ đất và 2 mỏ cát. Đáng chú ý, Công ty TNHH Rạng Đông trúng đấu giá mỏ cát xã Mường Lý - Trung Lý, huyện Mường Lát với mức R=226,6%. Công ty CP Hiệp Phát Cẩm Thủy trúng đấu giá Mỏ đất tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy với mức giá 6.116.116.000 đồng. Công ty CP ĐTXD&TM Hiệp Chung Dũng trúng đấu giá mỏ đá vôi tại xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh (diện tích mỏ 13,924 ha) với mức giá 18.999.000.000 đồng. Công ty CP ĐTXD Nhất Long trúng đấu giá Mỏ đá vôi thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (diện tích mỏ 15,06 ha) với mức giá 74.622.316.000 đồng. Hình thức đấu giá công khai, minh bạch, thành công, được đa phần người dân và doanh nghiệp ủng hộ.

Tăng cường công tác quản lý

Một trong những giải pháp quản lý, sử dụng khoáng sản hiệu quả, tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước là áp dụng tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc áp dụng hình thức đấu giá đã giảm đáng kể cơ “xin - cho” vốn tồn tại nhiều bất cập, tiêu cực, tạo điều kiện cho các đơn vị yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp: Khi áp dụng hình thức đấu giá quyền khai thác, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được sàng lọc cẩn thận, chỉ khi đủ điều kiện mới được tham gia đấu giá, tức là, nếu muốn khai thác khoáng sản, phải chứng minh được năng lực tài chính (qua đấu giá); kinh nghiệm khai thác và cam kết công nghệ khai thác chế biến hiện đại, đảm bảo về môi trường... Đồng nghĩa với việc không còn "đất" cho những doanh nghiệp "tay không bắt giặc" hoặc làm ăn chụp giật.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã đồng ý với đề xuất của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về thí điểm đấu giá một số mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo hình thức đấu giá trực tuyến. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, khẩn trương rà soát, lựa chọn 5 mỏ thực hiện theo hình thức đấu giá trực tuyến. Yêu cầu 5 mỏ được lựa chọn để đấu giá trực tuyến phải tương đồng với 5 mỏ thực hiện đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tập trung đẩy mạnh triển khai tiến độ cấp phép khai thác thông qua hình thức đấu giá, đặc biệt là các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đồng thời đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm.

Ngoài phục vụ cho các công trình xây dựng dân dụng, một số mỏ còn tận thu được đá khối làm đá ốp lát. Các mỏ đất làm vật liệu san lấp và tận thu khoáng sản đi kèm, hoạt động khai thác tại các mỏ đáp ứng nhu cầu về vật liệu san lấp phục vụ các dự án xây dựng, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Để tăng cường công tác quản lý, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa: "Về triển khai sau đấu giá, ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp trúng đấu giá thực hiện các bước tiếp theo để hoàn hiện hồ sơ khai thác trong thời gian sớm nhất. Sở luôn theo dõi, có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ sớm nhất".

Thu Thủy